Đây sẽ là tên lửa khủng khiếp nhất được Mỹ tung ra đầu tiên sau khi rút khỏi INF?

Vy Lam |

Lục quân Mỹ đã tiến hành thảo luận với các công ty quốc phòng về những điều chỉnh nhằm tăng tầm bắn của tên lửa.

Tên lửa Tấn công Chính xác (PrSM)

Có vẻ để chuẩn bị cho tình huống Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga, Lục quân Mỹ đã thảo luận với các đối tác công nghiệp về khả năng mở rộng tầm bắn của một loại tên lửa quan trọng mà họ đang phát triển, để nó có thể bay được quãng đường xa hơn mức giới hạn trong INF.

Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung nghiêm cấm các tên lửa đạn đạo trên bộ có tầm bắn từ 500-5.000km.

Tên lửa trên bộ bắn xa nhất của Lục quân Mỹ - Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) - chỉ có tầm bắn khoảng 290km.

Tuy nhiên, Lục quân Mỹ đang dự kiến triển khai một loại tên lửa mới với tầm bắn xa hơn, gọi là Tên lửa Tấn công Chính xác (PrSM) vào năm 2023. Do giới hạn của Hiệp ước INF mà chương trình PrSM đưa ra tầm bắn vô cùng cụ thể - 499km.

Đây sẽ là tên lửa khủng khiếp nhất được Mỹ tung ra đầu tiên sau khi rút khỏi INF? - Ảnh 1.

Một vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn của Lục quân Mỹ trong năm 2017. Ảnh: Lục quân Mỹ

"Chúng tôi sẽ tuân thủ đúng các quy tắc cho tới khi chúng tôi được thông báo rằng chúng đã thay đổi"– Đại tá John Rafferty, thành viên chương trình hỏa lực chính xác tầm xa của Lục quân Mỹ, phát biểu trong một cuộc họp diễn ra 2 tuần trước khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cảnh báo các đồng minh của Mỹ rằng, Washington có thể sẽ rút khỏi INF.

Vào thời điểm đó, Lục quân Mỹ đang thảo luận khả năng tăng tầm bắn của một số loại tên lửa lên xa hơn tầm bắn giới hạn trong INF.

"Chúng tôi đã bàn bạc với các đối tác trong ngành công nghiệp để xác định tính khả thi của việc tăng cường tầm bắn lên mức trên 499km và chúng tôi tin rằng hoàn toàn có thể áp dụng luôn với tên lửa PrSM.

Các cuộc thảo luận của chúng tôi về động cơ đẩy đã khiến chúng tôi tin rằng với cùng các thành tố cấu thành [tên lửa], nhưng nếu thay đổi ở động cơ đẩy, chúng tôi sẽ có tầm bắn xa hơn đáng kể" – ông Rafferty nói.

Mỹ có nên rút khỏi INF?

Tướng Joseph Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ - cho rằng vẫn chưa thể tuyên bố Hiệp ước INF đã bị bãi bỏ hoàn toàn.

Phát biểu tại Hội nghị Phóng viên & Biên tập viên Quân sự tại Washington, ông Dunford nói: "Chắc chắn, chúng ta đang có hàm ý như vậy sau khi Tổng thống [Trump] tuyên bố sẽ không tiếp tục duy trì hiệp ước [INF] nếu Nga không tuân thủ. Tuy nhiên, tôi nhớ là cố vấn an ninh John Bolton cũng đã nói rằng chúng ta sẽ tham vấn với các đồng minh".

Việc bãi bỏ hiệp ước INF sẽ mang lại cho Mỹ cơ hội chế tạo các loại "hỏa lực chiến lược" với tầm bắn xa hơn nữa, như đạn pháo động cơ rocket, hay tên lửa siêu vượt âm phóng từ mặt đất. Cả 2 loại này có thể đánh trúng mục tiêu các xa hơn 1.600km.

Đây sẽ là tên lửa khủng khiếp nhất được Mỹ tung ra đầu tiên sau khi rút khỏi INF? - Ảnh 2.

Mỹ nên tiếp tục duy trì INF để kiềm chế Nga? (Ảnh minh họa. Nguồn: otb.cachefly.net)

Lầu Năm Góc không đưa ra bình luận nào trước những câu hỏi chất vấn được đưa ra vào cuối tuần qua về khả năng rút khỏi INF.

Tuy nhiên, trong số các tướng lĩnh cấp cao của quân đội, cũng đã có người đưa ra ý kiến chỉ trích hiệp ước INF năm 1987, đáng chú ý là ông Harry Harris – cựu chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, hiện là đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc.

Trong bản báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái, ông Harris cho biết Lực lượng tên lửa Trung Quốc (PLARF) đã có hơn 2.000 tên lửa đạn đạo và hành trình, 95% trong số đó sẽ vi phạm INF nếu Trung Quốc tham gia Hiệp ước này.

"Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển hàng loạt hệ thống tên lửa phóng từ trên bộ và trên không, vượt xa tầm bắn của các hệ thống vũ khí Mỹ. Chúng được chế tạo với chi phí chỉ bằng một phần chi phí dành cho các hệ thống đắt đỏ của chúng ta.

Do tuân thủ INF, Mỹ đã để năng lực tấn công tầm xa của mình tụt lại sau đối thủ trong thời đại mới này" – ông Harris cho hay.

Trong khi đó, những người ủng hộ INF lại cho rằng việc bãi bỏ Hiệp ước này là một ý tưởng tệ hại, ngay cả khi Lục quân Mỹ có thể triển khai vũ khí với tầm bắn xa hơn vào năm 2023.

Michael Krepon, đồng sáng lập Trung tâm Stimson và tác giả cuốn "Better Safe than Sorry: The Ironies of Living with the Bomb" cho biết, Nga đã triển khai một loại tên lửa trên bộ vi phạm INF – 9M729 – đây cũng là bằng chứng được Nhà Trắng viện dẫn để tuyên bố kế hoạch rút khỏi INF.

"Lầu Năm Góc cũng đang chế tạo một loại tên lửa hành trình tương tự phóng từ trên bộ nhưng họ sẽ gặp khó khăn khi phải tìm kiếm khu vực bố trí ở châu Âu hoặc châu Á", ông Krepon nói, "Ngay cả nếu ông Trump tìm được một quốc gia chấp thuận đề nghị, thì động thái này cũng không mang lại nhiều ý nghĩa khi chúng ta vẫn có các vũ khí triển khai từ biển và từ trên không.

Quốc hội Mỹ sẽ khôn ngoan hơn nếu bác bỏ sáng kiến tên lửa hành trình phóng từ mặt đất ngay trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D)".

Michael Kofman, một nhà nghiên cứu tại Viện Kennan–Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson tại Washington, cho rằng việc rút khỏi INF "sẽ cởi trói để Nga theo đuổi khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa trên bộ và tên lửa đạn đạo tầm trung, trong khi Mỹ dường như không có khả năng triển khai các vũ khí tương tự trong tương lai gần, nhất là triển khai ở châu Âu".

Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đồng tình rằng, việc rút khỏi Hiệp ước có thể mang lại tác dụng ngược đối với mục tiêu kiềm chế sự lan tràn của tên lửa Nga. Vị quan chức này nhận định thêm rằng, động thái trên sẽ gây nguy hiểm cho các nước láng giềng của Nga, như Ukraine và các đồng minh phương Tây khác tại Đông Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại