Đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế khi lái xe: Bộ Tư pháp nói gì?

T.Hà |

Bộ Tư pháp đã trả lời câu hỏi về vấn đề có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe hay không tại cuộc họp báo quý I/2024.

Bộ Tư pháp nói gì về quy định xử lý vi phạm nồng độ cồn?

Ngày 12/4, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ về công tác tư pháp Quý I/2024, trả lời một số nội dung được báo chí quan tâm trong đó có vấn đề xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Trả lời câu hỏi về vấn đề có nên cấm tuyệt đối việc có nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự, Hành chính Lê Thị Vân Anh cho rằng, đây là nội dung lớn, có tác động đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. 

Việc cấm tuyệt đối hay không phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân. Hiện nay Luật phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 có quy định nghiêm cấm điều khiển giao thông khi trong máu có nồng độ cồn.

Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu để hài hòa giữa lợi ích người dân cũng như hiệu quả trong quản lý trật tự an toàn giao thông để có quy định phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế khi lái xe: Bộ Tư pháp nói gì?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Cục CSGT


Trước đó, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/3, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế để kế thừa Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.

Về ưu điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết đến nay, quy định cấm trên đã đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”. Về nồng độ cồn nội sinh phát hiện qua hơi thở, đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng; có thể kiểm tra lại qua xét nghiệm máu để không làm sai lệnh kết quả xử lý.

Về hạn chế, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn như vậy là nghiêm khắc và tác động đến thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam; ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương; giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta.

Bộ Công an: Cần kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ GTVT cho biết, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Việc quy định như vậy nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, qua đó hạn chế tai nạn giao thông.

Thời gian qua khi lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, ý thức của người dân đã được nâng cao.

Đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế khi lái xe: Bộ Tư pháp nói gì?- Ảnh 2.

Ảnh: VTC News


"Quy định trên tiếp tục được đưa vào dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu kỹ lưỡng bảo đảm tính khả thi", Bộ GTVT cho biết.

Về phía Bộ Công an, cơ quan này cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện. 

Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc.

Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại