"Online đi, có hàng nóng"

Công Luận (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - Đó có lẽ là câu cửa miệng của dân mạng mỗi khi muốn “share” những vụ sốc, sex, giật gân… mà họ vừa khám phá ra mà không cần biết nguồn cội.

Với sự bùng nổ của internet, cùng nhiều tiện ích đi kèm mà nó mang lại, nhiều người đã biến chiếc máy tính (hoặc smartphone) thành thế giới, ngôi nhà, điểm tựa… riêng để nương náu. Họ giấu mình trong thế giới ảo và quên mất đi cuộc sống thực bên ngoài.

Sức lan tỏa khủng khiếp của mạng xã hội giúp bạn cập nhật được thông tin, sự kiện nóng trên thế giới chỉ trong giây lát và khiến cả thế giới đang nằm trong tay bạn. Nhưng bên cạnh đó, internet cũng mang lại không ít “phản ứng phụ” đầy tai hại vì sự cả tin từ người dùng.

Đó là câu chuyện liên quan tới những tin đồn.

Chỉ cách đây vài ngày thôi, trên mạng xã hội đã xuất hiện hang ngàn lượt chia sẻ thông tin về “tên tội phạm nguy hiểm chuyên tấn công phụ nữ ở khu vực cầu Chương Dương và đoạn đường Xuân Thuỷ" trong trạng thái đầy lo lắng, hoảng sợ. Điều này khiến cho bất kỳ cô gái nào thường xuyên di chuyển trên 2 trục đường này cũng cảm thấy hoang mang, sợ hãi, có người đã tính đến phương án chuyển sang đi xe ôm hoặc xe bus cho an toàn hơn.

Ấy nhưng khi những ấp ủ đó còn chưa kịp thực  hiện thì đã có thông tin khẳng định đây chỉ là lời đồn nhảm. Thực sự không dễ để tìm được từ chính xác miêu tả cảm xúc khi đó, nó vừa mừng lại vừa lo.

Mừng vì nó không có thực, lo vì không biết sẽ có bao nhiêu người “share”  lời đính chính giống như cách họ làm đối với thông tin “chém gió” kia? Và sẽ có bao nhiêu người đọc được nó hay cho đến lúc này vẫn đang “ôm” nguyên một khối lo lắng trong người.

Đó là chưa kể đến việc câu chuyện này đã nhận được sự "hưởng ứng" rất nhiệt tình từ dân mạng. Nhiều người đã chia sẻ nó trên trang cá nhân, đồng thời kêu gọi bạn mình cũng làm điều đó. Các “anh hùng bàn phím” cũng tiếp tục bàn ra tán vào, “mô-đi-phê” đi đôi chút khiến câu chuyện càng thêm phần ly kỳ và đi lên một “level” mới.

Một câu chuyện khác có nội dung tương tự được đăng tải lên mạng xã hội facebook

Một câu chuyện khác có nội dung tương tự được đăng tải lên mạng xã hội facebook

Để rồi, rất nhiều người đã tin vào một sự việc không có thực. Họ cảm thấy hoang mang, sợ hãi và lo lắng cho sự an toàn của bản thân. Khi thấy câu chuyện này tràn ngập ở khắp mọi nơi, họ càng tin là thật, khiến bản thân rơi vào trạng thái bất ổn và tác động ít nhiều lên tâm lý của những người xung quanh.

Và khi tất cả đang cùng nhau chia sẻ câu chuyện kinh khủng, dặn dò nhau phải cẩn thận khi đi qua con đường ấy thì chẳng ai thèm để tâm đến gốc gác, xuất phát của câu chuyện ấy. Lẽ dĩ nhiên, họ cũng quên rằng những câu chuyện này chưa có bất kỳ lời xác thực nào từ phía cơ quan công an hay những bằng chứng cụ thể, đơn giản chỉ là lời nói phiến diện từ một phiến.

Điều đó cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dùng mạng tại Việt Nam còn quá ngây thơ trước những gì họ đọc được. Vậy, điều gì đã khiến sự thông thái của chúng ta bị đánh mất một cách quá dễ dàng như thế? Phải chăng là bởi tất cả đều đang quá “dễ dãi” khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội?

Bạn đã bao nhiêu lần bị lừa như thế? Và khi nhận ra mình bị lừa bạn thường làm gì?

Tôi hy vọng bạn sẽ không chỉ tặc lưỡi mà nói rằng: "Mạng xã hội mà, lắm chuyện nhảm nhí, âu cũng là điều bình thường”. Đừng mang sự cả tin của mình để đánh đổi lấy những phút thất vọng như thế. Hãy bình tĩnh, bản lĩnh hơn trong nữa việc tiếp nhận thông tin. Nếu ai cũng làm được điều đó, có lẽ sẽ không còn chỗ cho những kẻ thích tung ra những thông tin rẻ tiền, gây hoang mang dư luận.

Bạn đọc gửi bài viết, ý kiến bình luận, hoặc thậm chí chỉ là một dòng LINK bài viết từ mạng xã hội (Facebook, diễn đàn...) và bài viết này chưa đăng tải trên báo chí, chúng tôi sẽ cân nhắc ĐĂNG TẢI TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ.

Xem chi tiết chương trình: Trả Nhuận bút trong 24 giờ

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại