Chuyên gia Việt Nam lý giải nguyên nhân Thông điệp Liên bang 2016 của Putin "bình thường" đến vậy

Ngọc Anh |

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, nguyên Trưởng ban tin Thế giới, TTXVN trả lời phỏng vấn Báo điện tử Trí thức trẻ, phân tích khác biệt trong Thông điệp Liên bang năm nay của ông Putin.

Trong thông điệp liên bang phát đi ngày 1/12 năm nay, có một điều khác biệt so với các năm trước là Tổng thống Putin có vẻ dành ít thời lượng cho các chính sách đối ngoại của Nga, theo ông vì sao lại như vậy?

Về mặt độ dài thì thông điệp liên bang của tổng thống Putin năm nay tương đương năm trước, nhưng về "tông" của bài phát biểu năm nay thì dịu hơn nhiều so với năm 2015, 2014 ở cả hai phần đối nội và đối ngoại.

Đặc biệt, phần đối ngoại năm nay rất "dịu", mềm mỏng hơn hẳn. Theo tôi, có thể đưa ra một vài lý do.

Thứ nhất, tình hình quốc tế bây giờ đang có những chuyển động khác, nhất là sau bầu cử Mỹ, khi ông Trump đắc cử.

Thứ hai, trong các vấn đề như Syria, quan hệ với châu Á của Nga cũng đạt được những kết quả tích cực.

Quan trọng nhất, đây là thời điểm trước ngưỡng cửa Mỹ có chính quyền mới. Tất nhiên Nga đang trong trạng thái "chờ đợi".

Những gì ông Trump phát biểu tranh cử thì Nga đã biết, nhưng tranh cử và thực thi thực tế có thể khác hẳn nhau.

Trong khi chờ đợi như thế thì nhà lãnh đạo Nga chỉ phát đi những tín hiệu tích cực và nhắc tới những vấn đề muôn thuở thôi, ví dụ như cân bằng chiến lược, đề phòng khủng bố,…

Thông điệp phản ánh chính xác sách lược của chính quyền, của tổng thống. Thời điểm đọc thông điệp liên bang năm nay không phải là thời điểm để ông Putin nêu ra các chiến lược.

Năm nay tạm gọi là một năm "bình thường". Năm 2017 cũng có thể nói là "bình thường". Nhưng cuối 2017, chuẩn bị sang 2018, [Nga] bầu cử Tổng thống mới, thì có lẽ thông điệp liên bang 2017 của Nga mới có thể nêu ra các chiến lược lâu dài.

Tình hình năm 2016 cũng tương đối thuận với Nga, thử thách của 2,3 năm cấm vận của phương Tây đã qua, Nga đã quen với tình thế này và mọi việc đang tiến triển tốt lên.

Vì vậy, thông điệp liên bang năm nay tạm gọi là một thông điệp "bình thường" của một năm bình thường, với những nội dung tương đối cụ thể.

Bầu cử Duma hồi tháng 9 đã được nhắc lại để khẳng định nền "dân chủ kiểu Nga", sau đó đến các thành tựu y tế, giáo dục, công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp,…

Đó không phải là một thông điệp có tính chiến lược dài hạn, đê cập đến các vấn đề to tát.

Trong thông điệp năm nay, ông Putin chỉ nói đến các sách lược của thời điểm này, không đề cập tới các chiến lược dài hơn.

Thực ra, thông điệp liên bang có khuôn khổ của nó về mặt thời gian, tầm cỡ (khoảng 1h đồng hồ) và có format nhất định rồi.

Tới đây, cuộc họp báo cuối năm của Putin sẽ là một sự kiện đáng quan tâm. Cuộc họp báo đó thường năm sau phá kỷ lục thời gian của năm trước, kéo dài 3-4 tiếng.

Chuyên gia Việt Nam lý giải nguyên nhân Thông điệp Liên bang 2016 của Putin bình thường đến vậy - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát tham gia tường thuật Thông điệp Liên bang 2016 của Tổng thống Nga Putin (Ảnh: Mạnh Quân)

Ông đánh giá như thế nào về nội dung đề cập tới nước Mỹ trong thông điệp liên bang năm nay của tổng thống Putin?

Rõ ràng, trong các thông điệp liên bang, Putin không thể không nói đến Mỹ, nhưng năm nay sự đề cập tới Mỹ rất vừa phải. Vì nhiều lý do.

Bầu cử Mỹ thì cả thế giới quan tâm, mà năm nay có sự đặc biệt là ông Trump thắng cử. Ông Trump lại đang nói về Nga theo một cách khác với tất cả các ứng viên tổng thống khác. Do đó, có một sự chờ đợi chung từ phía Nga cũng như toàn thế giới đối với Trump ở nhiều lĩnh vực.

Riêng về quan hệ Mỹ - Nga, sự chờ đợi các động thái tiếp theo của Trump là đương nhiên. Vì cặp quan hệ này sẽ ảnh hưởng tới các cặp quan hệ khác như Mỹ - NATO, Mỹ - Châu Âu, Nga - Châu Âu, Nga - NATO,…

Nếu quan hệ Mỹ - Nga cải thiện thì nó sẽ mang tới sự thay đổi trong các mối quan hệ lợi ích khác.

Trong trạng thái "chờ" ấy thì đương nhiên người ta sẽ không đưa ra các phát biểu gì quá mạnh, quá lớn.

Chỉ trích chính quyền Mỹ sắp mãn nhiệm hay bày tỏ quá hy vọng vào chính quyền mới đều không thích hợp và không cần thiết đối với Putin vào lúc này.

Theo tôi, thông điệp nào cũng có sự tính toán.

Trong phần đối ngoại của thông điệp liên bang, thứ tự các quốc gia khác mà Putin đề cập là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và cuối cùng là Mỹ. Theo ông thứ tự đó có ý nghĩa gì không?

Tôi cho rằng thứ tự ấy không phản ánh mối quan tâm, ưu tiên trong đường lối đối ngoại của Nga. Đó chỉ là một cách "nói ra" thôi. Với Nga thì quan hệ với Mỹ vẫn được quan tâm hàng đầu.

Kể cả trong những lúc căng thẳng nhất, có lúc tưởng như đối đầu, nhưng cả hai bên đều cố gắng không để mối quan hệ đó trở nên quá xấu hay có những vấn đề gì nóng quá, đụng chạm về mặt quân sự.

Cả Nga và Mỹ đều biết rằng nếu hai nước mà đụng độ thì rất nguy hiểm cho mỗi bên và cho thế giới. Nếu có thể phối hợp hành động được, tuy không phải trên tất cả các lĩnh vực, là điều rất quan trọng.

Trước ngưỡng cửa của lễ nhậm chức của tổng thống mới thì nhà lãnh đạo Nga cũng muốn gửi đi những tín hiệu vừa phải, có tính chất mềm mỏng hơn, sẵn sàng lam việc với chính quyền mới

Trong nội dung về đối ngoại, hầu như tổng thống Putin chỉ nói về hợp tác. Ví dụ như liên minh kinh tế Á-Âu, hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản,… hay sự sẵn sàng đối thoại với Liên minh châu Âu.

Chuyên gia Việt Nam lý giải nguyên nhân Thông điệp Liên bang 2016 của Putin bình thường đến vậy - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát cho rằng Thông điệp Liên bang năm nay của Putin "bình thường", một phần bởi nước Nga đạt được ổn định và thu kết quả tích cực ở nhiều lĩnh vực (Ảnh: Mạnh Quân)

Có ý kiến cho rằng tuy mềm mỏng nhưng "tông" của thông điệp liên bang năm nay của Putin giống như "tông" của một người chiến thắng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

"Tông của người chiến thắng" – cũng có những phần đúng. Có thể thấy ở mặt đối nội và đối ngoại.

Thứ nhất, phương Tây đã cấm vận và trừng phạt Nga vì có mục tiêu lớn là gây khó khăn cho kinh tế - xã hội Nga.

Từng có những dự đoán rằng sau cấm vận, các phản ứng trong nước sẽ bất lợi cho ông Putin như bất mãn, biểu tình, v.v… Nhưng cuối cùng những kịch bản đó đều không xảy ra.

Bị cấm vận, Nga ở vào tình thế "trong cái khó đã ló cái khôn". Kinh tế Nga đã thực sự có sự chuyển động về cơ cấu và đạt những kết quả tốt.

Cấm vận của phương Tây với kỳ vọng cô lập nước Nga đã không thực hiện được, vì Nga đã phát triển quan hệ với rất nhiều nước.

Và hiện nay, xu hướng muốn nới lỏng và bỏ cấm vận Nga ở một số quốc gia trong EU cũng đã thể hiện khá rõ.

Còn cuộc chiến ở Syria, đúng là Nga đã tạo dựng được vị thế của mình. Những "đối thủ" của Nga ở Syria, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, đã thay đổi rất nhiều từ đầu cuộc chiến tới nay.

Trong nước, xã hội Nga vẫn khá ổn định. Trong cuộc bầu cử Duma vừa qua thì đảng thân chính quyền cũng có kết quả tốt.

Và Putin đã có một thông điệp với nội dung mà người dân quan tâm, như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ,… các thành tựu tích cực.

Có thể nói mọi thứ trong nước đang khá "thuận" cho Putin.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại