Đời là bể khổ ở Trung Quốc nếu không có thanh toán di động

Tấn Minh |

Người nước ngoài hiện đã có thể dùng các ứng dụng thanh toán di động phổ biến của Trung Quốc ở một chừng mực nhất định, nhưng không phải ai cũng thấy tiện lợi và nhiều nơi không chấp nhận tiền mặt.

Alipay vừa tung ra một phiên bản quốc tế của nền tảng thanh toán di động của hãng dành cho du khách nước ngoài đến Trung Quốc.

Có tên là "Tour Pass", ứng dụng này có thể được sử dụng trong tối đa 90 ngày, và đối với nhiều người ngoại quốc, nó tỏ ra khá hữu dụng.

Năm năm về trước, tại Trung Quốc, tiền mặt vẫn là một loại tiền tệ phổ biến, dịch vụ chia sẻ xe đạp chưa từng tồn tại và người ta vẫn chưa quen với việc đặt cafe đến tận nhà thông qua một ứng dụng di động.

Đời là bể khổ ở Trung Quốc nếu không có thanh toán di động - Ảnh 1.

Dịch vụ chia sẻ xe đạp chưa được mở cửa cho người nước ngoài sử dụng

Kể từ đó, Trung Quốc đã chuyển mình thành một xã hội gần như không tiền mặt ở tốc độ nhanh chưa từng có tiền lệ. Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, lưu lượng giao dịch thanh toán di động trong nước đã đạt 41,51 nghìn tỷ USD trong năm 2018, tăng 28 lần so với 5 năm trước.

Cuộc sống tại đây dường như diễn ra trên màn hình điện thoại, chủ yếu thông qua hai ứng dụng: WeChat, với nền tảng thanh toán di động WeChat Pay và Alipay. Hầu như mọi thanh toán đều được thực hiện qua điện thoại di động, và thậm chí khi bước vào một tòa nhà văn phòng, bạn cũng bị buộc phải quét mã QR trên WeChat, ứng dụng truyền thông xã hội với 1 tỷ người dùng mỗi tháng, do gã khổng lồ công nghệ Tencent Holdings sáng lập.

WeChat Pay và Alipay thống trị hơn 90% thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc. Và để sử dụng chúng, bạn cần một tài khoản ngân hàng và số điện thoại nội địa.

Phiên bản quốc tế của Alipay, nền tảng thanh toán di động sáng lập bởi Alibaba Group Holdings, đã thay đổi điều đó.

Nó yêu cầu bạn phải có một số điện thoại di động và một thẻ ngân hàng nước ngoài, dùng để nạp vào tài khoản của bạn tối đa 284,5 USD mỗi lần (một chú ý nho nhỏ: số điện thoại Hong Kong không được tính là số nước ngoài, và bạn sẽ tự động được chuyển sang phiên bản nội địa nếu dùng số điện thoại Hong Kong).

Đời là bể khổ ở Trung Quốc nếu không có thanh toán di động - Ảnh 2.

Giao diện ứng dụng Tour Pass của Alipay

Sau khi đã đăng nhập được vào ứng dụng, chỉ cần một cú quét mã, bạn nay có thể thanh toán mọi thứ khi đi du lịch Trung Quốc, từ một bữa ăn ngon lành trong nhà hàng, đến rau củ tại các cửa hàng 7 Eleven, hay vé xem phim, và cả tiền taxi nữa.

Nhưng chức năng của Tour Pass cũng chỉ nhiêu đó mà thôi. Theo Alipay, phiên bản quốc tế này còn hỗ trợ các chức năng khác giúp tự động chuyển tiền đến các cửa hàng, như khi đặt thức ăn hay gọi xe, giống Uber. Nhưng có vẻ như ở thời điểm hiện tại, hệ thống vẫn chưa được mở hoàn toàn cho người nước ngoài, và bạn vẫn chưa thể truy cập bất kỳ ứng dụng mini nào, cũng như các chức năng riêng biệt của chúng.

Điều đó có nghĩa là bạn vẫn chưa thể được thực sự trải nghiệm những điều kỳ lạ nhưng thú vị của cuộc sống thường ngày ở Trung Quốc.

Tuần này, Alipay vừa mở rộng phạm vi hoạt động và gia nhập thị trường xe hơi, công bố một thỏa thuận với startup xe hơi điện Xpeng Motors nhằm phát triển một hệ thống thanh toán trong xe hơi đối với các dịch vụ như trạm sạc pin và các ứng dụng giải trí.

Trong khi đó, WeChat Pay có vẻ được yêu thích hơn và được chấp nhận rộng rãi hơn đôi chút. Đây là phương thức thanh toán được chọn bởi giới tài xế taxi, và một số nhà hàng chỉ chấp nhận WeChat Pay mà thôi.

WeChat cũng công bố sẽ hỗ trợ thẻ tín dụng quốc tế, cho phép truy cập đến hàng tá ứng dụng, bao gồm thương mại điện tử và gọi xe. Nhưng hiện tại, khi thiết lập ứng dụng, bạn sẽ chỉ thấy thông báo "dịch vụ bận"!

Chuyển sang một cuộc sống không tiền mặt không chỉ đơn thuần là sử dụng một dịch vụ thanh toán để đặt cafe. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán ở Trung Quốc đã tạo nên những hệ sinh thái gồm các ứng dụng mini cho phép người dùng làm mọi thứ thông qua một hệ thống duy nhất - chuyển tiền, trả hóa đơn tiền nước, mua vé số, trả tiền mua thực phẩm hàng tuần, và đặt món ăn ship đến tận nhà.

Dù mỗi công việc như vậy đều có các ứng dụng của riêng chúng, nhưng nhiều trong số đó còn yêu cầu tài khoản ngân hàng Trung Quốc, hoặc được liên kết ngược với WeChat hoặc Alipay.

Đời là bể khổ ở Trung Quốc nếu không có thanh toán di động - Ảnh 3.

Đối với một khách du lịch đến Trung Quốc trong 1-2 tuần, phiên bản quốc tế của Alipay quả là tiện lợi, đồng nghĩa bạn không phải rút tiền mặt nữa. Nhưng nếu bạn ở đây lâu hơn, bạn sẽ thấy dường như có một rào cản giữa bạn và Trung Quốc "thật sự". Bạn không được ship đồ ăn từ hàng trăm xe máy Meituan, không được uống cafe Luckin - đối thủ nội địa của Starbucks, hoặc động hoàn toàn dựa trên thanh toán di động, và thất vọng nhất là không được đi Mobike.

Bạn không thể mở khóa những chiếc xe đạp Mobike, bởi chúng đòi hỏi người dùng phải quét một mã QR và tự động chuyển tiền. Rất khó để gọi một chiếc taxi trên đường - đại đa số có thể được đặt qua các ứng dụng mini, hoặc trong các ứng dụng riêng biệt liên kết với các hệ thống thanh toán.

Nếu bước chân vào một cửa hàng cafe Luckin, hãy cẩn thận trả vừa đủ tiền, vì họ chẳng có tiền mặt để thối lại cho bạn đâu. Có thể họ sẽ cho bạn thêm một ít đồ ăn hoặc thức uống cho vừa với số tiền bạn đã đưa! Thậm chí nếu ai đó thanh toán giúp bạn, và bạn muốn gửi tiền lại cho họ, họ cũng sẽ thốt lên trong hoảng loạn rằng "Tui không muốn cầm tiền mặt đâu!".

Người ta nói về Trung Quốc như một quốc gia đi đầu trong triển khai thanh toán di động, trong khi các quốc gia khác tụt hậu đằng sau. Nhưng thực tế là các lựa chọn thanh toán khác đang chết dần, và sử dụng WeChat Pay hay Alipay lúc này là điều bạn buộc phải làm. Tại các quốc gia khác, người ta chấp nhận thẻ tín dụng, Visa, MasterCard, American Express, thanh toán di động, và tiền mặt - đó là lý do tại sao các hệ thống thanh toán di động không phát triển nhanh như Trung Quốc.

Tham khảo: AbacusNews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại