Số phận bí hiểm của "hòn đảo ma": Tồn tại từ thế kỷ 16, biến mất trong thế kỷ 20

Trang Ly |

Sau 458 năm, sự biến mất đầy khó hiểu của hòn đảo Bermeja trở thành một trong những bí ẩn kỳ lạ nhất của đại dương.

Số phận bí hiểm của hòn đảo ma: Tồn tại từ thế kỷ 16, biến mất trong thế kỷ 20 - Ảnh 1.

Bao phủ 71% bề mặt Trái Đất, đại dương và thế giới sâu thẳm của nó luôn ẩn chứa những bí mật khiến giới khoa học điên đầu giải mã. Lịch sử hàng hải tràn ngập những câu chuyện về các vụ mất tích khó hiểu của tàu thuyền, máy bay, tàu ngầm và những tay lặn cừ khôi giữa dòng nước sâu xanh thẳm. Điểm chung của tất cả các vụ mất tích này là người ta không có bất cứ manh mối gì về họ!

Chưa dừng ở đó, lịch sử cũng từng phải chứng kiến những hòn đảo sừng sừng biến mất không dấu vết trong lòng đại dương. Một trong số đó là Bermeja - bí ẩn của "hòn đảo ma" này khiến giới hàng hải và khoa học day dứt trong nhiều thế kỷ.

Bermeja là một hòn đảo không có người sinh sống, nằm ở phía tây bắc bán đảo Yucatan (Mexico). Trong vài thế kỷ, hòn đảo nằm gọn trong vịnh Mexico này tọa lạc yên ổn tại 22°33' Bắc và 91°22' Đông. Khoảng thời gian sau đó, Bermeja biến mất trước sự ngỡ ngàng của người dân đất nước vùng Bắc Mỹ và trước sự khó hiểu giới hàng hải thế giới.

Số phận bí hiểm của hòn đảo ma: Tồn tại từ thế kỷ 16, biến mất trong thế kỷ 20 - Ảnh 2.

Vị trí của hòn đảo Bermeja trên bản đồ cổ.

Trở về khoảng thời gian vào thế kỷ 16 và 17 khi những phát kiến địa lý vĩ đại của thế giới đều nhờ người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tiên phong thực hiện, tên của hòn đảo Bermeja đã xuất hiện chính thức trong tập "El Yucatán e Islas Adyacentes"1 xuất bản ở Madrid năm 1539 của nhà bản đồ học người Tây Ban Nha Alonzo de Santa Cruz (1505 – 1567).

Vị trí chính xác của hòn đảo Bermeja được bổ sung bởi nhà bản đồ học người Tây Ban Nha Alonso de Chaves (1493 – 1587).

Trong suốt thế kỷ 16 và 17, Bermeja là cái tên quen thuộc trên bản đồ của các nhà vẽ bản đồ Tây Ban Nha cũng như các nhà thám hiểm trên thế giới. Giới thủy thủ không còn xa lạ gì với hòn đảo này mỗi khi giăng buồm tiến vào vùng biển của vịnh Mexcio.

Nếu ai đó nghi ngờ sự tồn tại của Bermeja thì sẽ phải thay đổi suy nghĩ bởi, trong thập niên 1970, hòn đảo này chính là cột mốc mà Mexico đưa ra để khoanh vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý (nơi không chỉ có nguồn hải sản phong phú mà còn chứa trữ lượng dầu mỏ lớn) của mình.

Mọi chuyện bắt đầu khó hiểu khi vào năm 1997, khi một đoàn thám hiểm của Hải quân Mexico bỗng nhiên không tìm thấy hòn đảo Bermeja trong vùng vịnh quen thuộc.

Năm 2009, Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), dưới sự đồng ý của Hạ viện Mexico, bắt tay vào thực hiện 3 cuộc tìm kiếm và nghiên cứu trên quy mô lớn. Các chuyên gia nước này điều động tàu thuyền, máy bay tìm kiếm tầm xa, trực thăng, vệ tinh... tìm kiếm hòn đảo Bermeja bất kể ngày đêm.

Tuy nhiên, sau bao nỗ lực, kết quả thu được là con số 0 tròn trĩnh. Tung tích cùng sự tồn tại của hòn đảo từng được ghi nhận hồi thế kỷ 16 đã biến mất không dấu vết!

Một hòn đảo rộng 80km2, tồn tại trên bản đồ trong 458 năm (tính từ năm 1539 được vẽ trên bản đồ đến năm 1997 mất tích), đã biến mất hoàn toàn không để lại chút dấu vết tạo nên một cú sốc lớn cho cả chính quyền và người dân Mexico.

Chưa kể, việc giới quân sự và các nhà khoa học đều đồng loạt "ra tay" lý giải nhưng cũng không mang về cho người dân nước này câu trả lời thỏa đáng càng khiến người ta lo lắng và đồn thổi.

Số phận bí hiểm của hòn đảo ma: Tồn tại từ thế kỷ 16, biến mất trong thế kỷ 20 - Ảnh 4.
Số phận bí hiểm của hòn đảo ma: Tồn tại từ thế kỷ 16, biến mất trong thế kỷ 20 - Ảnh 5.

Bermeja biến mất trong sự khó hiểu của giới khoa học, hàng hải Mexico. Ảnh mang tính minh họa.

Hơn 20 năm sau khi Mexico thiết lập vùng đặc quyền kinh tế lấy hòn đảo Bermeja làm mốc là thời điểm đánh dấu sự biến mất khó hiểu của hòn đảo.

Khi quá trình truy tìm tung tích của hòn đảo gần như đi vào ngõ cụt thì đó là lúc người ta mổ xẻ nguyên nhân. Thực tế, có rất nhiều giả thuyết xoay quanh sự biến mất của hòn đảo Bermeja.

Một trong số đó là nguyên nhân đến từ tự nhiên. Theo đó, mực nước biển dâng cao hoặc hoạt động của mảng kiến tạo dưới đại dương đã khiến Bermeja biến mất. Củng cố cho giả thuyết này có câu chuyện của sử gia, nhà nghiên cứu kiêm nhà vẽ bản đồ người Mexico gốc Pháp Michel Antochiw Kolpa (1940 - 2014), theo ông, kể từ năm 1844, trên bản đồ chính thống của Anh đã cho thấy hòn đảo Bermeja bị chìm khoảng 60 sải2.

Một giả thuyết khác lại "đổ lỗi" cho các nhà vẽ bản đồ thời xưa, rằng họ đơn giản là họ định vị sai vị trí của Bermeja, thậm chí, có thể các nhà vẽ bản đồ cố tình tạo nên một "hòn đảo ma" không có thật để làm mất phương hướng của hải tặc.

Những người theo thuyết âm mưu bán tín bán nghi rằng, chính Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cố tình phá hủy hòn đảo này nhằm loại bỏ yêu sách của Mexico về trữ lượng dầu mỏ trong Vịnh và tăng chủ quyền của Mỹ về nguồn tài nguyên quý giá này tại đây.

Khi lợi ích của Mexico bị ảnh hưởng, nước này vẫn tiếp tục nỗ lực xác định vị trí của hòn đảo Bermeja bị mất tích. Tuy nhiên, vị trí, nguyên nhân và sự tồn tại của nó vẫn còn là một bí ẩn!

458 năm sau khi tồn tại chính thức trong danh sách của các nhà vẽ bản đồ người Tây Ban Nha, tung tích của hòn đảo Bermeja ở vịnh Mexico vẫn khiến các nhà thám hiểm, giới Hải quân, nhà khoa học và người dân Mexico thấy khó hiểu.

Chú thích:

(1) El Yucatán e Islas Adyacentes: Là danh sách các hòn đảo tại quần đảo Yucatan và vùng lân cận.

(2) Sải là đơn vị đo chiều sâu, 1 sải bằng 1,82 mét.

Bài viết sử dụng các nguồn: BBC, Mysteriousuniverse, Lonelyplanet, Coolinterestingstuff

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại