Bỏ qua Macau, cả trăm tỷ USD 'tiền bẩn' từ Trung Quốc có nơi trú ẩn mới: Loạt nước ĐNÁ có tên

Hữu Hiển |

Hàng tỷ đô la tiền bất hợp pháp của Trung Quốc đang rời khỏi Đại lục và đi qua các trung tâm lừa đảo và cờ bạc trực tuyến ở Đông Nam Á, nơi chúng thay thế các sòng bạc ở Macau.

Steve Vickers - Giám đốc điều hành công ty tư vấn rủi ro chính trị và doanh nghiệp Steve Vickers and Associates có trụ sở tại Hongkong (Trung Quốc) - cho biết: "Trước năm 2022, đã có một làn sóng tiền ra khỏi Trung Quốc đại lục vi phạm các quy định kiểm soát vốn và một số trong đó chuyển qua các hoạt động cờ bạc bất hợp pháp ở Đông Nam Á và Macau".

"Các tổ chức cờ bạc trước đây ở Macau đã bị tiêu diệt", ông Vickers nói và cho biết thêm, thay vào đó, các tập đoàn cờ bạc bất hợp pháp đang chuyển sang hoạt động cờ bạc trực tuyến tại các khu vực được quản lý kém ở các nước Đông Nam Á.

Bỏ qua Macau, cả trăm tỷ USD 'tiền bẩn' từ Trung Quốc có nơi trú ẩn mới: Loạt nước ĐNÁ có tên- Ảnh 1.

Nghi phạm cờ bạc và lừa đảo mang quốc tịch Trung Quốc bị cảnh sát áp giải trên chuyến bay từ Campuchia về Trung Quốc hôm 13/4. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong một báo cáo hồi tháng 1/2024, Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp sòng bạc ở Đông Nam Á đã có sự tăng trưởng theo cấp số nhân, với hơn 340 sòng bạc được cấp phép và không có giấy phép hoạt động vào đầu năm 2022.

Báo cáo giải thích rằng, việc này diễn ra sau một loạt các hành động thực thi pháp luật ở Macau (Trung Quốc), một phần được thúc đẩy bởi những nỗ lực xử lý tham nhũng, rửa tiền và dòng vốn bất hợp pháp chảy ra từ Trung Quốc đại lục.

Từ năm 2019 đến năm 2023, các biện pháp mới đã dẫn đến việc bắt giữ và kết án một số ông chủ sòng bạc Macau, bao gồm Alvin Chau và Levo Chan - những người mà báo cáo của UNODC mô tả là hai trong số những nhà điều hành sòng bạc lớn nhất thế giới.

Alvin Chau bị bắt vào tháng 11/2021 và bị kết án 18 năm tù ở Macau vào tháng 1 năm ngoái. Levo Chan bị kết án 14 năm tù, sau đó giảm xuống còn 13 năm tù vào tháng 4 năm ngoái.

Báo cáo của UNODC cho biết, do sự kiểm soát chặt chẽ, các nhà điều hành sòng bạc đã chuyển từ Macau - trung tâm cờ bạc của châu Á - đến các đặc khu kinh tế của Đông Nam Á - bằng chứng là số lượng sòng bạc được cấp phép đã giảm đáng kể ở Macau, giảm từ mức cao 235 sòng bạc vào năm 2014 xuống chỉ còn 36 vào năm ngoái, và chỉ còn 12 sòng bạc được cho là vẫn còn hoạt động.

Báo cáo của UNODC cho biết: "Nhiều sòng bạc trực tuyến bất hợp pháp ở Đông Nam Á đã đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của họ sang hoạt động lừa đảo qua mạng, với nhiều bằng chứng về sự xâm nhập của tội phạm có tổ chức trong các sòng bạc và đặc khu kinh tế nhằm mục đích che giấu các hoạt động bất hợp pháp khác nhau."

Nhiều đối tượng đã chuyển địa bàn hoạt động sang các khu vực pháp lý được quản lý lỏng lẻo hơn tại Campuchia, Philippines,... cũng như vùng biên giới đang có xung đột ở Myanmar. Từ giữa đại dịch COVID-19, các đối tượng này cũng bắt đầu chuyển sang lừa đảo qua mạng.

'Tâm điểm' Sihanoukville

Ngày 13/4, Bộ Công an Trung Quốc thông báo rằng 130 công dân Trung Quốc đã được dẫn độ từ Campuchia về Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vì tình nghi liên quan đến hoạt động cờ bạc xuyên biên giới và lừa đảo trực tuyến. Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, đây là những đối tượng đầu tiên nằm trong số 670 nghi phạm Trung Quốc được hồi hương từ quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ Công an Trung Quốc cho biết, cuộc trấn áp - một hoạt động chung giữa cảnh sát Trung Quốc và Campuchia tập trung vào thành phố ven biển Sihanoukville của Campuchia - đã "đạt được kết quả đáng chú ý".

Bỏ qua Macau, cả trăm tỷ USD 'tiền bẩn' từ Trung Quốc có nơi trú ẩn mới: Loạt nước ĐNÁ có tên- Ảnh 3.

Thành phố Sihanoukville ở miền nam Campuchia, với mức thuế thấp và dễ dàng xin được giấy phép sòng bạc, đã trở thành trung tâm cá cược trực tuyến bất hợp pháp và lừa đảo qua mạng. Ảnh: Shutterstock

Báo cáo của Liên đoàn Đua ngựa Châu Á (ARF) - tổ chức khu vực bao gồm 28 cơ quan quản lý đua ngựa quốc gia và các tổ chức liên quan đến đua ngựa từ khắp châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và Trung Đông - cho biết, trước khi nhà chức trách bắt đầu hành động vào cuối năm 2022, Campuchia đã trở thành "tâm điểm buôn người" liên quan đến cá cược trực tuyến và lừa đảo qua mạng do tội phạm có tổ chức điều hành, trong đó đặc khu kinh tế Sihanoukville là địa điểm "cực kỳ phổ biến" vì mức thuế thấp và dễ dàng có được giấy phép sòng bạc.

"Điều này đã biến đổi thị trấn ven biển, và đến đầu năm 2019, đã có gần 100 sòng bạc; các dự án xây dựng khổng lồ, thường được quản lý kém; và một lượng lớn người nhập cư, chủ yếu là người Trung Quốc, lúc cao điểm lên tới 500.000 người", báo cáo của ARF viết và cho biết thêm, sòng bạc đang được điều hành bởi những tên tội phạm trước đây bị kết án cá cược bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Theo báo cáo của ARF, cá cược bất hợp pháp và lừa đảo qua mạng là hoạt động kinh doanh lớn của các tập đoàn lừa đảo, thu về ước tính khoảng 40 tỷ USD đến 100 tỷ USD mỗi năm từ các hoạt động của chúng ở Campuchia, Philippines, Myanmar,... với khoảng 250.000 người được cho là đang phải làm việc cưỡng bức trong lĩnh vực này.

Báo cáo của UNODC cho biết, đánh giá của Bắc Kinh thậm chí còn đưa ra con số cao hơn, với ước tính khoảng 5 triệu người được cho là có liên quan đến lĩnh vực này tính đến năm 2020 và chính phủ Trung Quốc ước tính dòng vốn chảy ra khỏi nước này trị giá 157 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại