Quần đảo tựa như Hạ Long thu nhỏ tại Nhật Bản và 'bản giao hưởng' của loài sứa

Nguyễn Hằng |

Nếu có dịp ghé thăm Sasebo, thành phố thuộc tỉnh Nagasaki (Nhật Bản), bạn sẽ phải trầm trồ khi lên tàu thưởng ngoạn một quần đảo nên thơ: Kujukushima.

Kujukushima - 99 hòn đảo

Kujukushima trong tiếng Nhật mang ý nghĩa là “99 hòn đảo”. Tuy vậy, đây thực chất là quần đảo gồm 208 thực thể đảo, đá lớn nhỏ, đang dần trở thành địa điểm du lịch nghỉ dưỡng đáng chú ý bậc nhất của thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki.

Đến Kujukushima, du khách có thể ghé thăm Kuroshima, hòn đảo với nghề nuôi trai lấy ngọc nổi tiếng trong toàn nước Nhật. Nuôi trai để lấy ngọc là quá trình được thực hiện rất tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Tuy nhiên, thành quả khi thu được là những viên ngọc trai sáng đẹp lại là động lực và niềm vui cho nhiều người dân ở đây.

Quần đảo tựa như Hạ Long thu nhỏ tại Nhật Bản và bản giao hưởng của loài sứa - Ảnh 1.

Khám phá Kujukushima bằng cách đi du thuyền.

Trong cuộc phiêu lưu khám phá quần đảo Kujukushima, bạn cũng có thể ngắm cảnh bằng cách đi du thuyền, chèo thuyền Kayak, hoặc ghé thăm thủy cung Umi-kirara để có được cái nhìn cận cảnh hơn về những sinh vật biển đa dạng sinh sống ở vùng biển quanh các hòn đảo.

Một điểm thú vị nữa hẳn ít người biết là Đài quan sát Ishidake ở quần đảo Kujukushima chính là một nơi ghi hình của bộ phim bom tấn Hollywood "The Last Samurai". Đây là địa điểm tuyệt vời giúp du khách có thể thỏa thích ngắm nhìn toàn cảnh Kujukushima.

Quần đảo tựa như Hạ Long thu nhỏ tại Nhật Bản và bản giao hưởng của loài sứa - Ảnh 2.

Toàn cảnh Kujukushima nhìn từ trên cao.

Kujukushima không chỉ gây ấn tượng về thắng cảnh biển xanh, động thực vật đa dạng vào ban ngày, mà ngay cả cảnh mặt trời lặn dần xuống biển lúc chiều tà cũng rất đẹp.

Quần đảo tựa như Hạ Long thu nhỏ tại Nhật Bản và bản giao hưởng của loài sứa - Ảnh 3.

Hoàng hôn tuyệt đẹp ở Kujukushima.

Umi-kirara và "bản giao hưởng" của loài sứa

Thủy cung là mô hình du lịch, giải trí không còn xa lạ với nhiều nước trên thế giới. Nhưng có lẽ chỉ ở thủy cung Umi-kirara bạn mới được thưởng thức Jellfish Symphony dome - "bản giao hưởng" của loài sứa, với phần trình diễn kết hợp hình ảnh, ánh sáng, âm thanh, thậm chí cả mùi vị. Đây cũng được coi là nơi triển lãm sứa lớn nhất ở Nhật Bản.

Quần đảo tựa như Hạ Long thu nhỏ tại Nhật Bản và bản giao hưởng của loài sứa - Ảnh 4.

"Bản giao hưởng" của các loài sứa trong thủy cung Kujukushima.

Cũng không phải ngẫu nhiên sứa là "nhân vật" trung tâm của thủy cung Umi-kirara bên bờ biển Kujukushima. Sứa tại vùng biển này vô cùng phong phú, các nhà khoa học đã thống kê đươc có hơn 100 loài khác nhau sinh sống. Trong đó có loài Aequorea victoria, hay sứa pha lê. 

Sứa pha lê được nuôi ở Umi-kirara gắn liền với tên tuổi nhà khoa học Mỹ gốc Nhật là giáo sư Osamu Shimomura. Ông sinh năm 1928 tại Kyoto, lớn lên tại Nagasaki - nơi ông đã may mắn sống sót qua vụ ném bom nguyên tử của Mỹ vào ngày 9/8/1945. 

Shimomura tốt nghiệp ĐH Dược Nagasaki vào năm 1951 và sau đó lấy được bằng tiến sĩ hóa hữu cơ tại ĐH Nagoya năm 1960. Kể từ năm 1960, nhà khoa học người Nhật Bản bắt đầu tới làm việc tại ĐH Princeton (Mỹ) và tại đây, ông đã phân loại được protein huỳnh quang màu xanh lá (Green fluorescent protein, viết tắt là GFP) từ hàng nghìn con sứa.

Quần đảo tựa như Hạ Long thu nhỏ tại Nhật Bản và bản giao hưởng của loài sứa - Ảnh 5.

GS Osamu Shimomura công bố về phát hiện GFP vào năm 1962.

Năm 2008, giáo sư Osamu Shimomura cùng hai nhà khoa học Mỹ đã giành được giải thưởng Nobel hóa học nhằm vinh danh cho công trình về GFP nêu trên, góp phần to lớn vào các nghiên cứu trong việc điều trị bệnh ung thư, ghép nội tạng, hệ thần kinh...

Quần đảo tựa như Hạ Long thu nhỏ tại Nhật Bản và bản giao hưởng của loài sứa - Ảnh 6.

Giáo sư Osamu Shimomura nhận giải thưởng Nobel hóa học năm 2008. Ảnh: The Independent

Vừa mới đây, theo The New York Times, ĐH Nagasaki đã phát ra thông báo GS Osamu Shimomura qua đời ở tuổi 90 vào ngày 19/10/2018. Mặc dù cả đời chủ yếu làm việc ở Mỹ nhưng những ngày cuối đời, ông đã quyết định về Nagasaki để được sống gần người thân...

Không chỉ có sứa, thủy cung ở Kujukushima chứa đến 13.000 sinh vật thuộc 120 loài. Người lớn và trẻ nhỏ có thể quan sát rất nhiều sinh vật biển như rùa khổng lồ, cá đuối, cá heo... 

Quần đảo tựa như Hạ Long thu nhỏ tại Nhật Bản và bản giao hưởng của loài sứa - Ảnh 7.

Nhiều loài cá trong thủy cung khiến du khách vô cùng thích thú.

Tại đây, đến nay đã có tất cả 3 chú cá heo ra đời thành công bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đây được coi là một thành công lớn vì trước đó ở Nhật Bản không nhiều thử nghiệm tương tự thu được kết quả khả quan.

Quần đảo tựa như Hạ Long thu nhỏ tại Nhật Bản và bản giao hưởng của loài sứa - Ảnh 8.

Du khách có thể xem xiếc cá heo và tận mắt trông thấy 2 chú cá heo ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo ở thủy cung Umi-kirara.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại