“Bóng ma” suy thoái bao trùm các thị trường toàn cầu

Thu Hoài |

Đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu leo thang, làm gia tăng áp lực lạm phát lên các chính phủ.

Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu đã được đẩy mạnh trong tuần này khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt điều chỉnh chính sách lãi suất nhằm hạ nhiệt giá cả tăng cao. Đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu leo thang, làm gia tăng áp lực lạm phát lên các chính phủ.

Một nghiên cứu về chính sách mới đây của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế cho thấy, kinh tế thế giới có thể tránh được kịch bản lạm phát phi mã, nhưng cái giá phải trả có thể sẽ là đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, thậm chí là suy thoái.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 15/6 đã nâng lãi suất chính sách thêm 75 điểm cơ bản, qua đó đưa lãi suất lên phạm vi 1,5% đến 1,75%. Động thái mạnh tay này chủ yếu là nhằm khống chế lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm. Một ngày sau đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng Anh cũng bất ngờ có các động thái tương tự.

Được coi là hiện tượng nổi bật của kinh tế thế giới trong những năm 1970, sự kết hợp “độc hại” giữa tăng trưởng èo uột và giá cả leo thang một lần nữa gây lo ngại các ngân hàng trung ương toàn cầu, nhất là khi Ngân hàng thế giới mới đây hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022. Tuy nhiên nếu các ngân hàng trung ương hành động quá mạnh mẽ, lãi suất quá cao sẽ ảnh hưởng đến sức mua và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Trên thực tế, rất nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng đang chững lại: lạm phát giá tiêu dùng lập đỉnh hơn 40 năm, niềm tin của người tiêu dùng ở mức thấp kỷ lục và chi tiêu bán lẻ sụt giảm giữa cơn bão giá. Nhằm trấn an các thị trườn toàn cầu, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - Jerome Powell mới đây khẳng định FED không cố tình gây ra suy thoái và nền kinh tế đang đứng trên một bệ đỡ vững chắc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen tự tin, nền kinh tế Mỹ đủ khả năng “hạ cánh mềm” khi vừa chế ngự được lạm phát nhanh chóng mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

“Tôi không nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng rất mạnh. Chi tiêu đầu tư vẫn ổn định. Tăng trưởng dự báo sẽ chậm lại, song chúng ta có một nền kinh tế rất mạnh. Tôi biết mọi người đều đang rất lo ngại về lạm phát. Nhưng FED sẽ triển khai các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát và sẽ có con đường mở ra giúp nền kinh tế hạ cánh mềm. Không có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ suy thoái" - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen cho biết.

Những lo ngại về suy thoái đã đẩy đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất trong hai năm, khiến đồng bảng Anh giảm khoảng 10% so với USD. Trong khi đó ký ức về cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro lại hiển hiện khi khoảng cách giữa nợ chính phủ Italia và trái phiếu an toàn của Đức lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tuần này đã họp khẩn cấp để tìm cách hạ nhiệt thị trường trái phiếu.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - Christine Lagarde, một công cụ chống khủng hoảng mới có thể là cần thiết để đối phó với “sự phân mảnh không chính đáng” trong chi phí đi vay của các nước thành viên khu vực đồng euro.

"Lạm phát cao là một thách thức lớn đối với tất cả chúng ta. Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu đảm bảo sẽ đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% trong trung hạn. Áp lực lạm phát rõ ràng đã tăng lên và gia tăng với việc giá nhiều hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh." - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - Christine Lagarde cho biết thêm.

Theo ước tính mới nhất của Bloomberg Economics, khả năng suy thoái vào đầu năm 2024 - vốn không đáng kể trong vài tháng trước, nay đã có xác suất tới 75%./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại