Xung đột Gaza mở rộng: Loạt thế lực đáng gờm ở Trung Đông kéo vào cuộc chiến, Mỹ tiến thoái lưỡng nan

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Cuộc chiến Israel - Hamas tại Gaza đang mở rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông, Mỹ trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, phải đối phó trên nhiều mặt trận.

Cuộc chiến của Israel tại Gaza đang lôi kéo sự tham gia của các nước khu vực Trung Đông vào cuộc. Ngay sau khi bùng nổ xung đột Israel - Hamas từ tháng 10/2023, Mỹ đã trực tiếp can dự, đứng hoàn toàn về phía Israel thông qua viện trợ tài chính khẩn cấp và đưa lực lượng quân sự tới khu vực. 

Để chia lửa với Hamas, các tổ chức vũ trang Hồi giáo ở Lebanon, Yemen, Iraq, Syria, Iran... tăng cường nhắm vào các lợi ích của Israel và Mỹ. Ngọn lửa của một cuộc chiến tranh quy mô lớn đang lan rộng ra toàn bộ khu vực.

Hezbollah và Lebanon

657c592c203027540c1dc57b-17026555830131112542957.webp

Các chiến binh Hezbollah - Ảnh: RT/GETTY IMAGES

Ngay từ đầu tháng 10/2023, khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ, nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon đã tuyên bố sẽ "chia lửa" với Hamas ở Gaza và bắt đầu các cuộc tấn công vào các vị trí của quân đội Israel ở miền Bắc Israel. Đến nay, các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái UAV của Hezbollah vào lãnh thổ Israel ngày càng mạnh mẽ hơn.

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đáp trả bằng đại bác và súng cối, thậm chí gần đây còn dùng xe tăng và máy bay trực thăng tấn công các cơ sở của Hezbollah ở miền nam Lebanon. Mặt trận Hezbollah - Israel dọc biên giới giữa Lebanon và Israel đã được mở ra và tiếp tục leo thang căng thẳng.

Bên cạnh đó, Không quân Israel liên tục ném bom các sân bay Damascus và Aleppo của Syria nhằm cắt đứt các kênh cung cấp vũ khí cho Hezbollah từ Iran. Đáp lại, các máy bay không người lái cảm tử đã được phóng đi từ Syria vào lãnh thổ Israel.

Tel Aviv cũng lập kế hoạch tấn công miền nam Lebanon nhằm đẩy các lực lượng Hezbollah tới sông Litani, cách xa biên giới Israel.

Mặt khác, Israel liên tục nã tên lửa vào các vị trí của Hezbollah và lữ đoàn Quds của Iran đóng ở Syria. 

Mới đây, phía Iran cáo buộc cuộc tấn công tên lửa của Israel đã giết chết thiếu tướng Sayed Reza Mousavi, một trong những cố vấn quân sự chính của vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) Iran tại Syria. Tuy nhiên, Israel không xác nhận hay bác bỏ thông tin này.

Việc Israel tuyên bố ám sát phó lãnh đạo văn phòng chính trị Hamas, Saleh Al-Arouri ở Beirut hôm 2/1 càng làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Iraq và Syria

Ngày 4/1/2023, Mỹ đã không kích vào trụ sở của phong trào "Al-Nujaba" thuộc lực lượng Hashd Sha'abi thân Iran ở thủ đô Baghdad của Iraq, giết chết thủ lĩnh của phong trào này Mushtaq Talib Al-Saidi và một trong những phụ tá của ông. 

Cùng ngày, "Phong trào kháng chiến Hồi giáo" ở Iraq đã tấn công ngay vào 3 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria bằng tên lửa và máy bay không người lái. Phong trào "Al-Nujaba" tuyên bố cuộc tấn công này là nhằm đáp trả hành động của Mỹ và việc Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc chiến ở Dải Gaza.

5563187178137267785a-My-7915-1-9463-7289-1703547803.jpg

Trực thăng Mỹ đậu tại căn cứ không quân ở tỉnh Erbil. Ảnh: Rudaw

Căn cứ Harir của Mỹ, gần sân bay Erbil ở miền bắc Iraq, căn cứ "Qasrak" của Mỹ ở Hasakah của Syria và một mục tiêu quân sự của Israel ở cao nguyên Golan bị chiếm đóng đã bị tấn công. Các Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq cũng đã tấn công bằng tên lửa tầm xa vào một số mục tiêu quan trọng của Israel ở Haifa.

Trước đó, từ ngày 17/10/2023, các nhóm vũ trang thuộc tổ chức "Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq" thân Iran đã tiến hành 115 cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria. Rạng sáng ngày 6/1/2024, tổ chức này đã tấn công vào hai căn cứ quân sự "Al-Tanf" và "Al-Shaddadi" của Mỹ ở sâu bên trong lãnh thổ Syria bằng máy bay không người lái.

Họ tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq và Syria để trả đũa cho các thương vong mà Israel gây ra đối với thường dân Palestine ở Gaza.

Vụ tấn công đã làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính phủ Iraq. Chính phủ Iraq đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công này của Mỹ, coi đây là hành động vi phạm độc lập, chủ quyền của Iraq.

Houthi và Biển Đỏ

my-hai-quan-1.jpg

Lực lượng Houthi liên tục nhắm vào các tàu liên quan đến Israel tại Biển Đỏ. Ảnh: CNN

Biển Đỏ cũng đang dậy sóng. Các lực lượng Houthi ở Yemen (được Tehran hậu thuẫn) đã liên tục tấn công vào các tàu chở hàng của Israel và các tàu của Mỹ nhằm gây sức ép buộc Israel phải chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. 

Từ ngày 19/11/2023 đến nay, Houthi đã tiến hành 26 cuộc tấn công vào các tàu thương mại của Israel và tàu Hải quân Mỹ.

Lấy lý do đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đỏ, Mỹ đã thành lập một liên minh quốc tế với sự tham gia của 12 nước, triển khai chiến dịch “Người bảo vệ Thịnh vượng”. Mỹ đưa tàu sân bay USS Eisenhower, Pháp đưa các tàu khu trục Carney, Mason, Languedoc và Anh đưa tàu khu trục Diamond đến khu vực. Căn cứ hải quân Hạm đội 5 của Mỹ ở Bahrain được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Trọng hai ngày 9-10/1/2024, quân đội Mỹ cho biết, hải quân Mỹ và Anh đã bắn hạ tổng cộng 38 máy bay không người lái và 3 tên lửa của Houthi, đẩy lùi cuộc tấn công lớn nhất của Houthi ở Biển Đỏ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza.

Trước đó, hải quân Mỹ đã bắn hạ 24 tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái do Houthi phóng đi từ Yemen, đồng thời bắn chìm 3 tàu của Yemen làm 10 tay súng Houthi thiệt mạng. Đây là cuộc đụng độ lớn nhất giữa Houthi và Mỹ trong thời gian gần đây.

Tổng thống Joe Biden đã thảo luận với nhóm cố vấn an ninh quốc gia về các phương án chống lại Houthi, kể cả dùng biện pháp quân sự. Mặc dù Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 10/1/2024 thông qua nghị quyết yêu cầu Houthi chấm dứt tấn công các tàu ở Biển Đỏ, Bộ chỉ huy nhóm này tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục các cuộc tấn công vào các tàu đi đến Israel cho đến khi Tel Aviv chấm dứt cuộc chiến tại Gaza.

Bờ Tây

Bạo lực giữa các tay súng Palestine và Israel bùng nổ dữ dội tại Jenin, Nazareth, Tulkaram, Qalqilya, Ramallah, Al-Bireh và nhiều thành phố khác tại Bờ Tây. 

Người đứng đầu văn phòng chính trị của Phong trào Hamas, Ismail Haniyeh, mô tả những gì đang xảy ra ở Bờ Tây là sự leo thang hết sức nguy hiểm, không loại trừ khả năng tiến tới một cuộc xung đột vũ trang lớn.

Iraq đòi Mỹ rút quân

Việc các lực lượng Mỹ đóng tại Iraq tấn công trụ sở của "Phong trào Al-Nujaba" và các nơi đồn trú của "Hashd Sha'abi" của người Shia ở Baghdad đã dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Iraq, đòi Mỹ phải rút toàn bộ quân đội khỏi Iraq. 

Hiện nay, Mỹ có 2.500 quân ở Iraq và khoảng 900 quân ở Syria trong khuôn khổ “Liên minh quốc tế chống khủng bố IS” được thành lập năm 2014, thực tế là để duy trì ảnh hưởng của Washington tại Iraq và khu vực.

Việc quân đội Mỹ tấn công các cơ sở của Al-Nujaba và Hashd Sha'abi mà không được phép của chính phủ Iraq là hành động mà Baghdad không thể chấp nhận. 

Người phát ngôn quân đội Iraq, Thiếu tướng Yahya Rasoul, tuyên bố "các cuộc tấn công của Mỹ giết chết thủ lĩnh của Phong trào Al-Nujaba và Hashd Sha'abi vừa qua là hành động khủng bố", vi phạm thô bạo độc lập, chủ quyền của Iraq. 

Thủ tướng Iraq ông Muhammed Shiaa Al-Sudani đã đề nghị thành lập một ủy ban song phương với Mỹ để thỏa thuận về lịch trình rút tất cả các lực lượng của Mỹ khỏi Iraq.

Mỹ đề nghị Iran giải quyết toàn bộ các vấn đề Trung Đông

Cuộc khủng hoảng hiện nay đã chứng tỏ rõ ràng sự thất bại trong chiến lược dài hạn của Mỹ ở Trung Đông, đẩy vấn đề Israel - Palestine vào bế tắc và các vấn đề khác không có giải pháp. 

Mỹ đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, cùng một lúc phải đối đầu trên nhiều "mặt trận": Các cuộc khủng hoảng Trung Đông, vấn đề Ukraine, cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ đang đến gần...

Trong bối cảnh đó, Washington vừa gửi cho Tehran một một bức thư đề nghị giải quyết toàn bộ các vấn đề của khu vực Trung Đông chứ không phải một phần của cuộc xung đột. Đại sứ Iran tại Damascus, Hussein Akbari đã xác nhận điều này và nói, Washington không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh quy mô rộng mà Tel Aviv muốn lôi kéo vào khu vực.

AP24009695110842-e1704852355793.jpg

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trong cuộc họp báo ở Tel Aviv, ngày 9/1/ 2024. Ảnh: AP

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đến thăm Trung Đông lần thứ tư trong vòng ba tháng nhằm thuyết phục Israel ngừng bắn ở Gaza và thảo luận với các đối tác khu vực nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.

photo-1-16944875072561360313655.webp

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, trong tình hình hiện nay để nghị của Mỹ giải quyết toàn bộ các vấn đề khu vực là thiếu thực tế. 

Vấn đề cơ bản hiện nay là giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel - Palestine luôn luôn bị Tel Aviv bác bỏ. Việc Iran đòi Mỹ bỏ cấm vận, quay trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA (ký kết năm 2015) cũng không được Washington chấp nhận. 

Việc đàm phán để đạt được giải pháp cho hai vấn đề kể trên, chứ chưa nói đến các vấn đề khác cũng phải mất nhiều năm. 

Việc cấp bách hiện nay là các bên phải ngừng bắn, chấm dứt thảm họa nhân đạo tại Gaza, bước vào đàm phán để giải quyết hậu quả của cuộc chiến và tìm ra giải pháp lâu dài và bền vững cho cuộc xung đột.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại