Chuyến đi cuối cùng đầy bí ẩn của tàu ngầm U-234: Hai người Nhật Bản, thanh gươm Samurai cũ và thùng hàng lạ ký hiệu U-235

Xuân Hoài |

Tàu ngầm Đức U-234 đã có cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm vào những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ II.

Chiến tranh đã kết thúc, một tàu ngầm Đức vẫn tiếp tục chạy về hướng Nhật Bản. Trong tàu chứa: Các bản thiết kế, 560 kg uranoxid, hai người Nhật Bản và một thanh gươm Samurai cũ kỹ - một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm.

Vào tháng 3/1945, Hạ sĩ quan về điện đài Wolfgang Hirschfeld quan sát thấy một sự kiện lạ: Khi chất hàng lên tàu ngầm U-234 trong cảng Kiel, ông thấy hai người Nhật đứng bên một cái thùng lớn. Họ dùng mực tàu viết lên những cái bọc để các thuỷ thủ chuyển xuống khoang tàu.

"Những cái bọc đó cỡ 25x25cm, được bọc bằng giấy dầu, dán lại và nặng như chì. Bên trên có dòng chữ 'U-235'. Trả lời câu hỏi của tôi "Trong bọc chứa cái gì vậy?', một người Nhật tên Hideo Tomonaga nói: 'Hàng chở từ U-235. Không đưa tới Nhật Bản đâu'", ông Hirschfeld kể lại với tờ Spiegel (Đức).

Hirschfeld điều tra: U-235 chưa bao giờ có liên hệ với Nhật Bản. Hay người đàn ông Nhật này đang nói dối?

Ông đã đúng khi nghi ngờ điều này bởi dòng chữ "U-235" không có nghĩa là tàu ngầm. Đây là viết tắt cho uranium 235 – chất đồng vị uranium phân hạch, từ đó có thể chế tạo vũ khí nguyên tử.

Các vị hành khách cao cấp và đồ án bí mật

Khi cuộc chiến tranh ở châu Âu sắp đến hồi kết, chính quyền Đức quốc xã vẫn có kế hoạch giúp đồng minh Nhật Bản. Dưới sự chỉ huy của Dịch vụ đặc biệt hàng hải, chuyên trách những phi vụ bí mật, tàu ngầm rải mìn U-234 được cải trang thành tàu vận tải: Các khoang chứa mìn được cải tạo thành khoang chứa hàng, lắp thêm bồn xăng phụ để có thể đạt tầm đi xa là 18.000 hải lý và lương thực, thực phẩm dự trữ đủ dùng trên 9 tháng. U-234 được trang bị ống thở cho các chuyến đi ngầm dài ngày và có hệ thống radar vào loại hiện đại nhất thời đó để chống lại các cuộc tấn công từ trên không.

Chuyến đi cuối cùng đầy bí ẩn của tàu ngầm U-234: Hai người Nhật Bản, thanh gươm Samurai cũ và thùng hàng lạ ký hiệu U-235 - Ảnh 1.

Tàu ngầm U-234.

Một số hành khách thuộc diện cao cấp cùng đi trong chuyến này, ví dụ một vị tướng không quân và một số chuyên gia chế tạo tên lửa, tàu chiến và máy bay, trong số này có hai sỹ quan người Nhật là Hideo Tomonaga và Genzo Shoji.

Theo danh mục hàng vận chuyển đi cùng thì có các bản thiết kế chế tạo tên lửa và máy bay như loại máy bay chiến đấu phản lực Messerschmitt 262 và 560 kg uranoxid, từ đó có thể điều chế khoảng 500 gram uranium có thể làm vũ khí hạt nhân.

Cuốn nhật ký bị cấm

Trong chuyến đi lần này, Hạ sĩ quan Hirschfeld đã làm một việc bị cấm, đó là viết nhật ký. Những ghi chép của ông về U-234 đã bị Mỹ tịch thu sau chiến tranh. Năm 1947, ông nhớ lại những điều đã ghi, lấy đó làm tư liệu để viết cuốn sách tựa đề "Feindfahrten: Das Logbuch eines U-Bootfunkers".

Một số điều khá mơ hồ, một số điều khác thì không thể kiểm chứng. Tuy nhiên những ký ức của Hirschfeld là nguồn thông tin chủ yếu về hoạt động của hai người Nhật trên tàu. Theo đó Shoji là chuyên gia về thiết kế máy bay, Tomonaga là kỹ sư tàu ngầm. Người đàn ông này còn mang theo một thanh kiếm Samurai 300 năm tuổi:

"Trong một buổi lễ trang trọng tổ chức tại Kiel, thanh kiếm này được trao cho vị chỉ huy tàu là Johann-Heinrich Fehler cất giữ cho suốt chuyến đi trước sự hiện diện của Đại sứ Nhật Bản Oshima. Qua đó người Nhật cho thấy họ đã trao tính mạng của mình cho vị chỉ huy tàu; bản thân họ không có trong người một thứ vũ khí nào khác", Hirschfeld kể lại.

Ngày 15/4/1945, tàu ngầm bắt đầu chuyến đi.

Những ngày đầu tiên, con tàu hầu như không hiện lên khỏi mặt nước. Quân đồng minh thả phao sonar để máy bay của họ có thể thả bom nước chính xác hơn. Tuy vậy, U-234 vẫn giấu mình rất tốt và chưa bị phát hiện. Chỉ có một hôm, bữa đó trời tối đen như mực, tàu ngầm đến độ sâu ống thở thì xuýt đụng phải tàu vận tải.

Hirschfeld viết: "Chúng tôi luồn bên dưới một con tàu chở hàng. Chúng tôi sợ nó sẽ hút mình lên và cạo sạch ngọn tháp bằng chân vịt của nó".

Khẩu lệnh vẫn là hướng tới Nhật Bản

Những ngày bình thường trong chiến tranh. Không khí trong khoang tàu ngày một căng thẳng hơn, có vẻ như cuộc chiến đang đi đến hồi kết. Ngày 4/5/1945 - Hitler thiệt mạng – chính phủ kế nhiệm dưới sự chỉ huy của đại Đô đốc Dönitz ra lệnh chấm dứt cuộc chiến tàu ngầm.

Nhưng U-234 vẫn tiếp tục cày ải dưới biển Đại Tây Dương. Thông tin liên lạc khó khăn hơn, quân đồng minh đã chiếm được đài làn sóng dài "Goliath" của hải quân ở Magdeburg. Từ đó mọi liên lạc đều phải dùng làn sóng ngắn.

Đến ngày 8/5/1945, nước Đức đã đầu hàng. Các tàu ngầm không được phép liên lạc mã hoá. U-234 có thể "tiếp tục chạy hay ghé vào Bergen" ở Na Uy rồi quay lại, Hirschfeld nhớ lại, bức điện vô tuyến đó vẫn mã hoá. Nhưng thuyền trưởng Fehler không muốn quay lại.

"Khẩu lệnh vẫn là Nhật Bản. Nhưng sau đó chúng tôi nhận được một tin, nội dung là nước Nhật đã cắt quan hệ ngoại giao với nước Đức. Như vậy có nghĩa là chuyến đi của chúng tôi trở nên vô nghĩa. Tư lệnh Hải quân Dönitz ra lệnh khẩn, yêu cầu các tàu ngầm đầu hàng".

Không lâu sau đó, qua điện đài, thuỷ thủ nghe lệnh, quẳng đạn pháo xuống biển, vô hiệu hoá thuỷ lôi. Treo cờ đen biểu thị sự đầu hàng. Thuyền trưởng Fehler lưỡng lự. Liệu các thông tin này có phải là sự đánh lừa của quân đồng minh?

"Đối phương sẽ giết chúng ta?"

Đến ngày 11/5, cuộc chiến ở châu Âu đã kết thúc được ba ngày, nhưng những người ở trong khoang tàu thì thấy không có gì chắc chắn. "Đối phương sẽ kết liễu chúng ta khi chúng ta đến với lá cờ đen này?". Không phải chỉ có Hirschfeld nêu câu hỏi đó.

"Kể từ khi khởi hành, chúng tôi chấm dứt hoàn toàn mọi sự liên lạc. Không ai có thể biết liệu chúng tôi có còn tồn tại hay không", ông nói.

Lúc này, thuyền trưởng Fehler tin các bức điện đó là thật, vì cũng có một tàu ngầm Đức xác nhận bằng điện tín. Lẩn trốn thì được gì hay để sau này bị tuyên án là tội phạm chiến tranh? Mấy người Nhật phản đối. Họ đoán chắc người Đức sẽ không bị bỏ tù ở Nhật Bản nhưng thuyền trưởng Fehler muốn đầu hàng.

Cuộc chiến với tử thần ở trong hầm tàu

Chuyến đi cuối cùng đầy bí ẩn của tàu ngầm U-234: Hai người Nhật Bản, thanh gươm Samurai cũ và thùng hàng lạ ký hiệu U-235 - Ảnh 2.

U-234 đầu hàng USS Sutton, ngày 13/5/1945.


Đến khoảng giữa tháng 5/1945, thuyền trưởng nhận được báo cáo hai người Nhật ở trong khoang của họ bị bất tỉnh, chỉ còn thở khò khè. Trước đó họ đã ngỏ ý chia tay, mọi người lại không linh cảm thấy điều gì bất thường. Theo Hirschfeld thì Tomonaga đã tháo chiếc đồng hồ Thuỵ sỹ của mình để tặng lại cho ai đó. Có lẽ họ đã uống thuốc ngủ liều cao và mặc dù được lay, gọi nhưng không ai nhúc nhích. Một lá thư vĩnh biệt được tìm thấy trong túi đi biển:

"Các bạn hãy để chúng tôi yên ổn ra đi. Hãy mai táng chúng tôi trên đại dương".

Ngoài ra, hai người Nhật còn đề nghị ném hành lí của họ cùng với tài liệu mật xuống biển.

Cùng lúc đó diễn ra sự đấu tranh căng thẳng về chuyện đầu hàng. U-234 lúc này ở Đại Tây Dương chính giữa các khu vực của lực lượng đồng minh. Thuyền trưởng Fehler không muốn bị tống vào nhà tù của Canada và của Anh. Ông cho tàu đi vào vùng biển của Mỹ. Trạm liên lạc ở Halifax, Canada gửi máy bay tới và yêu cầu chỉnh lại hướng đi. Hirschfeld buộc phải báo sai về vị trí để có thêm thời gian.

Tàu khu trục Mỹ USS Sutton nhận điện và liên lạc với U-234. Sau đó, theo Hirschfeld, đội ngũ tàu mới tiến hành mai táng cho hai người Nhật.

"Lúc này mọi sự diễn ra rất nhanh chóng. Xác hai người được bọc trong võng của họ và buộc chặt lại, đưa lên bong và cho thêm vật nặng để xác chìm xuống biển. Sau đó là lệnh: 'Hai máy ngừng hoạt động!' Mười phút im lặng trên cầu tàu và trong tàu. Thanh kiếm Samurai được để bên cạnh Tomonaga".

Dấu vết uranium của Đức

Ít lâu sau cuộc chiến tranh cũng kết thúc với U-234 . Ngày 19/5, tàu khu trục USS Sutton cùng với tàu ngầm chiến lợi phẩm đi vào căn cứ hải quân Portsmouth. Hirschfeld và một số sỹ quan bị tạm giam một thời gian, sau đó họ phải giới thiệu các chi tiết kỹ thuật về con tàu với người Mỹ. Mãi đến lúc này Hirschfeld mới hiểu dòng chữ "U-235" trên các kiện hàng nghĩa là gì, khi người Mỹ dùng máy thăm dò săm soi con tàu.

Ngày 6/8/1945, Mỹ ném bom nguyên tử “Little Boy” xuống Hiroshima, ba ngày sau quả bom thứ hai xuống Nagasaki.

Theo Hirschfeld, cho đến hôm nay vẫn tồn tại câu hỏi, liệu trong những quả bom này có chứa một phần uran được làm giàu từ tàu ngầm U-234. Phải chăng người Đức đã vô tình thúc đẩy các vụ ném bom đó diễn ra sớm hơn?.

Ngày nay phần lớn các chuyên gia cho rằng điều này là có thể nhưng rất khó xảy ra. Tuy uranoxid của Đức đã được đưa đến cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Mỹ, tại đây có thể được dùng để điều chế được uranium 235 nhưng nguyên liệu này có được dùng trực tiếp vào chương trình vũ khí nguyên tử tối mật hay không, thì không ai chứng minh được. Hơn nữa, thời gian quá hạn hẹp.

Hai năm sau tàu ngầm U-234 đã bị đánh đắm trong một cuộc tập trận ở ngoài khơi Massachusetts.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại