"Che lấp" mặt trời: Giải pháp cuối cùng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?

Tất Đạt |

Theo CNN, các nhà khoa học đang đề xuất 1 ý tưởng mới lạ để đối phó với biến đổi khí hậu: phun chất hóa học cản ánh nắng mặt trời lên bầu khí quyển của Trái đất.

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học tại đại học Harvard và Yale gợi ý sử dụng kĩ thuật được biết đến với tên gọi "phun aerosol tầng bình lưu" để giảm đi một nửa tốc độ ấm lên toàn cầu.

Để thực hiện kĩ thuật này, các nhà khoa học sẽ phun một lượng lớn các hạt sulfate vào tầng bình lưu thấp của Trái đất ở độ cao ít nhất 20 km. Lượng sulfate sẽ được đưa lên tầng bình lưu bằng các loại máy bay, bóng bay hoặc các khẩu pháo lớn được thiết kế đặc biệt.

Mặc dù công nghệ nói trên vẫn đang được phát triển và chưa có máy bay phù hợp để thực hiện việc "che lấp mặt trời", các nhà khoa học cho biết đã "phát triển một thiết bị chứa đời mới với tải trọng lớn và chi phí rẻ".

Theo ước tính, tổng chi phí để triển khai hệ thống mới trong 15 năm tới là khoảng 3,5 tỉ USD, với chi phí vận hành trong 15 năm tiếp theo là 2,25 tỉ USD/1 năm.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá, các nhà khoa học thừa nhận rằng đây chỉ là công nghệ trên lý thuyết.

"Chúng tôi muốn cho thấy rằng dù chương trình này không chắc chắn và có phần quá tham vọng, thì về mặt lý thuyết là khả thi. Chi phí triển khai và vận hành cũng rất rẻ," nghiên cứu viết.

Các nhà khoa học cũng đề cập tới những rủi ro tiềm tàng, bao gồm: sự hợp tác giữa các nước ở cả 2 bán cầu, nguy cơ gây tổn hại tới mùa màng do hạn hán và thời tiết đặc biệt cực đoan.

Nghiên cứu này cũng không giải quyết được khả năng gia tăng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều nhà khoa học khác tỏ ra hoài nghi về tính thực tiễn của đề xuất này.

"Từ quan điểm kinh tế khí hậu, việc kiểm soát bức xạ mặt trời vẫn là một giải pháp tồi tệ hơn nhiều so với hạn chế phát thải khí nhà kính: tốn kém và nhiều rủi ro hơn xét về mặt lâu dài," ông Philippe Thalmann - chuyên gia về biến đổi khí hậu thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne - chia sẻ.

Trong khi đó, ông David Archer thuộc Khoa Địa vật lý tại Đại học Chicago cho biết: "Đề xuất che kín mặt trời chỉ là một giải pháp tạm thời cho vấn đề lâu dài; phải tốn tời hàng trăm nghìn năm khí thải CO2 mới được lọc hoàn toàn bởi tự nhiên."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại