Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tôi không tán thành đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc khánh 2/9

Hoàng Đan |

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, quan điểm của ông cũng như của Bộ không tán thành với đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc khánh 2/9.

Sáng 10/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất nghỉ lễ 5 ngày dịp Quốc khánh (2/9) của Tổng cục Du lịch để kích cầu du lịch sau dịch COVID -19.

Theo ông Dung, ông rất lắng nghe đề xuất của Tổng cục Du lịch và hoan nghênh các sáng kiến, đề xuất này. Tuy nhiên, việc chúng ta bố trí nghỉ 5 ngày trong dịp Quốc khánh 2/9 thì phải cân nhắc rất kỹ và phải tính toán nhiều chiều, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.

Người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội cho rằng, đối với đề xuất này, có một số vấn đề cần phải bàn.

Thứ nhất, ngày nghỉ lễ Quốc khánh (2/9) năm nay rơi vào giữa tuần và khoảng cách giữa tuần đó với các ngày nghỉ cuối tuần sau đó quá xa. Do đó, việc thực hiện hoán đổi hay nghỉ bù rất bất hợp lý.

Thứ hai, thời gian vừa qua, chúng ta thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội rất dài, người lao động, cũng như học sinh đã phải nghỉ dài. Do vậy, đây là thời điểm chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch nhưng phải tập trung rất cao để khôi phục sản xuất, khôi phục thị trường lao động.

Muốn như vậy phải tập trung rất cao để phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Do đó, thời điểm này vừa thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch vừa phải ưu tiên tối đa cho việc phục vụ sản xuất, phát triển để tăng trưởng kinh tế để rút ngắn khoảng cách mà chúng ta đã phải thực hiện các hạn chế do giãn cách xã hội.

Thứ 3, chúng ta có khoảng 55 triệu lao động và theo Bộ luật Lao động hiện hành và các quy định của pháp luật, việc nghỉ bù hay giãn cách hoặc hoán đổi ở khu vực doanh nghiệp là do doanh nghiệp, hay nói cách khác do chủ sử dụng lao động sẽ xem xét quyết định.

Còn khu vực công chức, viên chức và người lao động, Chính phủ với tư cách là chủ sử dụng sẽ xem xét quyết định.

Như vậy, nếu có quyết định đồng ý với đề xuất cho nghỉ thì số lượng khoảng 2 triệu người và 2 triệu người so với 55 triệu người rất nhỏ nhoi, chỉ khoảng 4-5%. Như vậy ảnh hưởng tác động cũng không quá lớn cho việc phát triển kinh tế, phát triển du lịch.

Thứ 4, dịp Quốc khánh 2/9 cần lưu ý là từ 3,4,5/9 thông thường chúng ta có ngày trẻ đến trường, ngày khai trường.

Nếu như nghỉ suốt từ mùng 2 cho đến hết ngày mùng 5 thì học sinh cũng khó tham gia, vì các em vẫn phải đến dự khai trường, các trường học vẫn phải tiếp tục. Vì vậy chắc khó có thể xảy ra việc chuyện ông bố, bà mẹ đi du lịch mà để con ở nhà.

"Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta giữ hoạt động nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 này chính là dịp để cho bố, mẹ chăm lo cho, chuẩn bị sách vở cùng con cái và tạo điều kiện đưa con đến trường, làm nên ngày hội học sinh đến trường.

Với những lý do rất căn bản như vậy, quan điểm của Bộ cũng như quan điểm của tôi có lẽ không tán thành đề xuất này. Tôi đã báo cáo vấn đề này với các lãnh đạo và Thủ tướng. Thủ tướng cũng đồng tình với quan điểm của tôi", Bộ trưởng Dung nêu rõ.

Trước đó, ngày 9/6 Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nói đang kiến nghị kéo dài kỳ nghỉ lễ 2/9 (năm nay vào thứ Tư, cũng là dịp kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh) đến hết tuần (kéo dài 5 ngày). Việc này nhằm kích cầu du lịch, tạo cơ hội để người dân đi khám phá, du lịch trong nước, sau đó bố trí thời gian làm bù lại phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại