Chuyên gia thời tiết Nga nêu điều kiện 'lý tưởng' để tấn công hạt nhân vào NATO

Hữu Hiển |

Tình huống Nga tấn công các thành viên NATO được đưa ra bàn thảo giữa nhà khí tượng học người Nga Evgeny Tishkovets và người dẫn chương trình truyền hình Vladimir Solovyov.

Theo Newsweek, nhà khí tượng học người Nga Evgeny Tishkovets gần đây đã trò chuyện với người dẫn chương trình truyền hình và là người ủng hộ Điện Kremlin Vladimir Solovyov về các điều kiện được cho là "lý tưởng" trong trường hợp tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các nước thành viên của NATO.

Nhà báo Julia Davis - người sáng lập nhóm giám sát Russian Media Monitor - đã đăng một đoạn video trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) vào ngày 9/3, trong đó Solovyov trò chuyện với Tishkovets trên chương trình của ông về tình huống Moscow tấn công các thành viên NATO.

Chuyên gia thời tiết Nga nêu điều kiện 'lý tưởng' để tấn công hạt nhân vào NATO- Ảnh 1.

Nhà khí tượng học người Nga Evgeny Tishkovets (phải) trò chuyện với người dẫn chương trình truyền hình Vladimir Solovyov (trái) về các điều kiện được cho là "lý tưởng" cho một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các nước thành viên của NATO. Ảnh chụp màn hình video được nhà báo Julia Davis - người sáng lập nhóm giám sát Russian Media Monitor - đăng tải trên mạng xã hội X vào ngày 9/3.

"Quan trọng nhất là ông nên nói rõ ràng làm thế nào tên lửa của chúng ta [Nga] có thể tấn công chính xác các mục tiêu NATO và thời tiết sẽ không cản trở chúng. Bất chấp điều kiện khí tượng khó khăn, tên lửa đã chạm tới mục tiêu, Avangard [tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do Nga phát triển] đã tấn công. Paris đang bốc cháy!" người dẫn chương trình Solovyov nói, theo bản dịch của Russian Media Monitor.

Chuyên gia thời tiết Tishkovets cho biết: "Hôm nay thời tiết lý tưởng để tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào các nước NATO. Các luồng không khí dịch chuyển theo cách bất thường, không phải từ tây sang đông mà từ đông sang tây. Các đám mây phóng xạ di chuyển về phía những quốc gia đang gửi vũ khí và lính đánh thuê đến chiến đấu chống lại quân đội của chúng ta".

Theo Newsweek, người dẫn chương trình Solovyov trước đó đã đề nghị tiến hành tấn công hạt nhân vào các nước NATO.

Andrey Sidorov - phó trưởng khoa chính trị thế giới tại Đại học Quốc gia Moscow - nói với Solovyov trên chương trình của ông ấy rằng: "Vấn đề không phải là có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không. Vấn đề là sử dụng chúng để nhắm vào đâu. Ông thường nói về Pháp hoặc Anh".

Solovyov trả lời: "Đúng vậy, Pháp, Đức, Ba Lan, Anh".

Theo trang tin Newsweek, đã hơn hai năm kể từ ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (24/2/2022). Khi các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ quốc gia Đông Âu vẫn chưa là thành viên của tổ chức quân sự này, ngày càng có nhiều lo ngại rằng Nga có thể mở rộng cuộc chiến.

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng 2, ông đã cảnh báo các đồng minh của Ukraine về nguy cơ bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu họ can dự sâu hơn vào cuộc xung đột Nga - Ukraine.

"Họ phải nhận ra rằng chúng tôi cũng có vũ khí có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Những gì họ hiện đang gợi ý và khiến thế giới sợ hãi - tất cả đều làm tăng mối đe dọa thực sự về một cuộc xung đột hạt nhân, đồng nghĩa với sự hủy diệt nền văn minh của chúng ta", nhà lãnh đạo Nga nói.

Viện trợ của Mỹ cho Ukraine đang giảm dần

Theo Newsweek, khi lực lượng Ukraine tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Nga, sự hỗ trợ dành cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này từ Mỹ - một trong những nước ủng hộ Ukraine nhiều nhất - đang giảm dần.

Gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó bao gồm 61 tỷ USD cho Ukraine đã được Thượng viện Mỹ thông qua, nhưng đã bị đình trệ tại Hạ viện khi Chủ tịch Mike Johnson – thành viên Đảng Cộng hòa, đại diện bang Louisiana, người phản đối viện trợ bổ sung cho Ukraine - tuyên bố ông không có ý định cho phép biểu quyết về dự luật chi tiêu ngân sách 95 tỷ USD này.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ "ngay lập tức".

"Tôi kêu gọi Chủ tịch Hạ viện rằng hãy để toàn bộ Hạ viện nói lên suy nghĩ của mình và không cho phép một nhóm thiểu số những tiếng nói cực đoan nhất trong Hạ viện ngăn chặn dự luật này, thậm chí không được bỏ phiếu", ông Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng vào tháng 2.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại