Đại sứ Mỹ kêu gọi LHQ áp đặt cấm vận "mạnh nhất có thể" nhằm vào Triều Tiên

Tất Đạt |

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Nikki Haley, cho biết vụ thử bom H của Triều Tiên là "quá đủ" và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang có hành động "khiêu chiến".

Theo bà Haley, loạt lệnh trừng phạt Triều Tiên của nhóm 15 quốc gia từ năm 2006 không đem lại kết quả khả quan.

Bà phát biểu: "Mặc dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều, nhưng các chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Mỹ không bao giờ mong muốn chiến tranh. Ít nhất là cho tới lúc này. Nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi cũng chỉ có giới hạn."

Đại sứ Haley cũng nói thêm: "Chỉ có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất mới có thể giải quyết vấn đề Triều Tiên trên bàn đàm phán."

Và bà cũng coi đề xuất của Trung Quốc là một sự "xúc phạm". Trong đề nghị ấy, Bắc Kinh yêu cầu liên quân Mỹ - Hàn Quốc ngừng tập trận để đổi lại việc Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân.

Bà Haley khẳng định: "Khi một chính quyền [Triều Tiên] nhắm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) về phía các bạn, các bạn không thể nào hạ bức tường phòng thủ của mình xuống được. Chẳng ai làm như vậy cả. Chúng tôi chắc chắn cũng không."

Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp sau khi Triều Tiên cho nổ một quả bom H (còn gọi là bom nhiệt hạch) được thiết kế để trang bị trên ICBM.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo vào ngày thứ Hai (4/9) rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị phóng một tên lửa khác sau hai vụ thử ICBM hồi tháng 7.

Bà Haley thúc giục "thời gian cho các cấm vận nửa vời đã kết thúc", cho rằng LHQ phải gia tăng áp lực cùng lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất lên Triều Tiên.

Cấm vận dầu mỏ được cho là sẽ gây ảnh hưởng nặng nề nhất tới nền kinh tế Triều Tiên.

Trong khi Nhật, Pháp và Anh mong muốn các trừng phạt có hiệu lực càng sớm càng tốt, Nga và Trung Quốc vẫn kiên quyết rằng cấm vận là không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Thay vào đó, hai quốc gia này kêu gọi đàm phán ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên về vấn đề tên lửa và hạt nhân.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt 7 gói trừng phạt lên Triều Tiên từ khi quốc gia này thử hạt nhân lần đầu vào năm 2006. Nhưng Bình Nhưỡng đã nhiều lần tìm cách "lách luật".

Lệnh trừng phạt gần nhất đã đánh vào các loại mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Triều Tiên, đặc biệt là than đá, nhưng vẫn không ngăn được vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại