Vụ MH17: Australia sẽ tìm đồng minh để tung đòn trả đũa ngoại giao quy mô lớn nhằm vào Nga

Hồng Anh |

Theo Financial Review, Australia có thể sẽ kêu gọi các đồng minh Châu Âu và Mỹ cùng tung đòn trả đũa ngoại giao nếu Nga không nhận trách nhiệm vụ bắn rơi máy bay MH17.

Liên quan đến những tranh cãi xung quanh kết quả điều tra vụ bắn rơi máy bay MH17 mới được Đội Điều tra Chung quốc tế (JIT) công bố gần đây, báo Financial Review cho biết Australia có thể sẽ kêu gọi các đồng minh Châu Âu và Mỹ cùng tung đòn trả đũa ngoại giao quy mô lớn đối với Nga, nếu Moskva không nhận trách nhiệm vụ bắn rơi máy bay MH17 của Malaysia.

Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tên lửa bắn trúng khiến 298 người thiệt mạng, trong đó bao gồm 38 công dân Australia.

Sau khi JIT công bố những bằng chứng mới và cáo buộc Nga có liên quan trực tiếp đến thảm họa MH17, hôm 25/5 vừa qua, Australia và Hà Lan đã chính thức quy trách nhiệm cho Nga trong vụ việc này, đồng thời còn đòi bồi thường và dọa sẽ kiện Nga.

Đặc biệt, căng thẳng giữa Nga - Australia - Hà Lan càng trở nên gay gắt hơn khi Đại sứ Nga tại Australia, ông Grigory Logvinov, công khai phản đối những lời cáo buộc của Australia và Hà Lan về trách nhiệm của Nga trong vụ MH17, và cho rằng đây là "động thái khiêu khích có kế hoạch".

Ông Logvinov đã thẳng thừng chỉ trích Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Ngoại trưởng Julie Bishop vì đã vội vã kết luận dựa trên những bằng chứng được cho là "giả dối và vô căn cứ".

JIT cáo buộc rằng tên lửa bắn hạ máy bay MH17 được phóng ra từ hệ thống phòng không BUK của Lữ đoàn 53 (Nga). Họ cho rằng hệ thống tên lửa này đã được Nga vận chuyển tới Đông Ukraine, và lập tức được thu hồi về Nga sau khi MH17 bị bắn hạ.

"Dựa vào những phát hiện mới này, chúng tôi chỉ có thể đi đến kết luận rằng Nga đã tham gia trực tiếp vào việc bắn hạ máy bay MH17", bà Bishop và ông Turnbull tuyên bố. Họ cũng nói thêm rằng họ đã liên lạc với Moskva, và đang nỗ lực sắp xếp đàm phán với Nga để bàn bạc chuyện bồi thường thiệt hại và xét xử theo luật quốc tế.

Lặp lại kịch bản trả đũa ngoại giao?

Do các quốc gia liên quan tới vụ việc này (như Australia, Hà Lan, và Malaysia) không có nhiều ảnh hưởng ngoại giao trên chính trường thế giới so với Nga, nên Australia đã lên kế hoạch tìm kiếm sự trợ giúp của các đồng minh mạnh hơn nhằm gây sức ép. Điều này đã được một số quan chức an ninh của Australia xác nhận.

"Chúng tôi có tất cả các lựa chọn", một quan chức Australia cho biết. "Nếu chúng tôi 'đơn thương độc mã' thì sẽ không có tác dụng gì cả. Chúng tôi sẽ cần sự hỗ trợ của các đồng minh trong trường hợp cần thiết", quan chức này nói.

Mối quan hệ giữa hai nước Nga-Australia vốn đã không êm thấm kể từ sau khi chính quyền ông Turnbull quyết định trục xuất hai nhà ngoại giao Nga để ủng hộ lập trường của Anh trong vụ cựu điệp viên Skripal và con gái bị đầu độc.

Ngoài Australia còn có hơn 20 quốc gia khác trên thế giới cũng trục xuất nhà ngoại giao Nga trong căng thẳng liên quan đến ông Skripal, trong đó có Mỹ và các quốc gia châu Âu là thành viên NATO.

Đến nay, Moskva vẫn tiếp tục bác bỏ các cáo buộc và khẳng định không liên quan tới vụ bắn hạ MH17. Các quan chức Nga và giới phân tích cũng phát hiện một số điểm bất thường trong kết luận của JIT, thậm chí họ còn 'chỉ trích ngược' cơ quan điều tra này, và nêu giả thiết JIT đã cố tình chọn thời điểm nhạy cảm để phá đám Nga.

Một quan chức khẳng định Australia và Hà Lan sẽ tìm đến các đồng minh để thực hiện kịch bản tương tự vụ Skripal, nếu như Moskva không nhận trách nhiệm trong vụ MH17.

Mô phỏng tên lửa Buk bắn rơi MH17

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại