Bị "chụp ảnh lén" trong WC mà không hề hay biết: Hiểm họa không ngờ đến từ vật dụng thông minh mà nhiều gia đình sở hữu

Mạnh Kiên |

Một robot hút bụi thử nghiệm đã đi vào nhà vệ sinh và ghi lại hình ảnh nhạy cảm của chủ nhà, sau đó những hình ảnh này đã bị chia sẻ trên mạng xã hội, gây ra những lo ngại về quyền riêng tư.

Mối nguy từ robot hút bụi

Cuộc thử nghiệm vào năm 2020 của iRobot — công ty sản xuất robot hút bụi Roomba đã gây chấn động dư luận khi tạo ra vụ bê bối lớn về rò rỉ dữ liệu cá nhân nhạy cảm trong bối cảnh con người đang khó kiểm soát trước sự phát triển ngày càng nhanh của trí tuệ nhân tạo (AI).

Nguồn cơn bắt đầu từ việc iRobot đề nghị nhân viên và các tình nguyện viên giúp công ty thu thập dữ liệu để cải thiện mẫu robot hút bụi mới bằng cách sử dụng sản phẩm tại nhà.

Thế nhưng, một robot hút bụi thử nghiệm được trang bị camera đã đi vào nhà vệ sinh và ghi lại hình ảnh nhạy cảm của chủ nhà, sau đó những hình ảnh này đã bị chia sẻ trên mạng xã hội vào hồi đầu năm nay.

Trên thực tế, những hình ảnh mà robot ghi lại sẽ được gửi đến Scale AI, một công ty khởi nghiệp phần mềm với các nhân viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Công ty này sẽ có nhiệm vụ phân loại dữ liệu, được sử dụng để đào tạo trí tuệ nhân tạo, bao gồm cả robot hút bụi.

Hình ảnh mà robot ghi lại trong thử nghiệm sẽ giúp họ lập bản đồ chính xác hơn về không gian trong nhà, tránh chướng ngại vật, hiểu kích thước căn phòng và điều chỉnh mô hình làm sạch tốt hơn.

Các hình ảnh nói trên đã được các công ty Venezuela chia sẻ trực tuyến lên Facebook và Discord vào năm 2020. Hình ảnh nhạy cảm cũng như các cảnh khác từ bên trong các ngôi nhà trên khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đã bị lan truyền đi khắp nơi.

Bị chụp ảnh lén trong WC mà không hề hay biết: Hiểm họa không ngờ đến từ vật dụng thông minh mà nhiều gia đình sở hữu - Ảnh 1.
iRobot nói rằng các rằng dữ liệu bao gồm cả video, sẽ được gửi đến công ty cho mục đích đào tạo, nhưng vụ rò rỉ đã gây ra những lo ngại gia tăng về cách mà những đồ vật công nghệ trong nhà như robot hút bụi có thể gây rò rỉ dữ liệu cá nhân nhạy cảm như thế nào.

Khi AI tiếp tục phát triển trong nhiều lĩnh vực, sự ngờ vực về công nghệ mới cũng tăng lên do có nhiều vụ việc xâm phạm quyền riêng tư cá nhân và hơn cả là chính con người cũng không hiểu được tiềm năng của trí tuệ nhân tạo đang tiến xa đến đâu.

AI có nguy hiểm?

Mhairi Aitken, thành viên tại Viện Alan Turing - cơ sở quốc gia về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo của Vương quốc Anh cho rằng công chúng dường như đang hiểu sai về trí tuệ nhân tạo.

"Khi mọi người nghĩ về AI, họ nghĩ đến robot và Kẻ hủy diệt — họ nghĩ đến thứ công nghệ có ý thức và tình cảm", ông nói.

"AI không có thứ đó. Nó được lập trình để thực hiện một công việc và đó là tất cả những gì chúng có thể làm. Khi nói về AI, chúng ta sử dụng ví dụ về đứa trẻ mới chập chững đi, cho rằng AI cần được con người dạy mọi thứ. Đúng là như vậy, nhưng AI chỉ làm những gì bạn bảo nó làm, không giống như con người, nó không nổi cơn thịnh nộ và tự quyết thứ gì đó".

AI được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày, từ việc quyết định email nào sẽ được đưa vào thư mục thư rác cho đến điện thoại tự trả lời câu hỏi bằng trợ lý cá nhân được tích hợp sẵn.

Bị chụp ảnh lén trong WC mà không hề hay biết: Hiểm họa không ngờ đến từ vật dụng thông minh mà nhiều gia đình sở hữu - Ảnh 2.

Tuy nhiên, chính những sản phẩm giải trí như loa thông minh mà mọi người thường không nhận ra chính là sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo, Aitken nói, và những sản phẩm này có thể xâm phạm quyền riêng tư của bạn.

"Không phải chiếc loa của bạn nghe hết tất cả mọi thứ. Những gì chúng có thể làm là chọn các mẫu từ và sau đó cung cấp lại cho nhà phát triển đang làm việc trên một sản phẩm hoặc dịch vụ mới sắp ra mắt", chuyên gia nhận định.

"Một số người không quan tâm đến điều đó, một số người thì rất quan tâm, và nếu bạn là một trong số họ thì điều quan trọng là phải biết để những sản phẩm này ở đâu trong nhà, có thể bạn sẽ không muốn để chúng trong phòng tắm hoặc phòng ngủ của mình. Điều quan trọng không phải là bạn có tin tưởng AI hay không, mà là bạn có tin tưởng những người đứng sau thứ đó hay không".

Viết trên tờ Financial Times, Marietje Schaake - giám đốc chính sách quốc tế tại Trung tâm chính sách mạng của Đại học Stanford, nói rằng hy vọng về điều chỉnh AI "dường như là một nhiệm vụ bất khả thi" ở Mỹ.

Triển vọng lạc quan hơn một chút đối với châu Âu sau khi Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ đưa ra quy chuẩn để điều chỉnh hoặc cấm một số cách sử dụng AI.

"Hiện tại, chúng ta đang chờ đợi mọi thứ xảy ra để biết rằng cần hành động thế nào. Chúng ta cần phải đi trước và biết AI sẽ ở đâu trong 5 năm nữa", Aitken nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại