"Bọ cạp" đến từ Ba Lan - Máy bay cường kích PZL-230 Skorpion

CLHB |

PZL-230 Skorpion là một dự án phát triển máy bay cường kích hiện đại đầy tham vọng của Không quân Ba Lan trong những năm 90 của thế kỷ XX.

Chương trình đầy tham vọng của Ba Lan

Dự án phát triển chiến đấu cơ PZL-230 Skorpion được khởi động vào cuối thập niên 1980 bởi đội ngũ kỹ sư của phòng thiết kế PZL "Warszawa-Okęcie" tại thủ đô Warszawa, Ba Lan do Andrew Frydrychewicza đứng đầu.

Nhóm làm việc đã phân tích vai trò của máy bay cường kích/tấn công mặt đất trong nhiều cuộc chiến tranh, điển hình như cuộc chiến của Quân đội Mỹ ở Việt Nam hay Quân đội Liên Xô tại Afghanistan, kết hợp với những kinh nghiệm trong quá trình phát triển các mẫu máy bay trước đó của PZL như PZL-130 Orlik.

Bọ cạp đến từ Ba Lan - Máy bay cường kích PZL-230 Skorpion - Ảnh 1.

Máy bay huấn luyện PZL-130 Orlik

PZL-230 được hình thành dựa trên ý tưởng về một mẫu cường kích hiệu quả cao, chi phí thấp, có khả năng cơ động hỗ trợ lực lượng mặt đất, và hơn hết là giúp tự chủ một phần về trang thiết bị quân sự. Các yêu cầu chính của mẫu máy bay mới bao gồm:

- Khả năng cơ động tốt.

- Khung thân được bọc giáp cho khả năng chống chịu vũ khí hạng nhẹ.

- Chi phí thấp, dễ dàng sản xuất, sửa chữa cũng như nâng cấp nhờ thiết kế module.

- Khả năng cất hạ cánh ngắn (STOL - Short Take-Off and Landing) và có thể sử dụng trên các sân bay tiền tuyến với đường băng xấu.

- Mang vác đa dạng các loại vũ khí.

Tính năng cơ bản của cường kích PZL-230 Skorpion

Thiết kế hoàn chỉnh đầu tiên của PZL-230 xuất hiện vào tháng 12/1988, nó được mô tả là chiếc máy bay có hai động cơ đặt phía trên cặp cánh delta và một cặp cánh mũi nhỏ phía trước. Hai động cơ của PZL-230 bố trí trên gốc cánh, khá giống với cường kích A-10 Thunderbolt II nổi tiếng của Mỹ.

Theo như tính toán dự kiến, PZL-230 chỉ cần chạy đà quãng đường tối thiểu 230 m để cất cánh và 220 m cho hạ cánh, tốc độ tối đa theo lý thuyết ước đạt 640 km/h.

Bọ cạp đến từ Ba Lan - Máy bay cường kích PZL-230 Skorpion - Ảnh 2.

Mô hình ban đầu của PZL-30, có thể thấy rõ máy bay dự định sử dụng động cơ turbine cánh quạt

Vũ khí trang bị cho PZL-230 bao gồm 1 pháo 25 mm hoặc 30 mm với cơ số đạn 250 - 750 viên tùy loại. Máy bay có khả năng mang vác vũ khí với trọng tải tối đa 2.000 kg trên các giá treo dưới thân và cánh, bao gồm bom và vũ khí có lẫn không có điều khiển của phương Tây hay Liên Xô.

Bọ cạp đến từ Ba Lan - Máy bay cường kích PZL-230 Skorpion - Ảnh 3.

Cấu hình mang vác vũ khí tối đa theo thiết kế của PZL-230

Trong năm 1990, Bộ quốc phòng Ba Lan đã đưa ra các yêu cầu cao hơn cho dự án, bao gồm tốc độ tối đa tăng lên 1.000 km/h, tải trọng vũ khí lớn nhất được nâng gấp đôi lên 4.000 kg. Skorpion được thiết kế lại với những thay đổi về cấu trúc khung thân.

Thay vì sử dụng động cơ turbine cánh quạt (turboprop) như dự định ban đầu, loại động cơ turbine phản lực cánh quạt (turbofan) Lycoming LF 507 (lực đẩy tối đa 31 kN mỗi chiếc) đã được lựa chọn nhằm giúp PZL-230 đạt hiệu suất tối ưu cho một máy bay tấn công mặt đất mà vẫn thỏa mãn yêu cầu đề ra.

Chiều dài quãng đường cất hạ cánh tối thiểu của Skorpion đã tăng lên 400 m. Một số thay đổi cũng giúp PZL-230 có xu hướng "tàng hình" hóa. Phiên bản này được biết tới với tên định danh PZL-230F.

Một mô hình của PZL-230F đã được trưng bày công khai trước công chúng. Các phiên bản sau này bao gồm biến thể chiến đấu PZL-230DB và biến thể huấn luyện PZL-230DT.

Bọ cạp đến từ Ba Lan - Máy bay cường kích PZL-230 Skorpion - Ảnh 4.

Các biến thể của PZL-230 từ trên xuống bao gồm PZL-230, PZL-230F và PZL-230D

Trần bay của Skorpion vào khoảng 10 km, bán kính chiến đấu khoảng 300 km. Nhờ hệ thống fly-by-wire tiên tiến cùng kết cấu khí động học đặc biệt, PZL-230 có khả năng cơ động đáng nể khi quay ngoặt 180 độ chỉ trong 5 giây, tốc độ leo cao đạt 95 m/s.

Buồng lái máy bay được bọc thép, cho khả năng bảo vệ phi công trước các loại vũ khí tới cỡ nòng 12,7 mm. Ghế phóng thoát hiểm là loại Martin-Baker Mk.10L. Trên PZL-30 xuất hiện nhiều công nghệ tiên tiến khi đó, bao gồm các hệ thống dẫn đường, định vị, đo xa laser...

Bọ cạp đến từ Ba Lan - Máy bay cường kích PZL-230 Skorpion - Ảnh 5.

PZL-230F dạng mô hình 1:1 (mockup)

Nhìn chung PZL-30 Skorpion là một mẫu máy bay có nhiều tiềm năng, nhưng do những bất ổn chính trị của khối Đông Âu thời kỳ đó đã gây ra nhiều xáo trộn, khiến cho Ba Lan không đủ nguồn lực để duy trì quá nhiều dự án quốc phòng mà họ chỉ giữ lại các chương trình khả thi và cấp thiết.

Mặt khác, thiết kế của PZL-30 Skorpion chứa đựng nhiều chi tiết và công nghệ tiên tiến. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về tính khả thi, khi mà tiềm lực và trình độ của ngành công nghiệp quốc phòng Ba Lan chưa đảm đương nổi. 

Vì vậy mặc dù đã được chấp thuận bởi Không quân Ba Lan vào năm 1993, nhưng cuối cùng dự án đã bị hủy bỏ trong năm 1994.

Bọ cạp đến từ Ba Lan - Máy bay cường kích PZL-230 Skorpion - Ảnh 6.

"Bọ cạp Ba Lan" đáng tiếc đã không được chấp nhận đi vào sản xuất hàng loạt

Thông số kỹ thuật cơ bản của biến thể chiến đấu PZL-230DB: Phi hành đoàn: 1 người; Chiều dài: 10 m; Sải cánh: 12,1 m; Chiều cao: 4,2 m; Diện tích cánh: 25,4 m2; Trọng lượng rỗng: 11.000 kg.

Hiệu suất: Tốc độ tối đa: 1.000 km/h (Mach 0,85); Bán kính chiến đấu: 300 km; Trần bay: 10.000 m.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại