Chuyên gia Mỹ: Bài học từ Việt Nam có thể cho biết Mỹ hay Iran bị đánh bại nếu chiến tranh

Hải Vy |

“Một bên chỉ có một phần sức mạnh và một bên là toàn bộ lực lượng, lại được chiến đấu ngay trên ‘sân nhà’. Bên nào sẽ giành chiến thắng đây?” - ông James R. Holmes nêu quan điểm.

"Nếu Iran muốn chiến tranh, đó sẽ là sự kết thúc chính thức của Iran. Đừng bao giờ đe dọa Mỹ một lần nữa", Tổng thống Donald Trump ngày 20/5 viết trên Twitter.

Tuyên bố được Tổng thống Mỹ đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran không có dấu hiệu hạ nhiệt, đặt ra lo ngại về một cuộc xung đột quy mô lớn.

Bài học từ Chiến tranh Việt Nam

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi về nguy cơ chiến tranh giữa hai phía, Giáo sư - Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW) cho biết:

“Tôi nhận thấy không mấy ai hào hứng với cuộc xung đột này, dù trong hay ngoài nước Mỹ. Phát động một cuộc chiến chống lại một cường quốc Trung Đông, trong khi không có được sự hỗ trợ chính trị nào, sẽ tạo nên một sai lầm nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, khó có thể phớt lờ lời đe dọa đặt dấu "kết thúc chính thức" cho đất nước với hơn 80 triệu dân.

Nếu nổ ra thì cuộc chiến giữa Mỹ và Iran sẽ diễn ra như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, theo ông Holmes, cần xét tới điều gì khiến hai phía động binh? Mục tiêu của các chỉ huy là gì? Khao khát muốn đạt được những mục tiêu đó của họ lớn tới mức nào? Và những nguồn lực nào sẽ được huy động vào cuộc chiến?

Nếu đó là cuộc chiến tranh nhắm vào chương trình phát triển hạt nhân của Iran thì chúng ta sẽ thấy các đợt không kích nhằm vào cơ sở hạt nhân của Tehran bằng máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình.

Tiêm kích tàng hình có thể đột nhập vào không phận Iran, trong khi đó, các lực lượng khác của Mỹ có lẽ sẽ tìm cách khá vỡ mạng lưới phòng không của Tehran để các chiến đấu cơ phi tàng hình có thể tham chiến.

Máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ xuất kích từ các sân bay trên đất liền của các quốc gia vùng Vịnh và có thể từ các tàu sân bay được triển khai ở vịnh Ba Tư, vịnh Oman hoặc biển Arab.

Không chắc sẽ có lực lượng trên bộ tham gia vào chiến dịch này, nếu có thì có lẽ sẽ là các lực lượng đặc nhiệm.

Chuyên gia Mỹ: Bài học từ Việt Nam có thể cho biết Mỹ hay Iran bị đánh bại nếu chiến tranh - Ảnh 1.

Xử lý ảnh: Thi Anh

Nếu cuộc chiến bùng nổ do Iran tìm cách đóng cửa eo biển Hormuz thì hiển nhiên lực lượng hải quân sẽ được triển khai, cùng với bất cứ lực lượng trên bộ nào mà các chỉ huy có thể huy động.

Các loại tên lửa, máy bay chiến đấu cất cánh từ các căn cứ trên bộ, tàu siêu tốc, tàu ngầm, thủy lôi sẽ được sử dụng. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến của các tàu cỡ lớn.

Giáo sư Holmes nhận định, Iran có lợi thế là ở gần vùng biển giao tranh, họ nắm rõ môi trường chiến thuật xung quanh khu vực và có lẽ, điều quan trọng hơn cả là: Toàn bộ quân đội Iran chỉ phải đối đầu với một phần của quân đội Mỹ.

“Một bên chỉ có một phần sức mạnh và một bên là toàn bộ lực lượng, lại được chiến đấu ngay trên 'sân nhà'. Bên nào sẽ giành chiến thắng đây? Chúng ta sẽ thấy.

Chiến tranh Việt Nam trước đây đã cho thấy một lực lượng yếu hơn có thể đánh bại một lực lượng lớn mạnh hơn nếu có thể khai thác triệt để những lợi thế của mình” – ông Holmes nêu quan điểm.

Nga có khả năng sẽ can thiệp

Ông Gil Barndollar, Giám đốc chương trình Các nghiên cứu Trung Đông tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ) cho rằng nếu quyết định đi đến chiến tranh với Iran, Mỹ nhiều khả năng sẽ sa lầy vào cuộc chiến này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Barndollar cho rằng các trận không chiến và hải chiến có thể diễn ra tương đối nhanh chóng và gần như không mang lại thương vong gì cho Mỹ do chênh lệch trình độ công nghệ giữa hai phía. Tuy nhiên, một cuộc xâm chiếm trên bộ nhằm lật đổ chính quyền Tehran sẽ là nhiệm vụ nặng nề.

Chuyên gia Mỹ: Bài học từ Việt Nam có thể cho biết Mỹ hay Iran bị đánh bại nếu chiến tranh - Ảnh 2.

Xử lý ảnh: Thi Anh

“Bối cảnh hiện nay có một số điểm tương đồng với thời điểm sắp diễn ra chiến tranh Iraq, như đều là một vị Tổng thống Mỹ không nắm rõ tình hình khu vực và bị bao quanh bởi những cố vấn theo hướng chủ chiến.

Điểm khác biệt lớn nhất là ông Trump có vẻ 'chân thật' hơn ông Bush khi bày tỏ quan điểm rằng bản thân không muốn có cuộc chiến tranh nào và đã từng (dù hơi khoa trương) phản đối sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Đại Trung Đông” – ông Barndollar cho hay.

Vị chuyên gia lưu ý rằng, người Iran rất tinh thông tác chiến phi đối xứng, đặc biệt là sử dụng các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.

Họ còn rất giỏi lợi dụng các sai lầm của đối thủ - như trong cuộc xâm lăng của liên minh do Saudi dẫn đầu vào Yemen, cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq hay các chiến dịch của Israel nhằm vào Lebanon.

Mặc dù vậy, lợi thế lớn nhất của Iran chính là vị trí địa lý. Ba mặt của Iran có núi bao quanh, còn mặt thứ 4 hướng ra biển.

Nếu muốn tấn công bằng đường bộ, Mỹ phải được các nước láng giềng của Tehran cho phép đi qua lãnh thổ của họ để tiếp cận biên giới Iran, tuy nhiên, "cơ hội này rất nhỏ".

Điểm yếu lớn nhất của Iran là chênh lệch công nghệ, đặc biệt là trên không và trên biển. Mỹ sẽ giành được ưu thế trên không, mặc dù cuộc chiến này đối với họ sẽ không dễ dàng như ở Iraq.

Theo ông Barndollar, trong trường hợp nổ ra chiến tranh, khó có thể nói chắc nước nào sẽ sẵn lòng hỗ trợ quân sự cho Iran để đối đầu Mỹ nhưng “nếu cuộc chiến này kéo dài thì Nga chắc chắn sẽ muốn Mỹ gặp bất lợi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại