Chiến trường K: Giữa sống chết vẫn tán gái bằng tay - Chuyện dân địch vận

Lê Tài |

Có lần đang "nói chuyện" bằng cách vẽ trên đất bị cô cầm lấy tay, tôi giật mình rụt tay lại. Phản xạ tự nhiên đó làm cô gái xịu mặt ngượng nghịu, suốt buổi không nói gì thêm.

Giúp bạn lập chính quyền trên chiến trường K

Tháng 2 /1979, Trung đoàn 866, Sư đoàn 31 từ Angkor truy quét địch đến Vairin phía tây bắc Xiêm Riệp. Sau những trận đánh ác liệt, chúng tôi lui về trục đường 662, chốt ở phum Svaiso.

Do ở ngay bên đường 662 nên mỗi khi có xe chở thương binh tử sỹ về thị xã Xiêmriệp, bọn tôi lại chạy ra nhìn theo để tìm người quen. Con đường vốn vắng người đi lại, bắt đầu có những tốp dân lếch thếch trở về phum cũ.

Một hôm, anh Minh đại đội trưởng dẫn 2 thằng lính Khmer Đỏ đến giao cho tôi quản và dặn: Đây là 2 hàng binh, ta đang định vận động chúng gia nhập quân của Hêngsomrin, cậu phải có trách nhiệm.

Chiến trường K: Giữa sống chết vẫn tán gái bằng tay - Chuyện dân địch vận - Ảnh 1.

Tác giả Lê Tài - Nguyên C Đại đội phó C7, D2, E866, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam.

Hồi đó trên chủ trương giao cho các đơn vị vừa đánh địch vừa tham gia giúp bạn lập chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang.

Chúng tôi chỉ biết chiến đấu, ít tiếp xúc với dân, tiếng K chỉ biết để hỏi đường, bắt tù binh cùng vài câu linh tinh. Kinh nghiệm dân vận không có nên gặp nhiều khó khăn.

Lo nhỡ hai hàng binh ở cùng cướp súng bắn lính ta rồi chạy nên tôi cho ở căn hầm bên cạnh. Bằng ngôn ngữ của tay, tôi bảo với họ không được tự do đi lại, không được đến gần nơi bộ đội Việt ở, nếu không sẽ bị bắn.

Họ cũng hiểu, gật đầu lia lịa. Hàng ngày hai người ngoan ngoãn đi lại trong khu vực quy định, đến bữa ăn cùng mâm với lính ta.

Một bữa không có gì ăn, tôi xé gói bột canh "3 con tôm" rắc vào bát cơm của họ. Thấy thế, cả hai mặt tái mét không dám thò đũa, nhìn tôi trân trân.

Đoán họ nghĩ bị bỏ thuốc độc, tôi lấy phần sót lại trong gói rắc lên bát cơm của mình, ăn ngon lành. Thấy tôi và mọi người đều ăn thứ bột đó, cả hai mới yên tâm ăn. Lần đầu tiên ăn bột canh, họ vừa ăn vừa gật đầu, hình như khen ngon.

Sau bữa đó họ tình nguyện dẫn chúng tôi đi lấy súng cất giấu trong rừng, tự giác giúp nuôi quân nấu ăn.

Nhớ đến nhiệm vụ anh Minh giao nên có lần tôi bảo hai người: "Hai anh đi bộ đội Hêng Som Rin đi" và chỉ vào người họ ra hiệu cởi bộ quần áo đen, mặc quân phục của tôi rồi nói thêm: "đánh Polpot". Họ có vẻ hiểu nhưng im lặng.

Mấy ngày sau, xe trung đoàn chở đầy thanh niên Campuchia đến chỗ chúng tôi dừng lại. Trợ lý dân vận trung đoàn xuống xe hỏi tôi về 2 hàng binh, bảo đưa lên xe chở ra Xiêm Riệp nhập ngũ.

Giữa sống chết vẫn tán gái bằng tay

Tôi trao đổi chuyện đã qua rồi nói "Anh biết tiếng đi mà vận động, tôi chỉ làm được đến đó". Trợ lý dân vận nói liến thoắng, hai hàng binh vui vẻ mang ba lô, chắp tay chào mọi người, lên xe.

Hai hàng binh được đưa nhập ngũ buổi sáng thì chập tối có 2 mẹ con cô gái đi từ hướng Vairin ra, trải một tấm nilon nhỏ nằm co quắp dưới gốc cây xoài chỉ cách hầm tôi hai ba chục mét. Không nỡ đuổi họ đi nhưng tôi cũng phải dặn anh em tối canh gác cẩn thận.

Chiến trường K: Giữa sống chết vẫn tán gái bằng tay - Chuyện dân địch vận - Ảnh 3.

Bộ đội huấn luyện chiến đấu. Ảnh minh họa.

Những tưởng họ sẽ đi tiếp nhưng đến trưa hôm sau vẫn thấy ở đó. Khi trung đội trưởng Bảo đến, ra hiệu cho họ rời chỗ. Cô gái chỉ vào đôi chân sưng phù của bà mẹ lắc đầu.

Sau khi dùng cả tiếng Việt và tay nói chuyện với 2 người một lúc, anh đến bảo tôi họ hết cái ăn và không đi được nữa. Nghe vậy tôi bảo Lâm nuôi quân bớt cho họ mấy cân gạo để họ tự nấu ăn. Y tá Công cũng khoác túi đến xem xét và cho bà mẹ mấy viên thuốc uống.

Rảnh rỗi, tôi rủ Bảo đến nói chuyện với 2 mẹ con. Tôi bập bẹ vài tiếng Campuchia, cô gái cũng biết vài tiếng Việt nhưng chừng đó chưa đủ.

Khi hai bên đã hết vốn liếng thì cô hỏi tôi: "Di ây Ăng lê, riên di ây Ph’răng?". Tôi hiểu cô hỏi có nói được tiếng Anh tiếng Pháp không?

Tôi liền đùa: Miên (có), rồi nói cả tiếng Anh: "Hen sấp", tiếng Pháp "Hô lê manh" là khẩu lệnh hồi nhỏ thường cùng lũ trẻ con hô để bắt tù binh "giơ tay lên" khi chơi trò đánh du kích trong những đêm trăng sáng, làm cô cười vui vẻ.

Cô dùng que viết chữ Anh rồi chữ Pháp xuống đất. Tôi không hiểu gì lắc đầu: Ot chê (không biết).

Nghĩ xấu hổ khi cô ta biết hai ngoại ngữ mà mình không biết, tôi liền lấy que viết xuống đất câu chào bằng tiếng Nga, rồi vẽ lá cờ búa liềm của Liên xô để trả lời là tôi học tiếng Nga. Cô gái gật đầu rồi hỏi tôi ở Hà Nội? Tôi cũng gật. Thế là hòa! Cô biết ngoại ngữ, tôi cũng biết chứ bộ.

Đoán chừng cô gái này có học vấn khá nên tôi làm động tác cuốc đất, đếm tiền, viết chữ… để hỏi cô làm ruộng hay buôn bán, công chức? Cô gái làm điệu bộ viết lên bảng và tôi hiểu cô là cô giáo.

Tôi và Bảo nói chuyện bằng đủ kiểu với 2 mẹ con, mãi rồi cũng hiểu được bố và chồng cô gái bị lính Pôn pốt giết. Nhà 2 người ở thị xã Xiêm Riệp, bà mẹ ở nhà nội trợ, cô gái là cô giáo cấp 1. Họ bị đưa vào Vairin đã mấy năm,quân ta đánh vào giải thoát nay trở về. Cô mời chúng tôi ghé thăm nhà ở gần hồ nuôi cá sấu khi có dịp.

Chiến trường K: Giữa sống chết vẫn tán gái bằng tay - Chuyện dân địch vận - Ảnh 4.

Bộ đội huấn luyện chiến đấu. Ảnh minh họa.

Còn hai mẹ con hiểu chúng tôi quê ở miền Bắc Việt Nam, là học trò đi bộ đội để đánh Pôn pốt, vì Polpot "vay chi chuân Việt nam" (Polpot đánh nhân dân Việt Nam)…

Hôm nào không đi tuần đường tôi lại ra ngồi nói chuyện với mẹ con cô gái, hình như họ cũng mong vì mỗi lần thấy tôi, niềm vui của họ hiện rõ trên nét mặt. Có lần đang "nói chuyện" bằng cách vẽ trên đất bị cô cầm lấy tay, tôi giật mình rụt tay lại. Phản xạ tự nhiên đó làm cô gái xịu mặt ngượng nghịu, suốt buổi không nói gì thêm.

Tuổi hai mươi chưa có người yêu, chỉ chừng đó cũng làm tôi nghĩ vẩn vơ rồi ngại gặp riêng cô. Bảo vẫn hay ra nói chuyện cười đùa với họ, làm tôi cũng lo lỡ ra hắn liều thì nguy.

Được mấy hôm chân bà mẹ đã đỡ, sức khỏe 2 người khá hơn. Xe sư đoàn chạy ra, tôi xin cho họ đi nhờ về Xiêm Riệp. Khi lên xe, hai mẹ con chắp tay chào tôi và luôn miệng: "Ocun lục thum" (Cảm ơn ông lớn).

Cô gái đưa cho tôi lá thư viết bằng bút chì, chữ Pháp kín cả tờ giấy học trò không ai đọc được. Nhưng nhìn mấy con số và chữ viết hoa tôi đoán đó là địa chỉ của nhà cô. Tôi đưa lá thư cho Bảo.

Rồi chiến trận cuốn hút không ai nhớ đến lá thư. Tháng 6 năm 1979 đơn vị ra biên giới phía Bắc. Trung đội trưởng Bảo phục viên, còn tôi vẫn phục vụ trong quân đội.

Mấy chục năm sau chúng tôi mới gặp nhau. Ôn chuyện cũ, tôi hỏi lại Bảo. Bảo nói do không đọc được nên đã để mất lá thư. Thật tiếc!

Cô giáo tiếng Pháp ngày xưa trên chiến trường K, giờ này em ở đâu?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại