BÌNH LUẬN: Tháng 8 là nỗi đau ở Barcelona...

Phi Phong |

Tháng 8 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử CLB Barcelona khi họ chính thức mất Lionel Messi…

Chiếc áo Barcelona đã được cởi bỏ khỏi Lionel Messi...

Chiếc áo Barcelona đã được cởi bỏ khỏi Lionel Messi...

Cũng là tháng 8, nhưng muộn hơn 1 năm, Lionel Messi đã chính thức không còn thuộc về Barcelona nữa. Lần này, anh chẳng cần phải gửi đi bất kỳ thứ gì mà ngược lại, đội bóng xứ Catalunya gửi đi dòng thông báo rất ngắn gọn về việc “Messi không ở lại Barca”.

Ai có thể hiểu được cảm giác của siêu sao người Argentina lúc này? Ngày anh muốn đi thì không được bước chân khỏi sân Camp Nou. Ngày anh muốn kéo dài hơn nữa “mối tình” đã 21 năm thì lại phải lủi thủi bước đi.

Trớ trêu làm sao, những người được nhắc đến nhiều nhất là “phải đi” như Antoine Griezmann, Philippe Coutinho, Samuel Umtiti… thì vẫn ở đó. Trớ trêu thay, Sergio Aguero và Memphis Depay đồng ý khoác áo Barca chỉ để được chơi bóng cùng Messi… Trớ trêu thay, nó đến đúng lúc tâm trạng của Messi vui nhất, sau chức vô địch Copa America với đội tuyển Argentina…

Rốt cuộc, tháng 8 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử của Barca… Nỗi đau, nỗi buồn, sự giận dữ hay là bất kỳ cảm xúc nào đó có trong mỗi người, nhất là các Culé.

Tất cả đều biết rằng, rồi sẽ đến ngày này, nhưng trong hình dung, đó phải là một khung cảnh khác, lưu luyến, bịn rịn và giàu cảm xúc hơn là dòng thông báo vẻn vẹn đúng 99 chữ, giải thích về “điều không thể”, “sự tiếc nuối” và “không còn thuộc về nhau nữa”…

Carles Puyol, Xavi Hernandez, Andres Iniesta cũng từng ra đi khi hết hợp đồng, người giải nghệ, người sang châu Á xa xôi thi đấu tiếp (để tránh việc phải đối đầu Barca trên sân cỏ), nhưng không hề có cảm giác phũ phàng như điều vừa xảy ra với Messi.

BÌNH LUẬN: Tháng 8 là nỗi đau ở Barcelona... - Ảnh 1.

Như bao Culé khác, Messi đã từng tin Joan Laporta qua lá phiếu bầu

Ngày 25.8.2020, bản burofax Messi gửi đi được ví như một cú đấm thẳng vào mặt Josep Maria Bartomeu – vị Chủ tịch đã làm mất mặt đội bóng với hàng loạt scandal và khả năng quản lý yếu kém. Messi đã muốn buông bỏ mọi thứ, nhưng vì tình yêu và lòng biết ơn với Barca, anh đã không chọn pháp luật để giải quyết vấn đề, khi Bartomeu một mực đòi thực hiện điều khoản giải phóng 700 triệu euro nếu CLB nào muốn.

Bartomeu từ chức sau đó, bị điều tra và ngày càng lộ ra nhiều vấn đề, có thể nói, là sự trả giá, dù cũng có thể hiểu rằng, ông không muốn bị ghi vào sách sử của Barca với vị trí của “ông Chủ tịch khiến CLB để mất Messi”. Và rồi, Joan Laporta, với niềm tin mạnh mẽ vào khả năng quản lý và mối quan hệ với siêu sao người Argentina, chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch.

Với Laporta, người ta tin. Quả thực vậy. Bởi dù chậm thì cách đây ít tuần, Barca cũng thông báo về việc đạt thỏa thuận mới có thời hạn 5 năm với huyền thoại 34 tuổi. Nhưng rồi sao nữa? Bằng một cách nào đó, cũng là số 8 trên tờ lịch, sự kết thúc diễn ra một cách chóng vánh.

Mặc dù Messi đã là cầu thủ tự do từ sau ngày 30/6 nhưng trên thực tế, vẫn luôn có cảm giác họ thuộc về nhau. Vậy nên, tuyên bố của Barca thực sự gây bất ngờ. Laporta, chứ không phải Bartomeu, mới là người khiến Barca mất Messi. Laporta cũng là ông Chủ tịch chứng kiến những bước chạy đầu tiên của Messi trên sân Camp Nou…

Nếu tháng 8 là nỗi đau thì tháng 3 là một lời nói dối. Lời Laporta hứa trở thành nền tảng để ông chiến thắng trong cuộc bầu cử. Lời Laporta hứa trở thành điểm tựa để Messi thay đổi suy nghĩ. Nhưng hành động của ông biến lời hứa đó thành lời nói dối lịch sử.

Người ta ngờ rằng, Laporta chỉ coi Messi như “bàn đạp chính trị” để ông trở lại Barca, “bắt tay” với Florentino Perez thực hiện dự án European Super League với nguồn tài chính khổng lồ. Một cách không chính thức, việc La Liga có ý định bắt tay với công ty tư nhân CVC được hiểu ngầm là “bơm” tiền cho Barca giải quyết vấn đề tài chính, qua đó được phép đăng ký Messi.

BÌNH LUẬN: Tháng 8 là nỗi đau ở Barcelona... - Ảnh 2.

Nhưng liệu ông Chủ tịch có thực tâm muốn giữ Messi hay không, đó vẫn là dấu hỏi

Nhưng rất nhanh, cả Perez và Laporta đều tuyên bố phản đối sự hợp tác đó vì “phải phụ thuộc vào bên thứ ba”. Họ muốn tự mình giải quyết vấn đề và chỉ Super League “của họ” mới có thể làm được.

Trên bàn cân giữa tài chính và Messi, Laporta đã chọn kinh tế, bởi ngay cả khi giảm 50% lương, đó vẫn là con số quá lớn trong 5 năm. Mà dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc… Tên tuổi của Messi có thể kéo về các nhà tài trợ, đối tác quảng cáo, nhưng làm sao bằng những hứa hẹn mà Super League mang lại?

Liệu có liên quan không khi vào đúng buổi sáng ngày Messi trở lại Barcelona (5/8) để sẵn sàng ký hợp đồng, vẫn có tin cho rằng, Paris Saint Germain “rất tự tin” sẽ đưa được anh về Paris? Họ sẵn sàng “đề nghị với Messi về mọi thứ mà tiền có thể mua, còn Neymar thực sự háo hức với khả năng đá cùng Messi một lần nữa”…

Từ khi Laporta trở lại, giới chuyên môn bình luận rằng, ông sẽ hồi sinh Barca để chuẩn bị cho thời kỳ “hậu Messi” sau vài năm nữa. Nhưng hóa ra ông đã sẵn sàng luôn rồi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại