Con số kỷ lục về số lần "đổi chủ" khiến Lưu Bị bị chê bai không đáng mặt anh hùng

Trần Quỳnh |

Trước khi lập nên đại nghiệp, Lưu Bị từng có thời gian nương nhờ nhiều thế lực và "đổi chủ" liên tục khiến nhiều người không thể không nghi ngờ về năng lực của ông.

Người xưa có câu "anh hùng không câu nệ xuất thân". Trong lịch sử Trung Hoa, có không ít anh hùng hào kiệt khi lập nghiệp đều tìm kiếm một tập đoàn quân sự hoặc chính trị làm chỗ dựa. Đa số họ cũng đều đã từng vì thời thế mà "đổi chủ".

Vậy nhưng, nhân vật từng có số lần "nương nhờ" nhiều người nhất, lại chính là "đại anh hùng" Tam Quốc - Lưu Bị.

Đầu quân cho Trâu Tịnh

"Tam Quốc chí" từng ghi chép về "mười lần đổi chủ" của Lưu Bị.

Theo đó, lúc đầu ông đi theo Hiệu úy Trâu Tịnh dẹp loạn Hoàng Cân, được phong làm Huyện úy An Hỷ (tương đương chức Phó Chủ tịch huyện ngày nay). Cũng từ dây, Lưu Bị chính thức bắt đầu sự nghiệp chinh chiến của mình. (Tam Quốc chí – Tiên chủ truyện).

Đi theo Tòng sự Thanh Châu

Dưới sự đề cử của Lưu Tử Bình, Lưu Bị đầu quân phái quan Tòng sự Thanh Châu. Về lần "đổi chủ" này, "Điển lược" (Tam Quốc chí) có chép:

"Người ở Bình nguyên là Lưu Tử Bình biết Lưu Bị là người mạnh bạo lại có uy, bấy giờ Trương Thuần làm loạn, Thanh Châu bị giáng chiếu chỉ phái quan Tòng sự đưa binh đánh dẹp Thuần, khi đi qua Bình Nguyên, Tử Bình tiến cử Bị với quan Tòng sự, Tòng sự bèn cho đi theo..."

Con số kỷ lục về số lần đổi chủ khiến Lưu Bị bị chê bai không đáng mặt anh hùng - Ảnh 1.

Khi đi theo Tòng sự Thanh Châu, Lưu Bị từng có lần bị thương tới suýt mất mạng. (Ảnh minh họa).

Về dưới quyền Khưu Nghị

Không lâu sau đó, Đại tướng quân Hà Tiến phái Đô úy Khâu Nghị đến Đan Dương mộ binh. Lưu Bị cũng đi cùng.

Đến Hạ Bì gặp giặc, ông gắng sức chiến đấu, nhờ có công lao nên được Khưu Nghị phong làm Hạ Mật thừa, sau lại được phong làm chức Úy ở huyện Cao Đường.

Việc Lưu Bị bỏ quan Tòng sự đi theo Khưu Nghị được "Tam Quốc chí" ghi lại trong phần "Tiên chủ truyện".

Nương nhờ Công Tôn Toản

Sau khi Linh Đế băng hà, Lưu Bị cũng khởi binh đánh Đổng Trác. Nhưng do bị giặc phá, ông vội chạy tới chỗ của Trung lang tướng Công Tôn Toản.

Con số kỷ lục về số lần đổi chủ khiến Lưu Bị bị chê bai không đáng mặt anh hùng - Ảnh 2.

Tại U Châu, Lưu Bị lại nương tựa vào thế lực của người bạn cũ là Công Tôn Toản. (Ảnh minh họa).

Người bạn cũ này đối xử với ông rất hậu, còn dâng biểu xin cho Lưu Bị làm Biệt bộ Tư mã.

Chịu sự áp chế của Điền Khải

Nhưng sau đó không lâu, Công Tôn Toản để ông giúp Thứ sử Thanh Châu là Điền Khải chống lại Viên Thiệu. Cũng từ đây, Lưu bị đi theo Điền Khải, đóng quân ở phía đông nước Tề và chịu sự áp chế của họ Điền này.

Nhờ lập được nhiều chiến công, Lưu Bị được phong làm Bình Nguyên tướng.

Phụ giúp Đào Khiêm

Năm 193, Viên Thiệu mang quân đánh Công Tôn Toản. Cũng vào lúc này, Đào Khiêm ở Từ Châu thành nghi phạm giết cha của Tào Tháo và bị quân Tào báo thù.

Đào Khiêm vội cầu cứu Điền Khải và Công Tôn Toản. Toản liền cử Lưu Bị đến Từ Châu ứng cứu.

Bấy giờ, quân số của Lưu Bị có hơn một ngàn quân cùng với đám kị binh tạp nham người Ô Hoàn ở U Châu, rồi lại được Đào Khiêm cấp cho 4.000 quân nữa nên ông bỏ Điền Khải theo về với Đào Khiêm.

Lưu Bị cùng Đào Khiêm tử thủ ở Đan Dương, giúp họ Đào này thoát khỏi kiếp nạn mất mạng dưới tay quân Tào.

Con số kỷ lục về số lần đổi chủ khiến Lưu Bị bị chê bai không đáng mặt anh hùng - Ảnh 3.

Nhờ giúp Đào Khiêm tránh được kiếp nạn quân Tào, Lưu Bị được họ Đào tiến cử vào chức Từ Châu mục để điều hành Từ Châu, nhưng ông không dám nhận.(Ảnh minh họa).

Do Lưu Bị khước từ việc nhậm chức Từ Mục châu thay mình, Đào Khiêm đề nghị Lưu Bị đem quân đóng ở Tiểu Bái để bảo vệ Từ Châu và được ông nhận lời.

Năm 194 thời Hán hiến Đế, Đào Khiêm qua đời. Nhiều người đề cử Lưu Bị nhậm chức Từ Châu mục để tiếp quản Từ Châu, Lưu Bị hồi lâu mới đồng ý. Kể từ đó, Từ Châu trở thành căn cứ đầu tiên của ông.

Đầu hàng Lã Bố

Năm 196, Viên Thuật ở Dương Châu đem quân tấn công Từ Châu. Lưu Bị cử Trương Phi trấn thủ Hạ Bì, còn mình thì giao chiến với Viên Thuật ở Thạch Đình.

Lã Bố thừa cơ dịp Trương Phi bất hòa với Tào Tháo, liền đem quân tập kích Hạ Bì và toàn thắng. Do chiếm lại Hạ Bì không thành, lại bị Viên Thuật truy kích, Lưu Bị đành phải trở về Từ Châu đầu hàng Lã Bố.

Con số kỷ lục về số lần đổi chủ khiến Lưu Bị bị chê bai không đáng mặt anh hùng - Ảnh 4.

Theo Ngụy thư: các tướng dưới quyền Lã Bố cho Lưu Bị là kẻ phản phúc khó dung nên khuyên Lã Bố sớm trừ đi nhưng Lã Bố không nghe. (Ảnh minh họa).

Lã Bố đem ý định trừ khử của quần thần kể cho Lưu Bị. Biết được điều này, Lưu Bị vô cùng sợ hãi, vội phái người đến xin Lã Bố đóng quân ở Tiểu Bái và được chấp thuận.

Cầu cứu Tào Tháo

Năm 198, lực lượng của Lưu Bị ở Tiểu Bái ngày càng lớn mạnh. Lã Bố lo sợ nên giảng hòa với Viên Thuật để liên thủ đánh Lưu Bị.

Lưu Bị chống trả không nổi, buộc phải bỏ thành, đem theo gia quyến chạy về phía Tây rồi sai người cầu cứu Tào Tháo.

Tào Tháo cử tướng Hạ Hầu Đôn mang quân cứu họ Lưu. Quân hai bên đụng độ ở Từ Châu. Lã Bố dẫn quân ra đối địch, đánh bại tướng Hạ Hầu Đôn.

Tào Tháo và Lưu Bị thu quân về Hứa Xương. Ông không trả lại Từ Châu cho Lưu Bị mà cử Xa Trụ trấn giữ. Tào Tháo phong Lưu Bị làm Tả tướng quân và giữ ông ở lại Hứa Xương để kềm chế.

Nương nhờ Viên Thiệu

Năm 200, sau chiến công đánh thắng Viên Thuật, lại thêm vụ trọng án Đổng Thừa, Lưu Bị quyết tâm ra đi và chính thức ly khai Tào Tháo rồi bất ngờ mang quân đánh chiếm Từ Châu, giết Xa Trụ.

Ông bổ nhiệm Quan Vũ làm Thái thú Hạ Bì, Tào Tháo tức giận mang quân đánh gấp Từ Châu.

Con số kỷ lục về số lần đổi chủ khiến Lưu Bị bị chê bai không đáng mặt anh hùng - Ảnh 5.

Trong buổi "uống rượu luận anh hùng", Tào Tháo từng nhận định về con người tiềm ẩn của Lưu Bị "Nay anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo này". Điều ấy càng làm cho Lưu Bị có động lực ly khai Tào. (Tranh minh họa).

Lưu Bị không chống trả nổi nên bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu. Theo Ngụy thư, Lưu Bị về với Viên Thiệu được cha con Viên Thiệu hết lòng cung kính, trọng vọng.

Trương Phi trốn về Nhữ Nam còn Quan Vũ không có đường chạy nên đầu hàng Tào Tháo. Gia quyến của Lưu Bị đều rơi vào tay quân Tào. Từ đây, Lưu Bị chính thức gia nhập tập đoàn chính trị hùng mạnh của Viên Thiệu để chống lại Tào Tháo.

Về phe Lưu Biểu

Sau trận Diên Tân, Tào Tháo và Viên Thiệu tạm hưu chiến. Nhận thấy Viên Thiệu không đủ khả năng để chống lại quân Tào, Lưu Bị liền xin được điều quân sang Nhữ Nam nhằm đánh du kích sau lưng quân địch và được Viên Thiệu chấp thuận.

Bấy giờ, Quan Vũ sau khi đã lập công trả ơn cho Tào Tháo liền tìm cách trốn đi để tái ngộ cùng Lưu Bị và Trương Phi ở đất Nhữ Nam.

Tại đây, Lưu Bị liên thủ với một tướng trong khởi nghĩa Hoàng Cân là Cung Đô. Tuy nhiên sau này, họ Cung bị Tào Tháo giết chết tại Nhữ Nam.

Bản thân Lưu bị cũng chống trả không nổi, buộc phải bỏ chạy về Kinh Châu theo Lưu Biểu. Ông được Lưu Biểu cho trấn giữ Tân Dã - một huyện tiền đồn chống quân Tào ở phương Bắc..

Về việc Lưu Bị ba lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng, hay việc Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán đều là những chuyện của sau này.

Tuy vậy, có không ít người từng đặt ra câu hỏi: Liệu Lưu Bị là một "đại anh hùng" biết nhìn thời thế, hay chỉ là một "tắc kè hoa" đổi chủ như thay áo?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại