Chị Trâm và dòng lưu bút tặng người lính tàu không số

Bùi Thị Hương - Bảo tàng Hải quân |

Bảo tàng Hải quân lưu giữ một hiện vật đặc biệt gắn với anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Đó là cuốn sổ kỷ niệm của Cựu chiến binh Lưu Công Hào, nguyên chiến sĩ hàng hải tàu 43 thuộc Đoàn vận tải 125 được bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết lưu bút trước khi chia tay trở về miền Bắc sau một tháng dưỡng thương tại bệnh xá Đức Phổ (Quảng Ngãi). Trong lần tiếp nhận hiện vật, chúng tôi được ông kể lại những kỷ niệm đặc biệt này.

Lần giở từng trang giấy đã ngả vàng nhưng vẫn còn đậm nguyên màu mực, như sức sống mãnh liệt của người viết. Dừng lại ở trang viết của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, đôi mắt người lính biển năm xưa bỗng hoen đỏ khi ký ức gợi trở về. Ông chậm rãi đọc lại từng dòng:

"Hào, em thương quý. Gặp em chị như thấy cả quê hương trong đôi mắt nhìn thắm thiết, trong giọng nói thân quen, trong tiếng cười ấm áp của em.

Muốn nói cho em nghe tất cả từ nỗi nhớ niềm thương yêu của một người con xa quê đến sự sung sướng tự hào vì được gặp em trong cuộc chiến đấu vĩ đại này và những suy nghĩ về riêng tư của chị nữa nhưng... có lẽ có dịp nào đó chị sẽ viết thư nói cho em nghe nếu như ra đi em vẫn còn nhớ thương người chị MB này.

Bây giờ thời gian ngắn ngủi chị chẳng biết nói gì cho đủ, gửi vào trang sổ nhỏ này tình thương đậm đà như màu đất quê hương của chị. Hãy giữ gìn lấy nó nghe em. Mong ước một ngày không xa nữa chị sẽ đến Đồ Sơn nghỉ mát và một buổi chiều nào đó trên bãi biển Đồ Sơn chị lại được gặp em, được nắm tay em (cánh tay đau đã làm em mất ngủ mấy đêm ở trạm này lúc ấy đã lành từ lâu rồi em nhỉ).

Nhớ gửi thư nhiều cho chị nghe em.

Thương nhớ em mãi

Đặng Thuỳ Trâm!"

Chị Trâm và dòng lưu bút tặng người lính tàu không số - Ảnh 1.

Những dòng lưu bút của bác sĩ Đặng Thùy Trâm - Ảnh Bảo tàng Hải quân.

Chuyến tàu anh dũng

Cuộc đời chị Trâm là bài ca tươi đẹp, là tấm gương soi sáng tâm hồn, giúp chúng ta sống đẹp, sống tốt hơn, có ích hơn trong cuộc đời này. Trong dòng ký ức, ông Hào bùi ngùi: Những ngày đầu năm 1968, tàu 43 của chúng tôi được lệnh chở vũ khí vào huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) để phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Trên đường hành trình bị địch phát hiện và theo dõi, anh em giả vờ đánh bắt cá, lòng vòng mãi trên biển, đến đêm thứ ba tàu đến vùng biển Quảng Ngãi, nhằm hướng bến Ba Làng An thẳng tiến. Khi cách bến khoảng 15 hải lý thì tàu chiến và máy bay địch xuất hiện.

Chúng bắn pháo sáng rồi nã pháo tới tấp sang tàu 43, khép dần vòng vây quyết bắt sống chúng tôi. Thuyền trưởng hạ lệnh chiến đấu. Ngay loạt đạn đầu tiên một tàu địch bị cháy. Máy bay địch trút đạn xuống tàu. Mặt biển sôi sục, tiếng súng ĐKZ, 12,7mm nổ rền. Một trực thăng UH-1A trúng đạn, bốc cháy lao xuống biển.

Quân địch kéo đến càng đông, cuộc chiến không cân sức giữa tàu 43 và hàng chục tàu chiến, máy bay địch diễn ra quyết liệt. 3 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương, tàu 43 bị mắc cạn. Trong tình huống hiểm nguy, thuyền trưởng hạ lệnh đập khói mù, cho anh em khiêng tử sĩ, thương binh lên bờ và ra lệnh hủy tàu.

Chị Trâm và dòng lưu bút tặng người lính tàu không số - Ảnh 2.

Một chuyến tàu không số - Ảnh Tư liệu BT Hải quân.

Khi những tiếng nổ ầm ầm vang dậy cả một vùng biển, con tàu thân yêu hóa thân vào biển khơi cũng là lúc chúng tôi đã nằm trong vòng tay che chở của đồng bào thôn Quy Thiện (Phổ Hiệp, Quảng Ngãi).

Mười ngày đêm nằm hầm bí mật trong tình trạng thương vong, nếu không có sự đùm bọc, che chở của người dân nơi đây chắc chúng tôi khó mà qua được.

Đường đến bệnh xá Đức Phổ cực kỳ khó khăn bởi phải vượt qua những vùng trắng, nơi giáp ranh giữa đồng bằng và miền núi - tại đây địch luôn phục kích và đã giết hại hàng chục người. Hai lần đi phát hiện có địch, phải quay lại. Đến đêm thứ ba mới trót lọt. Qua một ngày rưỡi xuyên rừng vất vả, chúng tôi mới tới được bệnh xá Đức Phổ.

Những kỷ niệm ở bệnh xá Đức Phổ

Nhớ mãi kỷ niệm lần đầu gặp chị Trâm. Nhìn chúng tôi, những người lính trên mình đầy thương tích sau cuộc chiến đấu, đôi mắt chị đẫm lệ: "Các anh đã về đến đây cứ yên tâm mà điều trị nhanh chóng phục hồi sức khỏe để còn tiếp tục chiến đấu".

Chị nhanh nhẹn thăm khám, chữa trị vết thương cho từng người một bằng tất cả sự ân cần, nhiệt huyết, lương tâm của người thầy thuốc, lòng yêu thương chân thành với thương binh và người bệnh. Phải được chứng kiến cuộc sống nơi đây mới thấy hết được sự "tận tụy làm người" của chị.

Những ca mổ trong điều kiện thiếu thốn thuốc men nghiêm trọng, nhiều khi phải thay thế bằng các lá cây rừng, những cố gắng khắc phục, những giọt nước mắt... Những cảnh nhường cơm, sẻ áo, trong bệnh xá chỉ ưu tiên cho thương binh, còn lại phải cắt nửa khẩu phần ăn của mình để ủng hộ, để giúp đỡ đồng bào thiểu số Ba Tơ đang bị nạn đói hoành hành.

Khó có thể nói hết tình cảm của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đối với thương binh tại bệnh xá. Khổ cực là vậy, khốc liệt là vậy nhưng trong sâu thẳm của người nữ anh hùng đó là một trái tim yêu thương, nhân hậu, từ những hàng cây ngọn cỏ, mảnh đất quê hương, chị nâng niu những chiếc ghế gỗ mà chúng tôi làm tặng chị, đó là những cây gỗ rừng được chặt đẽo công phu đan thành những chiếc ghế nhỏ.

Chị Trâm và dòng lưu bút tặng người lính tàu không số - Ảnh 3.

Cán bộ, chiến sĩ tàu 43 tại bệnh xá Đức Phổ. Ông Lưu Công Hào là người ngồi hàng đầu, thứ hai từ trái qua - Ảnh BT Hải quân.

Còn nhớ mãi tiếng chị nhẹ nhàng: "Cẩn thận nghe em, cẩn thận, kẻo ngã đấy em nhé!" khi tôi trèo lên cây kéo kín tán lá ngụy trang sợ máy bay địch phát hiện những dụng cụ y tế, bông băng phơi ở phía dưới.

Chị kể cho tôi nghe nhiều chuyện lắm, chuyện tình yêu, gia đình, cuộc sống... Chị sinh năm 1944 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội có bố là bác sĩ y khoa, mẹ là dược sĩ. Tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, theo tiếng gọi của chiến trường, tiếng gọi của tình yêu, chị đã tình nguyện vào Nam chiến đấu và được phân công phụ trách bệnh xá này.

Chị mong ngày ra Bắc, tôi đến thăm gia đình chị, giới thiệu tôi "làm quen" với em gái chị Đặng Phương Trâm, lúc đó là sinh viên năm thứ 3 lớp trồng trọt rau quả khóa 10 Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Và ngày chia tay, ngày 10/4/1968, chẳng biết chuẩn bị từ bao giờ mà mỗi anh em đều được chị trang bị: tăng, võng, quần áo, ba lô làm từ bao bì Mỹ, ruột tượng đựng gạo và những đồ dùng khác để chuẩn bị cho cuộc hành quân đường dài vượt Trường Sơn ra Bắc.

Chúng tôi làm những cuốn sổ nhỏ, chuyền tay nhau, ghi chép những dòng tình cảm, yêu thương, tình đồng đội, kỷ niệm những ngày sống bên nhau, niềm tin vào chiến thắng, hạn ngày gặp lại.

Một buổi chia tay tràn đầy nước mắt, bên bìa rừng thanh vắng, cả rừng cây cũng lặng im dõi theo cuộc chia tay xúc động này. Chị Trâm đứng mãi đó, bịn rịn: "Thôi các anh đi đi, hẹn ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu!"

Tặng lại Bảo tàng Hải quân cuốn sổ nhỏ và những tấm ảnh, những kỷ vật đã theo ông suốt chặng đường dài, màu thời gian đã ngả vàng nhưng vẫn còn đậm nguyên màu mực, như sức sống mãnh liệt của người viết.

Những dòng lưu bút xúc động của chị Trâm và các y bác sĩ của bệnh xá Đức Phổ, cuốn sổ đã bên ông trong nhiều trận chiến đấu, đã cùng ông vượt qua bao khó khăn thách thức trong cuộc sống đời thường bởi ông tin vào "sức mạnh tâm linh" của nó, bởi trong đó có hình bóng của một con người mà theo ông đó là huyền thoại, là tấm gương để học tập, để noi theo, để gìn giữ và ngợi ca mãi mãi.

Cuốn sổ nhỏ 20 trang khổ 7cm x 11cm nay trở thành hiện vật được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Hải quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại