Đã gần 1 năm nhưng thủ lĩnh OPEC vẫn chưa chốt gia nhập BRICS: “Ông lớn” dầu mỏ đang tính toán điều gì?

Y Vân |

Ả Rập Xê Út được cho là muốn cân bằng lợi ích trong quan hệ với cả BRICS và phương Tây.

 - Ảnh 1.

Được mời tham gia nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS từ năm 2023 nhưng cho đến nay, Ả Rập Xê Út vẫn chưa quyết định có gia nhập hay không. Vương quốc dầu mỏ này lựa chọn chờ đợi và xem xét.

Động thái của Ả Rập Xê Út phản ánh những rủi ro sâu sắc kết hợp địa chính trị, kinh tế và sự cạnh tranh trong khu vực trong bối cảnh BRICS đang tìm cách mở rộng và gia tăng ảnh hưởng của mình.

Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) hồi tháng 10, một sự kiện quan trọng đã thu hút sự chú ý: Thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed bin Salman, vắng mặt. Sự vắng mặt này cho thấy lập trường thận trọng của vương quốc trong 1 năm qua. Chỉ có Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út, Faisal bin Farhan, xuất hiện vào cuối hội nghị thượng đỉnh. Ông cũng tuyên bố rằng “Ả Rập Xê Út cam kết tăng cường quan hệ đối tác với BRICS” nhưng không xác nhận tư cách thành viên.

Sự do dự như vậy thậm chí còn tạo ra mâu thuẫn trong các thông tin liên lạc chính thức. Tháng 1 năm nay, các thành viên BRICS đồng loạt thông báo Ả Rập Xê Út đã chính thức gia nhập nhóm trước khi vương quốc này gỡ bỏ mọi thông tin về tư cách thành viên khỏi các phương tiện truyền thông nhà nước.

Theo Cointribune – trang tin về phân tích tiền điện tử và tài chính, Ả Rập Xê-út đang cân nhắc các lựa chọn của mình sao cho an toàn nhất, vì nước này muốn có sự hỗ trợ của cả BRICS và phương Tây.

Theo đó, các tuyên bố của BRICS nhằm giảm sự thống trị của đồng đô la Mỹ có thể ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế và an ninh giữa Ả Rập Xê Út và Mỹ. Riyadh cần Mỹ và các đồng minh phương Tây khác để duy trì nền kinh tế và hoạt động kinh doanh ở quốc gia nơi Petrodollar (đô la dầu mỏ) vẫn giữ vị trí thống trị.

Mặc dù đang cố gắng đưa nền kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, nhưng Ả Rập Xê-út không thể duy trì GDP nếu không có dầu mỏ. Ngoài ra, vương quốc này cũng đang mở cửa nền kinh tế cho du lịch, và thách thức phương Tây sẽ là một sai lầm phải trả giá đắt.

Trong khi đó, Trung Quốc, đối tác thương mại chính của vương quốc, đang có sức ảnh hưởng ngày càng lớn. Theo chiến lược kinh tế của Ả Rập Xê Út tầm nhìn đến năm 2030, quốc gia dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cần dựa vào quan hệ đối tác này để đa dạng hóa kinh tế.

Tuy nhiên, việc củng cố quan hệ với Nga hoặc Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới chiến lược đang được đàm phán với Washington. Do đó, Riyadh muốn quan sát các diễn biến toàn cầu trước khi đưa ra quyết định.

BRICS được thành lập vào năm 2006, ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập nhóm vào năm 2011. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Iran, Ai Cập và Ethiopia đã trở thành thành viên của khối từ tháng 1/2024.

Theo Cointribune

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top