Vì sao HCV Olympic Toán đầu tiên của VN "chọn con đường khác"?

Phạm Tú |

Người đoạt HCV Olympic Toán học đầu tiên của Việt Nam, TS. Hoàng Lê Minh đã có những chia sẻ rất thật về câu chuyện 40 năm trước.

​TS. Hoàng Lê Minh sinh năm 1957 tại Hà Nội. Năm 1971 ông thi đỗ vào lớp chuyên toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành 1 trong những thế hệ học sinh chuyên đầu tiên của đất nước.

Năm 1974 ông được chọn vào đội tuyển Toán đi thi Olympic Toán học quốc tế tại Đức và xuất sắc giành được tấm HCV ngay trong lần đầu Việt Nam có học sinh đi thi 1 giải Toán học quốc tế.

Sau đó ông sang Liên Xô học và trở thành nghiên cứu sinh ở nhiều viện nghiên cứu. Năm 1991 ông cùng gia đình trở lại Việt Nam công tác. Hiện TS. Hoàng Lê Minh là Viện trưởng Viện Công nghiệp và nội dung số Việt Nam ( Bộ Thông tin và truyền thông).

Cuộc trò chuyện giữa BTV Hoàng Trang với TS. Hoàng Lê Minh trong chương trình “Cuộc sống thường ngày” đã giúp chúng ta hiểu thêm về TS. Hoàng Lê Minh và môn Toán học.

-  Nhớ lại quãng thời gian 41 năm, năm 1974. Khi ấy 1 học sinh 17 tuổi lại là 1 học sinh ở trong 1 nước còn đang chiến tranh, bước ra ngoài lần đầu tiên đi ra khỏi lãnh thổ cảm giác của mình như thế nào thưa ông?

Chúng tôi là những học sinh Việt Nam đầu tiên được Bộ giáo dục cử đi thi toán Quốc tế. Thực sự lần đầu tiên ra nước ngoài tham gia cuộc thi lớn như vậy thì rất là bỡ ngỡ và cảm giác đi ra nước ngoài của chúng tôi tất cả đều  là mới cả.

Từ việc lên máy bay, đi 1 chuyến từ thủ đô Berlin đến thành phố đến chỗ thi bằng ôtô để tham gia cuộc thi và kể cả việc chúng tôi đến đón tiếp và chào cờ Việt Nam ở trụ sở thi đều là kỉ niệm ấn tượng đối với chúng tôi.

- Chúng tôi biết khi đó là đoàn Việt Nam có 5 học sinh đi thi và kết quả chung cuộc là như thế nào?

Vâng! Chúng tôi được tuyển chọn từ nhiều cuộc thi trong nước và từ 9 học sinh được luyện thì Bộ Giáo dục chọn ra 5 học sinh. Gồm có 3 học sinh Đại học Khoa học tự nhiên và 2 học sinh Đại học Sư phạm các lớp chuyên.

Lúc đó chúng tôi đến buổi công bố kết quả thì thật sự bất ngờ. Vì trong 5 học sinh đi thi thì 1 giải nhất,1 giải nhì và 2 giải 3, và 1 bạn chỉ thiếu 1 điểm thì được giải 3.

Kết quả này không những bất ngờ với các thầy giáo của chúng tôi mà kể cả các đội tuyển các nước vì Việt Nam là lần đầu tiên tham dự cuộc thi toán Quốc tế THPT này.

- Khi mà bắt đầu được giao trọng trách là tham gia cuộc thi toán Quốc tế như vậy thì tất cả học sinh trong đoàn của ông lúc đấy có bị áp lực không? Ý của chúng tôi muốn hỏi là áp lực rất là lớn của đất nước đặt lên vai mình?

Các thầy dạy chúng tôi rất là tận tình và cho làm quen với các dạng bài thi đồng thời bổ sung nhiều kiến thức và khi đi thi, trước khi đi thi thì chúng tôi được 1 tuần cọ sát với đội tuyển của Nga tại làng lenin Matxcơva.

Khi đi thi thực ra mà nói tâm lý rất thoải mái. Chúng tôi không có áp lực gì về vấn đề thành tích, về vấn đề phải được giải.

Tuy nhiên chúng tôi quyết tâm cùng với nhau là thế nào mình cũng phải được giải dù cho giải 3. Vì chúng tôi đã thử làm với đoàn Nga và thấy trình độ mình không thua kém nhiều lắm

- Lúc đấy các bạn học sinh các nước khác thì biết nhiều về đất nước Việt Nam chúng ta nhiều hay không?

Tôi nghĩ là Nga và 1 số nước XHCN thì rất là thân thiện nhưng còn các đoàn khác thì họ không biết nhiều về Việt Nam và đặc biệt năm ấy cũng có đoàn Mỹ đi thi.

Tuy nhiên vì chúng tôi là học sinh nên chúng tôi quan hệ chơi rất thân thiện với các bạn không phân biệt quốc gia.

- Mọi người vẫn thường cho rằng là những người học toán xuất sắc như ông thì đương nhiên theo đuổi con đường chuyên sâu về toán học, rõ ràng sau này ông lại lựa chọn con đường khác. Xin hỏi ông lý do vì sao lại thế?

Như lứa chúng tôi những người được giải và những người có kết quả học tập nhất đều được phân công đều được đi học toán hết.

Tôi tốt ngiệp khoa Toán lý thuyết Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva. Trong một số nhóm rất nhỏ những người làm nghiên cứu về toán học theo học 1 ông thầy nổi tiếng.

Sau khi làm làm luận văn  tiến sĩ lúc đó là luận án tiến sĩ và sau được một thời gian khá dài theo thầy làm việc cũng có nghiên cứu cũng viết báo và cũng có những kết quả.

Theo tôi nghĩ nó cũng phù hợp với quá trình mình được đào tạo ngành Toán. Tuy nhiên, tôi nghĩ không thể theo mãi thầy được đến lúc mình phải tự lập, mình phải có 1 sự nghiệp riêng.

Khi tôi trở về Việt Nam, tôi cảm thấy làm tiếp công tác nghiên cứu Toán cũng khó, không có đủ môi trường, các thông tin cần thiết lúc đấy chũng ta cũng chưa có Internet, chưa có bất cứ thông tin gì để kết nối các nhóm nghiên cứu với nhau.

Vì thế tôi quyết định đi dạy , cũng có cơ hội để tiếp cận các ngành nghề liên quan .VD: tin học…

- Có 1 thực tế là hầu như Việt Nam chúng ta khi đi thi nước ngoài trong những năm gần đây thì đều đạt kết quả rất cao, các em học sinh các đoàn đi thi đều huy chương vàng, chương bạc, tổng thể tổng sắp thứ mấy thứ mấy đó.

Thế nhưng, sau khi đi thi về có huy chương rồi, thành tích có rồi, chúng ta còn gặp quá nhiều rào cản để cho các bạn đấy có thể phát triển được, ông nghĩ sao về điều này?

Theo tôi hiểu môi trường ở Viêt Nam cũng không thiếu cho các bạn có khả năng trình độ làm được. Cái này tùy thuộc vào từng người từng hoàn cảnh để đưa ra lời khuyên chung được.

Tốt nhất chúng ta tạo điều kiện cho các em có điều kiện có khả năng phát huy được nếu các em không làm được quy luật tự nhiên tôi nghĩ không rằng buộc được các em thi được giải về phải làm được cái này cái kia ở Việt Nam mình.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại