Bộ trưởng Nội vụ "nợ" câu hỏi chất vấn vụ Trịnh Xuân Thanh vì hết giờ

Hoàng Đan |

Vì thời gian đã hết nên câu hỏi về vụ ông Trịnh Xuân Thanh cùng nhiều câu hỏi khác sẽ được Bộ trưởng Nội vụ trả lời vào sáng mai (17/11).

Câu hỏi về vụ ông Trịnh Xuân Thanh được trả lời vào sáng mai

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, vụ Trịnh Xuân Thanh là một chuyện tày trời và một mình ông này không thể làm nên chuyện như vậy.

"Xin được hỏi Bộ trưởng, nguyên nhân cốt lõi, trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ đối với việc này.

Từ chuyện tặng thưởng Huân chương Anh hùng Lao động khi ông này còn ở doanh nghiệp Xây lắp dầu khí rồi được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cũng như công tác quản lý cán bộ như thế nào để ông này khi bị khởi tố, ra đi một cách êm ả nhưng lại chấn động dư luận", ông Minh đặt câu hỏi.

Ông Minh đề nghị Bộ trưởng cho biết, hiện có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường tiểu ngạch, không chính hiệu kiểu như Trịnh Xuân Thanh và có văn bản nào quy định về việc luân chuyển này không?

Thực tế, tình hình hiện nay ra sao, giải pháp trong thời gian tới. Đồng thời, làm sâu sắc thêm vấn đề này, đại biểu cũng mong Bộ trưởng Bộ Công an trả lời trước dư luận về trách nhiệm của Bộ trong việc theo dõi, giám sát, quản lý đối tượng để ông Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi rồi phát lệnh truy nã theo kiểu "con voi chui lọt lỗ kim".

Vì thời gian đã hết nên câu hỏi này cùng nhiều câu hỏi khác sẽ được Bộ trưởng Nội vụ trả lời vào sáng mai (17/11).

Không có chuyện hạ cánh an toàn

Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vào chiều nay (16/11), đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) đề nghị Bộ trưởng báo cáo rõ việc xử lý kỷ luật hành chính đối với nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng sau khi bị Ban Bí thư xử lý kỷ luật.

Bộ trưởng Tân cho biết, hiện nay, Ban Bí thư đã có quyết định xử lý cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công thương giai đoạn 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Riêng về mặt Nhà nước, Ban Bí thư giao cho Ban cán sự Đảng, Chính phủ, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội cùng các cơ quan chuyên môn xem xét xử lý hành chính tương ứng, kịp thời theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

"Đây là vấn đề khó, chưa có trong tiền lệ nên Bộ Nội vụ sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội có biện pháp xử lý về mặt hành chính. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị với trường hợp những người đang công tác hoặc nghỉ nếu mắc sai phạm vẫn phải có hình thức xử lý chứ không thể hạ cánh an toàn.

Nguyên tắc này cũng cảnh báo cho các đồng chí đang tại chức rằng, khi thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình phải làm đúng chứ không phải chờ nghỉ hưu là hết trách nhiệm với Đảng, Nhà nước", ông Tân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ cũng bày tỏ, việc xử lý ông Hoàng hiện nay là vấn đề khó, mới và dù quy định pháp luật chưa có nhưng chúng ta cũng phải tạo cơ sở, hành lang pháp lý xử lý các trường hợp sau này.

8 cán bộ phó phòng ở Sở của Hải Dương đã được xử lý

Về việc bổ nhiệm cán bộ cấp phòng ở Sở Lao động, Thương binh, Xã hội tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã tiến hành thanh tra công vụ đối với Sở này.

Kết quả cho thấy, Sở này có 46 người và 44 cán bộ lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên, đúng như báo chí phản ánh. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hải Dương chưa có quy định đối với cấp phòng có bao nhiêu phó trưởng phòng.

"Cơ cấu của Sở Lao động, Thương binh, Xã hội tỉnh Hải Dương có 9 phòng, như vậy ngoài 4 lãnh đạo Sở, cộng thêm 27 người ở cấp phòng nữa thì thừa 8 phó phòng. Do đó, sau khi làm việc, đã có 1 đồng chí xin chuyển công tác và 7 đồng chí xin rút không làm phó phòng", ông Tân nói.

Theo ông Tân, Bộ Nội vụ đã có kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương thực hiện cho đúng quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ cấp phòng và mỗi phòng không quá ba phó phòng. Đồng thời, khi bổ nhiệm phải đảm bảo đủ điều kiện, quy trình và phải xử lý nghiêm những người tham mưu để bổ nhiệm không đúng.

"Việc bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ là có"

Trước câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) về việc bổ nhiệm ồ ạt cán bộ ở một số bộ, ngành vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đã có hai báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 15/9 và 31/10 về tình hình bổ nhiệm sau nhiệm kỳ.

Bộ Nội vụ quy định các địa phương gửi báo cáo 6 tháng trước nhiệm kỳ, nhưng sau đó Thủ tướng có yêu cầu thời gian là từ ngày 1/1/2015 đến 6/2016, thời gian báo cáo là 1 năm rưỡi chứ không phải 6 tháng.

Theo đó, Bộ tiếp tục có văn bản gửi địa phương tập hợp báo cáo trong 1 năm rưỡi về việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ. Đến giờ này, Bộ Nội vụ đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành địa phương. Khi có ý kiến đầy đủ sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ĐBQH.

"Riêng ý kiến của ĐB Nga về việc có hay không có việc bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ. Đến giờ này, theo báo cáo sơ bộ của chúng tôi thì thấy, việc bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ là có.

Nhưng chúng ta cần phân tích rõ là bổ nhiệm lại, bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đủ điều kiện, đúng quy định. Điều này cần có thời gian để Bộ Nội vụ sẽ thanh tra một số nơi, làm rõ", Bộ trưởng nói

Ông cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thanh tra công vụ 2 đơn vị. Khi có kết quả thanh tra cụ thể sẽ báo cáo đầy đủ trong thời gian xắp tới.

Liên quan đến việc trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra, ông Lê Vĩnh Tân cho biết, đã thực hiện thanh tra công vụ rất nhiều. Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của thanh tra công vụ sẽ tập trung vào thanh tra tổ chức biên chế, thi tuyển công chức, tổ chức đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại