Có hay không việc Trung Quốc vẫn bí mật tuồn tiền sang Triều Tiên?

Tuệ Minh |

Giới nghị sĩ Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang có hành động ngăn cản nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc kiềm chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bằng cách bí mật chuyển ngoại tệ mạnh sang Bình Nhưỡng.

Phản ứng trước lời cáo buộc trên, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley cho biết bà sẽ ủng hộ áp đặt "trừng phạt phụ" (secondary sanction) để ngăn quân đội Triều Tiên sản xuất các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trang bị đầu đạn hạt nhân. Việc áp đặt "trừng phạt phụ" cũng sẽ ngăn chặn các công ty và tổ chức Trung Quốc chuyển ngoại tệ mạnh sang quốc gia láng giềng Triều Tiên. Nói cách khác, "trừng phạt phụ" là biện pháp nhắm tới các công ty và tổ chức thực hiện trao đổi với các quốc gia đang nằm trong danh sách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).

Theo bà Haley, Bình Nhưỡng đang phát triển ICBM nhanh hơn so với dự đoán của giới chuyên gia là nhờ hoạt động mua bán vũ khí với các công ty Trung Quốc và nguồn thu nhập từ những công dân Triều Tiên phải đi lao động cực khổ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

"Chúng ta có thể tự tin rằng phải mất nhiều năm nữa Triều Tiên mới có thể thành công sản xuất ICBM. Tuy nhiên, theo tôi, sự việc này có thể diễn ra nhanh hơn dự đoán", bà Haley phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tại Washington.

Phiên điều trần trước Quốc hội lần này của bà Haley sẽ giúp chính phủ Mỹ đánh giá về việc nên hay không hỗ trợ quỹ cho các hoạt động của Mỹ ở LHQ, cũng như liệu bà Haley có thể khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các thành viên LHQ trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố IS và Hamas.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), phát biểu trong phiên điều trần của Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Ted Yoho cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc "đang đứng đằng sau hoạt động buôn lậu số lượng lớn vũ khí Triều Tiên sang Trung Đông. Trung Quốc cũng đang tài trợ và cho phép Triều Tiên tiếp cận những loại vũ khí mà quốc gia này bán sang Trung Quốc. Những vũ khí này đang rơi vào tay các tổ chức khủng bố chống lại quân đội Mỹ".

Còn theo Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến tại Washington, trong năm 2016, trước thời điểm Mỹ tăng cường lệnh trừng phạt với Triều Tiên, hơn 5.000 công ty ở Trung Quốc đã bắt tay làm ăn với Triều Tiên. Những công ty này chiếm tới 85% hoạt động thương mại nước ngoài của Triều Tiên. Trong khi đó, có tới hơn 67.000 công ty Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc.

"Vũ khí lớn nhất trong các lệnh trừng phạt là tăng cường trừng phạt với những công ty có hoạt động làm ăn với Triều Tiên hoặc cung cấp tiền cho Triều Tiên", chuyên gia Thomas Byrne chia sẻ với SCMP.

Cũng theo ông Byrne, Triều Tiên đã bắt đầu cảm nhận được những tác động lớn tới tài chính khi Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu than đá trong toàn năm nay.

Ông Byrne nhấn mạnh, việc tăng cường lệnh trừng phạt với Iran bao gồm các công ty mua dầu mỏ của Iran đã buộc chính quyền Tehran ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ và tiến tới dừng chương trình hạt nhân.

Hội đồng Bảo an LHQ đã ban bố hàng loạt lệnh trừng phạt với Triều Tiên kể từ năm 2006 sau khi cuộc đàm phán 6 bên giữa Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga đổ bể.

Hồi tháng trước, Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu thông qua mở rộng lệnh trừng phạt với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng cho phóng thử tên lửa đạn đạo.

Ngoài ra, Hội đồng Bảo an còn đưa thêm 14 quan chức Triều Tiên vào trong danh sách cấm di chuyển tới các nước thành viên LHQ mà cơ quan này từng thông qua hồi năm 2006. Hội đồng Bảo an cũng đưa thêm 4 công ty bao gồm Ngân hàng Koryo và Tập đoàn Thương mại Kangbong vào trong danh sách cấm giao dịch với các nước thành viên LHQ.

Tuy nhiên, theo ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm xã hội châu Á, ngay cả sau khi Bắc Kinh đồng thuận với lệnh trừng phạt mới mà Hội đồng Bảo an thông qua, dòng tiền từ Trung Quốc đổ sang Triều Tiên vẫn tái diễn.

Theo ông Schell, dù Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên song do lo ngại chính quyền Bình Nhưỡng có thể sụp đổ vì kinh tế suy thoái, chính phủ Bắc Kinh không thể cắt đứt toàn bộ hoạt động trao đổi kinh tế.

"Vẫn còn khoảng 400.000 công dân Triều Tiên đang làm việc tại Trung Quốc và toàn bộ số lượng mà những công nhân này nhận được, đang được chuyển cho chính quyền Triều Tiên", ông Schell nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại