Bị cáo buộc 'chắp cánh' cho quân đội Nga truy lùng lính Ukraine, Kaspersky nói gì?

Hoài Giang |

Được thành lập vào năm 1997, Kaspersky Lab là một hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật của Nga.

Kaspersky bị cáo buộc 'chắp cánh' cho Nga truy lùng lính Ukraine?

Chính xác hơn, cáo buộc này của các nhà phân tích đến từ trang web "InformNapalm" là về việc AI (Trí tuệ nhân tạo) do công ty Nga xây dựng đã được sử dụng trong máy bay không người lái (UAV/Drone) trong cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" (SMO) ở Ukraine.

Cụ thể các nhà phân tích của trang web này cho biết sau khi xem xét hơn 100 GB dữ liệu trước đó đã bị các hacker thân Ukraine đánh cắp từ Albatross, công ty Nga được cho là đã hợp tác với Iran để sản xuất UAV/Drone trinh sát cho SMO, họ đã phát hiện ra 1 điều.

Đó chính là mối liên hệ giữa Kaspersky với dự án sản xuất UAV/Drone này bắt đầu từ năm 2018.

"InformNapalm" cho biết thêm rằng thời điểm đó là khi một nhóm gồm 6 người thành lập nhóm "ALB-search" để tham gia vào một cuộc thi phát triển công nghệ UAV/Drone tìm kiếm và cứu hộ.

Mặc dù "ALB-search" không giành chiến thắng trong cuộc thi đó nhưng 2 thành viên của nhóm đã trở thành trụ cột của Albatross.

Trong khi đó 2 thành viên khác của nhóm đã gia nhập Kaspersky (một người đã nhanh chóng trở thành người đứng đầu Antidrone, một nền tảng có thể giúp phát hiện và tác động vào các UAV/Drone).

Bị cáo buộc 'chắp cánh' cho quân đội Nga truy lùng lính Ukraine, Kaspersky nói gì?- Ảnh 1.

Hình minh họa.

InformNapalm cáo buộc dù hai người này đã ở trong Kaspesky nhưng vẫn tiếp tục tham gia vào việc phát triển UAV/Drone trình sát của  Albatross.

Trang web cũng lưu ý rằng sau cuộc thi nói trên, "ALB-search" đã đăng ký bằng sáng chế để xác định vị trí người mất tích bằng cách sử dụng UAV và bằng sáng chế đó hiện đang khá nổi bật trong các bài thuyết trình của Albatross.

Và để công nghệ được cấp bằng sáng chế đó hoạt động bình thường, cần tích hợp một AI và việc phát triển AI đó được cho là do những người ở Kaspersky.

"Chúng tôi biết được mục tiêu của họ là tạo ra một UAV/Drone có camera, micro và tích hợp AI để phát hiện được sự hiện diện của con người và chuyển tọa độ của họ cho người điều khiển.

Chúng ta có thể dễ dàng suy đoán các ứng dụng dân sự và quân sự của nó" - "InformNapalm" nhấn mạnh.

Hôm 22/4, tờ Defense Express (Ukraine) đã đăng tải một bài viết về cuộc thử nghiệm FPV Drone (máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất) "Wild Hornets" (Ong bắp cày hoa dã).

Tờ báo Ukraine nhấn mạnh rằng AI đã giúp FPV Drone nhận ra và bám bắt mục tiêu là con người bất kể chuyển động phức tạp của mục tiêu.

Bài viết cũng là một gợi ý rất rõ ràng về cái gọi là "ứng dụng dân sự và quân sự".

Video cho thấy FPV Drone "Wild Hornets"với AI giúp nhận dạng con người ít ngày trước.

Kaspersky nói gì?

Nói tóm lại, "InformNapalm" cáo buộc rằng Albatross được hình thành từ nỗ lực chế tạo máy UAV/Drone có thể phát hiện con người và sau đó sử dụng AI do Kaspersky phát triển đã biến thành các khí tài được Nga sử dụng để trinh sát đối phương trong SMO.

Cũng theo "InformNapalm", sau khi Nga tiến hành SMO, Kaspersky đã thực hiện các bước đi để đảm bảo mối liên kết giữa mình với Albatross được giữ kín - tức là tình trạng hiện tại của mối quan hệ giữa Kaspersky và Albatross vẫn chưa được xác định.

Khi được tờ The Register yêu cầu giải thích, Kaspersky đã phủ nhận hầu hết các cáo buộc:

"Thông tin này dựa trên lượng lớn tuyên bố sai sự thật cũng như những suy đoán từ thực tế thiếu chính xác".

Kaspersky cũng cho biết thêm rằng họ chỉ có sự hợp tác thử nghiệm, phi thương mại và vì mục đích nhân đạo với Albatross.

Kaspersky cũng xác nhận 2 nhân sự được "InformNapalm" đề cập là nhân viên của họ đồng thời cho biết họ đã có thỏa thuận phân phối giải pháp Antidrone với Albatross từ trước năm 2022 (trước khi Nga phát động SMO).

Hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật của Nga nhấn mạnh:

"Những cáo buộc chưa được xác minh về Kaspersky là các cáo buộc sai trái, vô căn cứ chống lại một công ty có sứ mệnh luôn là bảo vệ khỏi phần mềm độc hại bất kể nguồn gốc của nó.

Kaspersky vẫn cam kết tính minh bạch về hoạt động kinh doanh, sản phẩm và công nghệ của mình".

Vào tháng 1/2024, chuyên gia Nga Sergey Marzhetsky trong bài viết với tiêu đề "chiếc Hộp Pandora: "Trí tuệ nhân tạo" đã bắt đầu chiến đấu với lực lượng vũ trang Nga?" được Topcor.ru đăng tải vào tháng 1/2024 trở nên đáng suy ngẫm hơn:

"Mối đe dọa từ các khí tài không người lái tấn công thế hệ mới được trang bị AI (trí tuệ nhân tạo) là rất nghiêm trọng.

Theo đúng nghĩa đen, chỉ còn một bước nữa là quá trình robot hóa hoàn toàn vũ khí chiến tranh sẽ xảy ra, "chiếc hộp Pandora" sẽ được mở khiến cuộc chiến của thế kỷ 21 thực sự khủng khiếp".

Mặc dù kết luận của vị chuyên gia Nga quy trách nhiệm cho phía Ukraine trong việc robot hóa vũ khí chiến tranh nhưng từ việc cả 2 phía đang tích cực tích hợp AI vào UAV/Drone, có thể nói không ai "vô can" trong cuộc chiến này.

Một phóng sự của RIA Novosti về hoạt động của một tổ Drone Nga, những người vận hành các Drone trinh sát được cho là của DJI (Trung Quốc) cũng như các FPV Drone (Drone góc nhìn thứ nhất) mang chất nổ trong SMO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại