Đi học thời dịch làm sao để an toàn: Bộ yêu cầu đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5m; địa phương than không thể thực hiện được

Nguyễn Xuân Phương |

Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh các tỉnh nguy cơ thấp đi học trở lại phải đảm bảo chặt chẽ quy trình phòng dịch bệnh, giãn cách, trong đó đảm bảo khoảng cách 1,5m giữa mỗi bàn học.

Bộ yêu cầu học sinh phải đảm bảo khoảng cách ngồi là 1,5m

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, nhấn mạnh ngay cả khi học sinh trở lại trường vẫn phải áp dụng các biện pháp linh hoạt, tùy theo điều kiện, tình hình mỗi địa phương nhằm hạn chế học sinh tiếp xúc nơi đông người, duy trì sự giãn cách cần thiết.

Nhằm đảm bảo yêu cầu "phải an toàn mới đi học và khi đi học thì phải an toàn", Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học.

Đi học thời dịch làm sao để an toàn: Bộ yêu cầu đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5m; địa phương than không thể thực hiện được - Ảnh 1.
Đi học thời dịch làm sao để an toàn: Bộ yêu cầu đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5m; địa phương than không thể thực hiện được - Ảnh 2.

Theo đó, trước khi đến trường, học sinh được thăm khám sức khỏe, đặc biệt trường học phải tiến hành đo nhiệt độ để đảm bảo học sinh có thân nhiệt cơ thể tốt; có đủ nơi rửa tay, nước khử khuẩn; đeo khẩu trang. Nhà trường được yêu cầu không tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể; chào cờ có thể diễn ra trong lớp học.

Để đảm bảo giãn cách xã hội, Bộ Giáo dục yêu cầu các trường sắp xếp học sinh đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5m và phải tách lớp học. Những trường có lớp học quá đông phải tách làm đôi, hoặc hơn nữa để giúp học sinh đảm bảo trong phòng học không quá 20 em.

Các Sở GD-ĐT than khó, không biết thích ứng thế nào

Trao đổi với PV, đại diện một số Sở GD-ĐT cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế, chấp hành, thực hiện đúng các công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, để cùng chung tay hướng đến việc bảo vệ sức khỏe cho giáo viên, học sinh.

Mặc dù vậy, với yêu cầu đảm bảo khoảng cách ngồi là 1,5m, phải tách lớp học... đại diện một số Sở thừa nhận, họ đang loay hoay tìm cách thích ứng.

Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, cho biết thông thường, mỗi bàn sẽ có 2 học sinh ngồi, khoảng cách không được 1,5 mét. Theo yêu cầu của Bộ, buộc lòng mỗi bàn chỉ được phép 1 học sinh.

Đi học thời dịch làm sao để an toàn: Bộ yêu cầu đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5m; địa phương than không thể thực hiện được - Ảnh 3.

"Giả sử trường có 10 phòng học, một ngày sẽ có 20 lớp học cả sáng và chiều. Nhưng khi giãn cách 1,5 mét và phải tách lớp học không quá 20 học sinh/lớp, buộc phải tổ chức tới 40 lớp. Số lượng lớp phải tăng gấp đôi, rồi phải xoay sở thế nào nếu cơ sở vật chất của trường chỉ đáp ứng có 10 phòng học?

Chưa kể, nếu buộc phải học ca 3 hay ca 4 (buổi chiều tối và tối), chắc gì phụ huynh đã đồng ý? Mà nếu phụ huynh đã đồng ý thì lấy đâu giáo viên để dạy, thiếu giáo viên trầm trọng", giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa phân tích.

Theo ông Tứ, về vấn đề "yêu cầu học sinh phải đảm bảo khoảng cách ngồi là 1,5m" của Bộ GD-ĐT rất khó và không thể thực hiện được.

"Cũng hơi khó cho các Sở. Vì không phải trường nào cũng có cơ sở vật chất khang trang, nhiều phòng học. Nếu một lớp học trước đây 40 học sinh, giờ buộc mỗi lớp không quá 20 học sinh, thì rất khó khăn. Rồi phải sắp xếp giáo viên dạy nữa.

Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên có những văn bản thật chi tiết để hướng dẫn, chứ giờ đây quả thật Sở GD-ĐT chúng tôi không biết phải làm thế nào", giám đốc một Sở GD-ĐT ở miền Tây, nói.

Đi học thời dịch làm sao để an toàn: Bộ yêu cầu đảm bảo khoảng cách ngồi 1,5m; địa phương than không thể thực hiện được - Ảnh 4.

Ở nhiều tỉnh thành, công tác khử trùng phòng học đang được tiến hành khẩn trương để đón học sinh đi học trở lại (Ảnh: Quang Dũng)

Phải làm thế nào?

Ông Ngô Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, cho hay, ngày 20/4, học sinh khối lớp 9 và 12 đã đi học lại.

"Sở yêu cầu các lớp học giới hạn không qua 20 em/lớp. Do đó, trước khi học sinh quay lại trường học, các nhà trường phải vệ sinh trường lớp, phân chia lại danh sách lớp học phù hợp. Học sinh được bố trí ngồi theo hình chữ Z để đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 2 mét'.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng tỏ ra băn khoăn, vì có ngồi theo hình chữ S hay Z đi chăng nữa, thì vẫn không thể đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh là 1,5 mét.

"Nên chăng, Bộ GD-ĐT có phương án khả thi hơn với yêu cầu này (học sinh ngồi giãn cách nhau 1,5 mét - PV). Chứ như hiện tại là không khả thi", một giám đốc Sở GD-ĐT nói.

Trong khi đó, ông Lê Tuấn Tứ "hiến kế": "Khi học sinh đi học lại, nên đồng ý cho phép các lớp giữ lại sĩ số cũ. Mỗi bàn 2 học sinh nhưng yêu cầu ngồi sát đầu bàn. Bên cạnh đó, kéo bàn đầu tiên xích lên phía bảng đen, kéo bàn cuối xuống tận cuối lớp, qua đó có thể kéo dãn khoảng cách các bàn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại