Bỏ nghề luật mở quán bún đậu, chàng trai đút túi mỗi năm ít nhất 300 triệu đồng

Vân Trang |

Nếu phân vân với quyết định chọn ngành nghề của mình, thì chàng trai này nhất định truyền cho bạn cảm hứng.

Trong mắt nhiều cha mẹ, cho con cái theo học đại học dường như đã trở thành ý niệm để nên người và có thêm kiến thức sau này. Vì tiền theo học 4 năm lên đến hàng trăm triệu đồng, nên phụ huynh nào cũng mong mỏi con chọn đúng trường đại học, theo đuổi đúng ngành đúng nghề.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn xác định đúng nghề nghiệp sau này. Vì nhiều lý do như tiền lương thấp, công việc không như mong đợi, môi trường cạnh tranh... mà nhiều bạn trẻ đành cất bằng đi tìm công việc mới. Nhưng có phải lúc nào, làm trái ngành cũng là xấu?

Câu chuyện của cựu sinh viên Luật dưới đây nhất định sẽ truyền cho bạn cảm hứng! Đăng tải trên trang confession của ĐH Luật Hà Nội, anh chàng tâm sự sau khi ra trường 2 năm đã thấy chán vì công việc đấu đá nhiều, lương thấp, môi trường không năng động.

Một lần, được bạn bè rủ cùng mở quán bún đậu, anh chàng đã quyết định bỏ nghề luôn. Dù bị bố mẹ ngăn cản, nhưng chàng trai vẫn kiên quyết theo đuổi, và dần trở thành ông chủ với mức lương 30 triệu/tháng.

Bỏ nghề luật mở quán bún đậu, chàng trai đút túi mỗi năm ít nhất 300 triệu đồng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Nguyên văn dòng chia sẻ của chàng cựu sinh viên Luật như sau:

"Mình sinh năm 1992, cấp 3 học chuyên Hóa... và luôn có ước mơ làm luật sư, hoặc nghề liên quan đến Tòa án, Viện kiểm sát để đòi lại công bằng, công lý nên lên đại học thi HLU và đỗ.

Ra trường, mình có một tấm bằng giỏi, chứng chỉ tiếng Anh và thành tích hoạt động Đoàn, không nhiều nhưng đủ. Chờ 1 năm thì ở quê có vị trí vào Toà án, về quê nộp đơn thi, ôn thi và thi đỗ luôn. Từ ấy mình làm trong Toà án huyện.

Nhưng rồi 2 năm trôi qua, mình cảm thấy không hợp với môi trường ở đây với lý do:

1. Môi trường không năng động lắm.

2. Lương thấp, để đạt được nhiều ước mơ cao xa thì với mức lương như vậy không đủ.

3. Đấu đá nhau nhiều.

4. Cách giao tiếp, cách ăn nói… khiến mình không hợp với môi trường này.

5. Mình cảm thấy có năng lực nhưng không thể phát huy ở đây.

Bỏ nghề luật mở quán bún đậu, chàng trai đút túi mỗi năm ít nhất 300 triệu đồng - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Cuối cùng, trong đầu quẩn quanh suy nghĩ có nên ra ngoài làm không hay cố gắng tiếp tục? Ra ngoài thì làm gì? Làm thuê hay làm chủ?

Sau hơn 1 tuần suy nghĩ, tự dưng đứa bạn inbox bảo: "Ê, tao định mở quán bún đậu mắm tôm, mày có làm không? Tao thấy mày làm nhà nước tay trong tay ngoài cũng được đấy chứ lương nhà nước sao đủ."

Hai đứa hẹn nhau ra quán nước. Nó trình bày cho mình từ A-Z, nó học NEU cũng sinh năm 1992. Sau một thời gian bươn trải trên Hà Nội, kinh doanh đủ mọi thứ, thành công có nhưng thất bại nhiều hơn, nó về quê mở quán bún đậu. Mình làm chủ, còn nó xây dựng quy trình.

Ấy vậy mà mình với thằng bạn lại có duyên bán hàng. 1 suất đầy đủ cũng chỉ 40.000 đồng gồm bún, đậu, chả, nem, chả cốm, chả giò, lòng… Ngoài ra mình có bán thêm lòng ngoài ăn cùng bún đậu nếu gọi thêm. Trong 3 năm, từ thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng lên 8 triệu đồng, 14 triệu đồng rồi lên 24 triệu đồng. Sau đó, bọn mình mở thêm 1 quán, mỗi thằng quản lý 1 quán… Hiện giờ tính ra mỗi quán 1 tháng đút túi hơn 30 triệu đồng.

Mình bỏ luôn công việc nhà nước cách đây gần 2 năm, tập trung vào buôn bán. Mình còn có ý định xây dựng thành 1 chuỗi bún đậu nhưng không biết được không. Giờ thì cuộc sống cũng ổn, thu nhập cũng ổn, thời gian thoải mái, làm được nhiều việc, có nhiều thời gian dành cho người yêu, gia đình và những đam mê khác.

Hôm nay trời mưa tự dưng vắng khách, nghĩ lại cũng thấy vui vui nên tâm sự cho mọi người. Đúng người ta có câu "Nghề chọn người" không sai, chả hiểu thế nào từ ước mơ làm viện trưởng, làm giám đốc quay ra làm ông chủ quán bún đậu."

Bỏ nghề luật mở quán bún đậu, chàng trai đút túi mỗi năm ít nhất 300 triệu đồng - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Người ta thường nói: "Nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề". Có nhiều lúc, dù bạn đam mê công việc thế nào thì vẫn đành chia tay vì tương lai bấp bênh cũng như nhiều yếu tố bên ngoài tác động.

Nhiều dân mạng đã tỏ ra đồng cảm với câu chuyện của chàng sinh viên Luật. Và cho rằng, dù không theo đúng chuyên ngành, nhưng những kiến thức học từ giảng đường vẫn là hành trang sau này. Điển hình như việc chàng nam sinh đề từng dòng nguyên nhân vô cùng logic hay sự hiểu biết về Luật sẽ giúp anh chàng không vướng vào những vụ kiện không đáng có.

- "Mình cũng suốt ngày bị cà khịa vì ra trường đi làm không đúng ngành, kêu uổng phí trăm triệu 4 năm. Nhưng mình thấy, dù không theo đúng ngành nhưng những kiến thức và trải nghiệm thời đại học vô cùng quý báu. Đọc giọng Văn bạn này là biết ngày xưa đi học chăm lắm, câu từ và cách dẫn chuyện logic thế mà".

- "Sống thì nên làm điều mình thích, điều mình cho là đúng. Thà thất bại một lần còn hơn cả đời cứ sống trong vòng an toàn. Người ta cứ chuộng công việc nhà nước, chê bán đồ ăn này nọ là không giá trị. Bây giờ người ăn đầy ra, bán cẩn thận và sạch sẽ chút là người mua ầm ầm".

Còn bạn, bạn thấy sao về câu chuyện đổi ngành của chàng sinh viên này?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại