ĐBQH nói ông Đoàn Ngọc Hải "không nên nao núng mà cần quyết liệt hơn" dù bị đe dọa

Hoàng Đan |

Đại biểu Quốc hội cho rằng, các lãnh đạo càng quyết liệt, quyết tâm xử lý các vấn đề nóng thì càng dễ bị các đối tượng xấu, bị mất quyền lợi đe dọa, khủng bố, thậm chí dọa giết.

Sau vụ việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bị một số đối tượng nhắn tin đe dọa, mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh Đoàn Ngọc Hải cũng nhận được một số cuộc gọi, tin nhắn đe dọa tương tự, thậm chí có thanh niên chạy xe máy bám theo ông khi đi dẹp vỉa hè.

Trao đổi với PV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thực tế, thời gian qua, nổi cộm lên một số vụ việc các lãnh đạo địa phương bị đe dọa, khủng bố, thậm chí dọa giết gây bức xúc.

Theo ông Nhưỡng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các lãnh đạo trên bị đe dọa, thậm chí dọa giết nhưng rõ ràng, các đối tượng đe dọa đã và đang rất manh động, không loại trừ việc sẵn sàng có hành vi vi phạm pháp luật.

"Các vấn đề khủng bố điện thoại, tin nhắn rồi liên quan đến mạng xã hội thì có từ lâu rồi nhưng việc đe dọa, thậm chí dọa giết thì là vấn đề mới.

Việc các vị lãnh đạo bị như vậy đều liên quan đến công tác quản lý, xử lý quyết liệt các vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Ví dụ như Bắc Ninh thì liên quan đến vấn đề khai thác cát, động chạm tới lợi ích nên một số đối tượng đã có tin nhắn khủng bố.

Hay như đối với ông Đoàn Ngọc Hải là sự quyết liệt trong việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè đã gây ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của các cá nhân.

Do đó, theo tôi cần có sự nghiên cứu, đánh giá hết sức cẩn thận để chúng ta có thể đưa ra những biện pháp, giải pháp triệt để cho vấn đề này", ông Nhưỡng nói.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng chia sẻ, các vị lãnh đạo càng quyết liệt, quyết tâm xử lý các vấn đề nóng thì càng dễ bị đe dọa, khủng bố và việc bị đe dọa như vậy ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sự quyết liệt trong xử lý các công việc cũng như người thân, gia đình.

ĐBQH nói ông Đoàn Ngọc Hải không nên nao núng mà cần quyết liệt hơn dù bị đe dọa - Ảnh 1.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

"Có những người không bị ảnh hưởng nhưng có người khi gặp phải việc bị đe dọa sẽ ảnh hưởng tới quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong các vấn đề nóng, nhạy cảm.

Do đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kịp thời để xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi nhắn tin, đe dọa, đồng thời, có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả, tạo sự yên tâm khi thực thi nhiệm vụ với các vị lãnh đạo", ông Nhưỡng nhận định.

Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng mong muốn, qua đây được nhắn gửi đến các vị lãnh đạo, nhất là đối với ông Đoàn Ngọc Hải là dù va chạm với các vấn đề gai góc, bị đe dọa nhưng "không nên nao núng mà cần quyết liệt hơn nữa".

"Bên cạnh sự quyết liệt thì tôi cũng mong các vị lãnh đạo khi va chạm với các vấn đề gai góc như ông Hải khi dự cảm về vấn đề không hay có thể xảy ra với mình thì cần chuẩn bị, đề phòng, tránh các đối tượng có hành vi không hay, xâm phạm thân thể của mình cũng như gia đình, người thân.

Việc đề phòng là rất cần thiết bởi đôi khi các cơ quan pháp luật sẽ vào cuộc nhưng thường là sau khi sự việc đã xảy ra và như vậy, nước dù gần cũng khó cứu kịp thời.

Thêm vào đó, khi có vấn đề cần thiết thì các vị phải báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp để bảo vệ, xử lý, tránh sự việc đáng tiếc", ông Nhưỡng bày tỏ.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, qua các vụ việc gọi điện, nhắn tin đe dọa các lãnh đạo trong thời gian qua cho thấy nhiều đối tượng rất manh động, sẵn sàng sử dụng các biện pháp theo kiểu xã hội đen.

Ông Thuận đề nghị, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đồng thời, làm rõ nguyên nhân vì sao lại có tình trạng này để giải quyết đến gốc vấn đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại