Biệt động Sài Gòn đánh giặc bằng những cách "xuất quỷ nhập thần" nào?

Lê Tiên Long |

Cài bom nổ chậm, cường tập và pháo kích là ba phương pháp đánh giặc tiêu biểu của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Đại tá Nguyễn Đức Hùng, tức Tư Chu, nguyên chỉ huy các lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định, trong cuốn sách "Biệt Động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975)"* đã đúc kết:

"Cách đánh của các lực lượng biệt Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến diễn ra muôn màu muôn vẻ, không trận nào giống trận nào. Tuy nhiên, gom lại, thì biệt động Sài Gòn thường đánh theo ba cách tiêu biểu là: Nổ chậm, cường tập và pháo kích".

Nổ chậm

Cách đánh này đã được biệt động Sài Gòn sử dụng trong các trận tấn công nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, khách sạn Caravelle, cư xá Métropole, Victoria.... Tiêu biểu cho cách đánh này là trận đánh cư xá Brink (vị trí khách sạn Park Hyat tại Công trường Lam Sơn, Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh hiện nay), nơi ở của các sĩ quan Mỹ tại Sài Gòn, vào 17h55' chiều 24/12/1964.

Theo hồi ký "Tường trình của một quân nhân" của Đại tướng William Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam - vụ nổ đã làm 100 quân nhân Mỹ chết và bị thương.

Biệt động Sài Gòn đánh giặc bằng những cách xuất quỷ nhập thần nào? - Ảnh 1.

Nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Cao Thị Nhíp (bí danh Nguyễn Trung Kiên) dẫn đường cho xe tăng Quân đoàn 3 tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Nhà báo Ngọc Đản.

Biện pháp biệt động Sài Gòn sử dụng là dùng hai chiến sĩ biệt động sử dụng là đóng giả sĩ quan quân đội VNCH đánh xe chứa 200kg chất nổ vào cư xá, giả vờ đón một sĩ quan Mỹ có hẹn trước, sau đó cài hẹn giờ rồi tìm cách rút ra.

Trong số quân nhân Mỹ bị chết trong vụ nổ có trung tá James Robert Hagen, là sĩ quan cao cấp nhất thiệt mạng tại Việt Nam cho tới thời điểm đó. Vụ nổ cũng đã làm 4 tầng dưới của cư xá Brinks bị hư hại nghiêm trọng.

Một trận đánh khác, ngày 4/12/1965, với 450kg chất nổ TNT và C4, biệt động Sài Gòn cũng đã đánh sập 4 tầng lầu cư xá Métropole, làm chết và bị thương 131 phi công và nhân viên không quân Mỹ.

Ngày 1/4/1966, với 500kg chất nổ C4, cũng đã làm sập 20 phòng từ tầng 1 lên tầng 5 cư xá 10 tầng mang tên Victoria, nơi ở của các sĩ quan hỗn hợp của quân đội Mỹ.

Biệt động Sài Gòn đánh giặc bằng những cách xuất quỷ nhập thần nào? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cường tập

Trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ ở địa điểm cũ, góc đường Hàm Nghi - Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu), quận 1, Sài Gòn là một minh chứng cho cách đánh cường tập của biệt động Sài Gòn.

Trong cuốn "Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975)", Đại tá Nguyễn Đức Hùng thuật lại diễn biến trận đánh theo báo cáo đề ngày 14/4/1963 của Phòng Tham mưu Quân khu Sài Gòn - Gia Định, lưu trữ tại Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh, trận đánh diễn ra nhanh gọn vào lúc 10h55' ngày 30/3/1965.

Trận đánh chỉ sử dụng một tổ chiến đấu gồm các chiến sĩ biệt động Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê), Lê Văn Việt (Tư Việt), Trần Văn Thế, trong đó Bảy Bê sẽ lái chiếc xe hiệu Frigate chứa 150kg thuốc nổ áp sát tòa đại sứ để phát nổ, Tư Việt đi xe máy, Thế dựng xe chờ ở góc đường Tôn Thất Đạm - Nguyễn Công Trứ sẵn sàng hỗ trợ.

Khi Bảy Bê đánh xe chạy theo đường Phủ Kiệt (nay là Hải Triều), đến ngã tư Võ Di Nguy thì gặp đèn đỏ. Khi xe trờ ngang qua lằn vôi qua đường đến tòa đại sứ, Tư Việt dùng súng lục hạ tại chỗ tên cảnh sát vũ trang, những cảnh sát khác hoảng hốt bỏ chạy. Một số cảnh sát chìm ở quán nước gần đấy ùa ra định vây bắt, Thế dùng súng lục bắn hạ gục một tên.

Bảy Bê tăng ga, lao xe tông thẳng vào hông tòa nhà, đạp phanh cho xe dừng tại chỗ, một tay tung cửa, một tay giật nụ xòe rồi băng qua đường với sự yểm trợ của Thế. Khi các nhân viên sứ quán Mỹ nghe tiếng súng nổ đang hốt hoảng tháo chạy từ các tầng nhà thì khối thuốc nổ 150kg phát hỏa.

Lợi dung sự rối loạn, Bảy Bê nhảy xe taxi đến chợ Bến Thành, rồi rút lui an toàn về cơ sở. Thế cũng lên xe gắn máy chạy về Chợ Cũ, thu xếp đồ đạc rồi đưa mẹ ra xe lên chiến khu (vì bà cụ đứng tên mua chiếc xe ô tô). Riêng Tư Việt bị trúng đạn khi đấu súng với cảnh sát, và bị bắt gần rạp Kim Châu, sau đó hy sinh tại Côn Đảo ngày 4/10/1968.

Sức công phá của vụ nổ làm tường phía trong các tầng 1, 2, 3 đều bị sụp rỗng lên đến tầng 4, mấy chục chiếc xe hơi của sứ quán đều cháy rụi. Phó đại sứ Alexis Johnson nằm trong số người bị thương. Theo tin quân báo và báo chí Mỹ cuối năm 1965, vụ nổ làm 190 quan chức, quân nhân Mỹ chết và bị thương.

Cách đánh cường tập được biệt động Sài Gòn phát huy trong đợt 1 chiến dịch Mậu Thân 1968, khi các đội biệt động đồng loạt tập kích các mục tiêu đầu não của chính quyền Sài Gòn.

Biệt động Sài Gòn đánh giặc bằng những cách xuất quỷ nhập thần nào? - Ảnh 3.

Ngày 3/1/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và trao tặng danh hiệu AHLLVTND cho ông Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu), nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Ảnh: TTXVN.

Pháo kích

Trận pháo kích phá lễ duyệt binh mừng quốc khánh VNCH ngày 1/11/1966 là trận đánh đặc trưng cho cách đánh tiêu biểu thứ ba của biệt động Sài Gòn. Trận này, biệt động thành bố trí hai trận địa pháo DKZ82, một ở vùng bưng Sáu Xã huyện Thủ Đức (do Đoàn 10 Đặc công rừng Sác hỗ trợ), và một ở xã Đa Phước (rạch Cây Khô), huyện Nhà Bè.

Mục tiêu của các trận địa pháo là khu vực làm lễ dọc theo đại lộ Thống Nhất, từ dinh Độc Lập đến Thảo Cầm Viên. Đây là khu vực diễu binh, với các khối đội hình bộ binh, xe pháo, khí tài của quân đội VNCH, Mỹ và các nước đồng minh tham gia. Lễ đài của buổi lễ được dựng sau lưng nhà thờ Đức Bà.

Theo kế hoạch tác chiến, thời cơ nổ súng là khi Thủ tướng VNCH đọc diễn văn, hiệu lệnh nổ súng bằng cách nghe tường thuật buổi lễ trên đài phát thanh Sài Gòn. Khi bài diễn văn kết thúc rồi tiếng kèn đồng vang lên thì trận địa pháo Nhà Bè lập tức khai hỏa, bắn liên tục 12 quả đạn DKZ75.

Khi pháo nổ trong khu vực tổ chức, lễ đài tán loạn. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cùng các quan chức Mỹ nằm rạp xuống đất.

Sau loạt đạn đầu, súng bị rơi máy ngắm, phải 10 phút sau mới bắn tiếp loạt 10 quả sau. Đội hình duyệt binh náo loạn, một đại tá hải quân Mỹ bị chết trong loạt đạn này. Bắn xong, khẩu đội rời khỏi trận địa an toàn.

Gần một giờ sau, phía VNCH vãn hồi được trật tự, tiếp tục lễ duyệt binh, khi nghe đài phát thanh Sài Gòn tiếp tục tường thuật, khẩu đội DKZ75 ở Thủ Đức tiếp tục bắn cấp tập 12 quả đạn, khiến các quan khách bỏ chạy tán loạn, buổi lễ duyệt binh thất bại. Do nền đất đặt pháo sạt lở, khẩu đội phải nhanh chóng thu quân.

Hãng AFP nhận xét: "Cuộc pháo kích đã gây ra cảnh hoảng sợ khủng khiếp và chứng tỏ Việt cộng có thể mang vũ khí nặng và thủ đô VNCH".

Vào dịp quốc khánh năm 1967, do phía VNCH đã cảnh giác phòng thủ, đêm đêm cho trực thăng quần đảo đến sáng nên biệt động Sài Gòn biết rằng không thể đánh theo bài năm 1966 được.

Kế hoạch được chuyển sang dùng cối 60ly, bắn vào buổi tiệc ngoài trời tại Dinh Độc Lập, nơi Tổng thống VNCH tiếp khách mừng quốc khánh, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Hubert Humphrey.

Nơi đặt trận địa cối là một căn nhà xép trong hẻm đường Ohier (nay là Huỳnh Thúc Kháng), sát bên chùa Ấn Độ. Do căn nhà có sàn làm bằng gỗ nên chỉ sau 2 quả đạn đầu, sàn bị sập, khiến 2 quả đạn sau bị lệch hướng nổ trên nóc nhà phía trước.

Tuy nhiên hai quả đạn rơi vào sân dinh Độc Lập đã khiến các quan khách dự lễ quốc khánh của chính quyền VNCH hoảng loạn và khiếp sợ.

Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) sinh năm 1928, đá từ trần năm 2012. Ông chính là nguyên mẫu nhân vật chỉ huy biệt động Tư Chung trong bộ phim truyện 4 tập Biệt động Sài Gòn của Đạo diễn Long Vân.

* Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ xuất bản năm 2016, sách song ngữ, với bản dịch tiếng Anh của Nguyễn Vĩnh Trung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại