Các ngân hàng lớn nhất Nga 'căng như dây đàn': Dự trữ Nhân dân tệ 'cạn kiệt', tiền và hàng hoá bị Trung Quốc trả lại, kêu gọi NHTW can thiệp

An Chi |

Các ngân hàng lớn ở Nga đã kêu gọi ngân hàng trung ương nước này hành động nhanh chóng khi họ đang đối mặt với tình trạng thâm hụt thanh khoản đồng Nhân dân tệ.

Do thiếu thanh khoản Nhân dân tệ, đồng rúp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 so với đồng tiền của Trung Quốc và đẩy tỷ giá hối đoái lên tới 3 con số.

Đồng rúp đã giảm gần 5% so với Nhân dân tệ vào ngày 4/9 trên Sàn Giao dịch chứng khoán Moscow (MOEX). Trong khi đó, các kế hoạch can thiệp ngoại hối của Bộ Tài chính cho thấy lượng bán Nhân dân tệ của ngân hàng trung ương Nga sẽ giảm mạnh trong tháng tới, xuống mức tương đương 200 triệu USD.

Ngân hàng trung ương Nga đã bán lượng Nhân dân tệ trị giá 7,3 tỷ USD mỗi ngày trong suốt 3 tháng qua. Việc Nga giảm quy mô của kế hoạch này diễn ra cùng thời điểm với đợt phát hành trái phiếu trị giá 15 tỷ Nhân dân tệ của “gã khổng lồ” ngành dầu mỏ Rosneft. Động thái này cũng làm giảm thanh khoản của thị trường.

German Gref, CEO của Sberbank, cho biết: “Chúng tôi không thể cho vay bằng đồng Nhân dân tệ vì không đủ thanh khoản để thực hiện các vị thế ngoại tệ.”

Nhân dân tệ đã trở thành đồng ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất trên sàn MOEX sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt, ngăn chặn hoạt động giao dịch hối đoái bằng USD và euro. Các ngân hàng Nga cũng phát triển các sản phẩm tài chính bằng Nhân dân tệ cho khách hàng.

Thanh khoản Nhân dân tệ ở Nga thường được ngân hàng trung ương cung cấp thông qua các giao dịch bán và hoán đổi Nhân dân tệ hàng ngày, cũng như các công ty xuất khẩu bán hàng lấy ngoại tệ.

Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc tại Nga lại đang ngần ngại thực hiện các giao dịch tiền tệ vì lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp của phương Tây.

Đầu tháng 9, các ngân hàng đã huy động được số tiền kỷ lục 35 tỷ Ngân dân tệ từ ngân hàng trung ương thông qua các giao dịch hoán đổi trong ngày.

Andrei Kostin, CEO của ngân hàng cho vay lớn thứ 2 ở Nga VTB kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ đưa ra động thái nào đó và hiểu nhu cầu tăng thanh khoản của các ngân hàng thông qua các giao dịch hoán đổi. Ông cũng nhấn mạnh rằng các nhà xuất khẩu cũng nên bán nhiều Nhân dân tệ hơn.

Tình trạng thiếu hụt Nhân dân tệ nghiêm trọng cũng xảy ra trong bối cảnh nhiều tháng qua các giao dịch của Nga với các ngân hàng Trung Quốc bị chậm trễ. Các ngân hàng này lo ngại hơn sau khi Mỹ đe doạ sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt thứ cấp. Căng thẳng này lên đến đỉnh điểm vào tháng 8, khi hàng tỷ Nhân dân tệ đã bị mắc kẹt.

Ngoài ra, Business Insider dẫn nguồn từ hãng tin Izvestia cho biết, các ngân hàng này không chỉ từ chối xử lý các giao dịch thuơng mại với Nga mà một số còn hoàn trả các khoản thanh toán cho hàng hoá đã được vận chuyển.

Nga và Trung Quốc đã thảo luận về việc xây dựng một hệ thống chung cho các khoản thanh toán song phương, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đột phá nào được công bố. Ông Kostin giải thích rằng vì thương mại giữa Nga với Trung Quốc đã cân bằng nên việc thiết lập một cơ chế thanh toán bù trừ bằng các đồng nội tệ sẽ không phải là vấn đề.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top