Bóng đá Việt Nam và câu chuyện "cái mặt không chơi được"

Trương Phi |

Những nỗ lực đổi mới và chuyên nghiệp về hình ảnh chưa thể cứu vãn được chuyên môn yếu kém của giải đấu bóng đá hàng đầu Việt Nam.

1. "Cái gì lâu mà lại chẳng quen? Kể cả một cái mặt không chơi được", Nam Cao đã từng viết như thế trong truyện ngắn "Cái mặt không chơi được".

Thế nhưng, sau gần 20 năm khoác lên mình cơ chế chuyên nghiệp, V-League vẫn chưa hết cảnh là "cái mặt không chơi được", dù đang được khoác lên mình nhiều sự đổi mới về hình ảnh, bản quyền truyền hình, giám sát trận đấu,..., siết chặt tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức.

Bởi điều cốt lỗi nhất là chất lượng chuyên môn trên sân của cầu thủ và cả trọng tài, vẫn "mèo lại hoàn mèo". Liên tục hai vòng đấu đầu tiên, trọng tài luôn là tâm điểm khiến dư luận ngán ngẩm về chất lượng.

Từ vụ bẻ còi khiến Than Quảng Ninh mất một quả 11m, ở trận thua Hà Nội 2-3, đến chuyện chưa từng có trong lịch sử bóng đá thế giới là trọng tài bàn bù giờ đến hai lần trong hiệp 2 ở trận Long An 1-1 B.Bình Dương.

Bóng đá Việt Nam và câu chuyện cái mặt không chơi được - Ảnh 1.

Trọng tài "bù giờ 2 lần" phải nhờ sự hỗ trợ của cảnh sát để rời sân. Ảnh: D.A

Về chuyên môn trên sân, khái quát chung nhất chính là câu nói của vị HLV từng vô địch châu Âu cấp CLB và giờ đang dẫn dẫn dắt FLC Thanh Hóa - Petrovic. Ông đã nói như thế này sau trận Sanna Khánh Hòa BVN 0-2 FLC Thanh Hóa:

"Các bạn chơi bóng trên sân nhưng ít khi chịu phối hợp. Tôi thấy nhiều cầu thủ thích phá bóng và chơi tiểu xảo, thậm chí là đánh nguội. Bóng đá là phải chuyền, phối hợp và ghi bàn. Các bạn không có được những điều đó".

2. Gần một thế kỷ trước, nhà văn Nam Cao đã sáng tác ra truyện ngắn "Cái mặt không chơi được". Tác phẩm được coi là tự sự của nhân vật Tri về "một cái mặt tai hại" mà thượng đế đã ban cho anh.

Cái mặt tai hại đó đã luôn khiến Tri là một thằng đáng ghét, đáng sợ và đê tiện đến mức bị mọi người xa lánh dù cho anh có bản chất lễ phép, nhã nhặn, luôn giữ cái tâm tốt. Như lần Tri gặp anh Đa, một người đồng môn cũ của anh. Hai người tưởng chừng như sẽ là tri kỉ của nhau, nếu, anh Đa không sợ Tri vì "trông cái mặt Tri không chơi được".

Quá ám ảnh với sự xa lánh của người đời chỉ vì khuôn mặt, Tri than lên một câu sầu não: "Chao ôi, chao ôi thế thì tôi còn biết làm sao bây giờ! Sinh ra cái mặt tôi là giời". Rồi Tri cũng chả thèm tơ tưởng về tình yêu. Anh phó mặc cho gia đình "đặt đâu ngồi đấy".

Nhưng rồi chính tình yêu phó mặc cho số phận, Tri đã gần như ngất đi vì cảm nhận được sự hiện hữu của tình yêu và hạnh phúc giản dị đến bất ngờ. Khi vợ anh - một cô gái thôn quê, đã nói thực lòng rằng:

"Tôi cũng buồn. Nhưng rồi cũng quen đi. Cái gì lâu mà lại chẳng quen? Kể cả một cái mặt không chơi được".

V-League phảng phất nét gì đó hao hao anh Tri.

Nhưng khác ở một điểm, "vợ" của V-League là những vị khán giả. Những người không phó mặc cho số phận trong chuyện tình cảm. Trận cầu hấp dẫn thì ai cũng sẽ đến sân.

Bóng đá Việt Nam và câu chuyện cái mặt không chơi được - Ảnh 2.

Một khán đài "buồn" của V-League. Ảnh: Hoàng Tùng

Và nữa, lịch thi đấu V-League nên là ngoài giờ hành chính, khán giả hoàn toàn có thể đến đông hơn, và BTC không phải loay hoay với các thống kê "ảo" số lượng. Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh là Premier League, không hề thiếu khán giả, nhưng vẫn thi đấu vào "mùng 1" tết Tây đó thôi.

Cuối cùng, V-League không phải do "giời sinh ra" mà không thể thay đổi được "cái mặt". Giải đấu này hoàn toàn có thể hấp dẫn hơn, nếu những người trong cuộc thực sự nỗ lực.

"Cái gì lâu mà lại chẳng quen? Kể cả một cái mặt không chơi được".

Có. Đó là V-League.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại