Dẹp bỏ tục rải tiền cúng cô hồn để xã hội bình yên

Anh Vũ |

Để "giật cô hồn", nhiều người lao vào chen chúc, cãi cọ, ẩu đả để tranh giành mà chẳng màng đến sự an toàn của chính mình và những người xung quanh.

Hôm 31-8 (lễ Vu Lan, 15-7 Âm lịch), một chủ cửa hàng sơn ở quận 11, TP HCM tổ chức cúng cô hồn trước nhà, có 5 thanh niên chạy xe máy đứng đợi. Trong lúc chờ để " giật cô hồn ", họ lời qua tiếng lại với một người chạy xe ba gác gần đó rồi rời đi.

Sau đó xuất hiện nhóm người tấn công chủ nhà, người chạy xe ba gác và một số người khác bằng hung khí.

Dẹp bỏ tục rải tiền cúng cô hồn để xã hội bình yên - Ảnh 1.

Hình ảnh ẩu đả, tranh "giật cô hồn" ở quận 5, TP HCM.

Cùng ngày, ở quận 5, hàng trăm người chờ "giật cô hồn" đem theo gậy gộc, vợt, mâm... để rồi lúc chủ nhà "rải tiền" là lao vào cãi cọ, ẩu đả để tranh giành.

Tại TP HCM, tục giật cô hồn vào mỗi tháng 7 âm lịch phổ biến nhất ở quận 5, 6 và 11. Gia chủ bày mâm cúng và xếp tiền nhiều mệnh giá khác nhau rồi ném để người đi đường nhặt.

Đây là phần hội trong ngày lễ Vu Lan, mục đích giúp các vong hồn được siêu độ, chuyển kiếp và cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận buồm xuôi gió. Gia chủ cũng tin rằng nhiều người giật thì làm ăn càng tốt.

Nhưng cũng như nhiều năm trước, năm nay tiếp tục diễn ra cảnh ẩu đả, gây mất an ninh trật tự và có cả người bị thương tích.

Nhìn hình ảnh phản cảm từ việc giật cô hồn, nhiều bạn đọc lo ngại nếu xảy ra giẫm đạp mà có người tử vong thì chắc chắn người phát quà sẽ rước hoạ vào thân.

Trong khi đó, bạn đọc Quan ứng tác: “Mỗi lần rằm tháng bảy, lại thấy họ bày xôi, gà, heo quay, bánh bên phố đông người qua. Người lớn tranh thủ chụp, trẻ con nhanh nhảu vồ. Giật mình cô hồn hỏi, đồ cúng tụi mình đâu?”; đồng thời đề xuất nên cấm luôn việc cúng cô hồn vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Cùng quan điểm, bạn đọc Minh Chính đề Nghị: "Cúng kiếng trong nhà sao cũng được, đừng mang ra đường làm mất an ninh xã hội, vừa cổ suý thói xấu cướp giật".

Nhiều bạn đọc khác đồng tình với ý kiến: "Người dân nên hạn chế bày biện những vật phẩm giá trị để cúng, nên dùng những phần đó để làm từ thiện thông qua các tổ chức.

Đồng thời chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm những người giật đồ cúng như ăn cướp".

Bạn đọc Sao Khuê cũng cho rằng muốn làm điều thiện, có thể nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ. “Địa phương sẽ biết hộ nào khó khăn.

Muốn phát bao nhiêu phần quà thì có giấy mời gửi cho khu phố, ấn định thời gian phát để không chen lấn. Từ thiện cũng phải biết cách, phải làm sao văn minh, đem đến bình yên cả người cho và người nhận”.

"Tiền đó đem giúp những mảnh đời cơ cực , chỉ cúng nhang đèn trái cây, bỏ tục rải tiền đi" - bạn đọc Lành Bình An nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại