Hãy là những "Anh hùng bàn phím" có trách nhiệm

Trúc Nguyễn |

(Soha.vn) - "Có những ngôn từ đã đẩy sự việc đến tiệm cận vùng nguy hiểm! Xin hãy dừng lại, khoan dung và nói những lời từ ái"... hỡi những Anh hùng bàn phím!

Hiện tương hôi của trên đường phố khi người khác gặp nạn, vì một mâu thuẩn nhỏ mà đánh nhau đến tử vong hoặc sự vô cảm đối với các sự việc bức xúc xảy ra nơi công cộng…xảy ra gần đây làm dấy lên câu hỏi: phải chăng chúng ta đang sống những ngày tháng “thảm họa đạo đức” của xã hội ?

Trên mạng, ngoài quán xá… những lúc như thế là quá tải lời rao giảng đạo đức và những kêu than ai oán về nhân cách phẩm chất người Việt, như thể họ là ngoại lệ! Cho dầu, trong cuộc sống đời thường ở đâu đó bạn và tôi cũng bắt gặp những sự việc, hình ảnh cảm động về tình người.

Vào google gõ cụm từ khóa “quên mình cứu người” thì trong vòng 3 giây cho ra khoảng 6.500.000 kết quả. Gõ cụm từ khóa “không tham của rơi” thì trong 3,28 giây cho ra khoảng 47.700.000 kết quả, nhưng tất cả chỉ là những con số biết nói.

Ngày 15/2/2014, tôi chở một người bạn ngoại quốc đi từ Phú Mỹ Hưng Quận 7 về Quận 1. Đi hết đường Nguyễn Thị Thập tôi không biết rẽ trái hay rẽ phải để đi tiếp (tôi đi xa một thời gian dài, mới về lại Sài Gòn). Tôi hỏi đường một anh xe ôm gần khu vực Lotte Mart. Anh xe ôm nói tôi chạy qua cầu Kênh Tẻ rẻ phải… Vì tôi không cẩn thận nên vừa chạy qua Lotte Mart một đoạn, thấy ngã tư thì tôi rẽ phải. Chạy một lát, tôi thấy anh xe ôm lái xe chạy theo gọi tôi lại. Anh ấy giải thích là tôi đã đi sai đường, rồi nói lại cho tôi một lần nữa hướng đi cho đúng. Anh bạn nước ngoài mặc dù không biết tiếng Việt nhưng qua “ngôn ngữ cơ thể” cũng hiểu phần nào câu chuyện. Bạn tôi hỏi: "Anh ấy có đòi tiền không?", tôi nói: "Làm gì có chuyện đó!". Bạn nói: "Người Việt tử tế quá!"

Không phủ nhận xã hội ngày đang tồn tại những vấn nạn như cướp giựt trên đường phố, kém ý thức nơi công công, tính vô cảm… nhưng ở môi trường hoàn cảnh thuận tiện, đa số người Việt Nam sẵn lòng giúp người hoạn nạn. Vì vậy, khi viết bài hoặc viết phản hồi về những vấn đề mang tính cá biệt thì cần phải tỉnh táo, không dìm hàng và bớt kêu than!

Hiện nay, câu chuyện phá sản của gia đình nghệ sĩ Chánh Tín đang bị vài trang báo mạng khai thác quá đà theo khuynh hướng câu “view”. Đọc những dòng xách mé của vài bài báo mạng rồi dưới đó là những hàng trăm comment lời lẽ không tiết chế. Có những ngôn từ đã đẩy sự việc đến tiệm cận vùng nguy hiểm! Xin hãy dừng lại, khoan dung và nói những lời từ ái.

Có câu chuyện: một hôm trên đường đi truyền đạo, Phật Thích Ca bắt gặp cảnh tượng một đám đông trong tay lăm lăm những hòn đá nguy hiểm đứng vây quanh một người đàn bà. Qua tìm hiểu ngài biết là họ sắp hành xử người đàn bà kia về tội có chửa hoang. Theo tục lệ của làng là cùng nhau ném đá người đàn bà cho đến chết. Đám đông la hét xỉ vả rất kích động và chỉ chờ tiếng trống lệnh của trưởng thôn là ra tay.

Phật Thích Ca bình tỉnh đến gần người đàn bà ràn rụa nước mắt đang quỳ gối van xin thảm thiết. Ngài ôn tồn nói với đám đông: "Người phụ nữ này đã phạm sai lầm. Nhưng hãy thành thực với lòng mình, ai trong chúng ta trong cuộc đời mình chưa một lần phạm sai lầm thì hãy ném đá, còn không thì xin mở lượng khoan hồng!" Lời của Phật như một dòng nước mát xoa dịu cơn sân hận. Trong vài phút, không khí kích động êm dần. Không thấy viên đá nào bay ra. Từng người lặng lẽ rút đi. Nhờ thế mà người đàn bà thoát nạn.

Thời nay, chỉ cần vài cái click chuột là lên mạng ào ào ném đá. Đá ném lên mạng tuy không gây chảy máu nhưng không phải không gây chết người!

*Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả Trúc Nguyễn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại