Bật mí 3 giây bay trên Quảng trường Đỏ của vận tải cơ An-124

Đại tá Trần Danh Bảng |

Để có 3 giây xuất hiện đúng trên khoảng trời Quảng trường Đỏ nhỏ nhoi, những phi công lão luyện điều khiển máy bay vận tải khổng lồ An-124 của Nga đã phải khổ luyện cực kỳ vất vả.

Quảng trường Đỏ (Hồng trường) của Nga dài khoảng 700 mét, máy bay vận tải khổng lồ An-124, phải xuất hiện đúng lúc để hiệp đồng chặt chẽ đội hình với các máy bay khác, có tốc độ và tầm bay khác nhau trong Lễ diễu binh.

Báo Quân đội Nga mới đây đã phỏng vấn những phi công, hoa tiêu tài ba. Họ bật mí về những bài tập phải khổ luyện trên bầu trời.

Luyện tập từ vài tháng, tần suất cao

Đại Tá Maxim Okss chỉ huy Trung Đoàn Seschinskoy (Trung đoàn Không quân số 566) cho biết, đơn vị này đã tham gia tất cả các cuộc diễu hành trên không ở Nga, từ năm 1946.

Giờ đây Trung đoàn 566 là đơn vị duy nhất ở Nga làm nhiệm vụ trên các máy bay khổng lồ Antonov An-124, biệt danh "Ruslan", từng là loại lớn nhất thế giới.

Năng lực vận tải của Trung đoàn rất lớn, bởi họ đang vận hành hàng chục chiếc An-124 có tải trọng lên tới hơn 170 tấn, chỉ trong một vài giờ là chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên thế giới.


Máy bay vận tải khổng lồ An-124 bay trên Quảng trường Đỏ.

Máy bay vận tải khổng lồ An-124 bay trên Quảng trường Đỏ.

Đại tá Maxim Okss chia sẻ rằng đơn vị của ông lần này lại tham gia diễu duyệt trong Ngày Chiến thắng, mồng 9 tháng 5 tới đây.

Để có 3 giây xuất hiện trên quảng trường, các phi công, hoa tiêu, các kỹ sư và kỹ thuật viên đã tập trung nhận nhiệm vụ từ vài trước.

Họ bắt đầu nghiên cứu chi tiết về đường bay, đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật của các loại máy bay cũng như mối tương tác với cự ly khác nhau đến không vực Thủ đô Moscow. Các đội bay thực hiện bay mô phỏng vài giờ một ngày, trong các điều kiện khác nhau.

Trong cuộc duyệt binh ngày 9/5 sắp tới, Quân đội Nga tham dự 71 máy bay. Đại tá tiết lộ.

Để tham gia vào đội hình lớn này, tuần chót, họ chuẩn bị hai chiếc, hai tổ bay An-124. Trong đó có 1 làm dự bị. Trong tất cả các bài tập, hai chiếc tham gia luyện tập như nhau. Thậm chí, vào ngày 9/5 cả hai chiếc đều bay lên không trung.

Nếu mọi thứ diễn ra bình thường, đến vùng trời tỉnh Tula, một chiếc sẽ trở về nhà. Dễ hiểu là vào ngày Chiến thắng, từ các sân bay của Nga, số máy bay các loại tăng lên rất cao về tần xuất hoạt động trong không gian, nhiều hơn người ta thấy trên vùng trời Thủ đô.

Hiệp đồng trên trời với hàng chục kiểu máy bay

Đại Tá Maxim Okss bật mí: Từ lúc cất cánh tham gia diễu binh, đến khi trở về, An-124 hoạt động trên không khoảng hơn 180 phút. Có 8 máy bay tham gia huấn luyện tất cả từ vài tháng trước. Thời gian chuẩn bị trước khi bay cho mỗi chiếc là hơn 30 giờ.

Nhiều người hỏi, làm thế nào để bảo đảm đội hình diễu hành trên không ăn khớp theo kịch bản, hoành tráng, đẹp mắt, khi các loại máy bay khác nhau về kích thước và tốc độ. Trong đó có cả máy bay tốc độ chậm như trực thăng?

Đại tá Maxim Okss mô tả: Có loại máy bay, dãn cách trên không có khi chỉ là một mét!


Máy bay vận tải khổng lồ An-124 Ruslan.

Máy bay vận tải khổng lồ An-124 Ruslan.

Sự phức tạp này được các hoa tiêu cao cấp đảm trách. Với Trung đoàn này, Đại tá Vladimir Dubrovin chịu trách nhiệm chính. Trong biển mây, đây là những nhiệm vụ khó khăn nhất, gồm việc tính toán các giai đoạn từ cất cánh, hợp đoàn, vào tuyến, đến khi hạ cánh về căn cứ.

Đại Tá Dubrovin nói, tổng chỉ huy bay diễu hành yêu cầu mỗi máy bay và trực thăng cất cánh từ sân bay của mình, phải đúng thời gian, khi vào từng khúc ngoặt của lộ trình bay. Cụ thể là có hơn 10 điểm ngoặt, chuyển hướng bay như thế.

Do vậy về tham số như tốc độ, hướng bay các phi công phải thực hiện với độ chính xác tính bằng giây. Các hoa tiêu đều có bản đồ hành trình rất chi tiết.

Đại tá cũng tiết lộ: Trên thực tế hàng chục kiểu máy bay có tốc độ khác nhau, gần như không thể bay đúng đội hình kịch bản trong thời gian dài.

Cách một vài cây số trước khi đến Hồng trường, các tốp mới “nhập với nhau” để “khớp đội hình cuối cùng” một cách chính xác rồi cùng bay qua Điện Kremlin.

Ngay lập tức sau đó “phá vỡ”, theo tốc độ từng kiểu loại, nhưng không để hỗn loạn, mà có “trật tự riêng” cho từng nhóm về căn cứ.

Đại tá Dubrovin giải thích: Đối với từng nhóm có “mực bay cao” ổn định, như ví dụ, An-124 độ cao bay giữ 400 mét, với IL-76 cao hơn 50 mét. Còn máy bay trực thăng mực bay chỉ 150 đến 200 mét.

Tốc độ các loại máy bay khác nhau cũng khác nhau: như Tu-22 là 550 km/h còn An-124 là 500km/h. Theo đó An-124 bay của mình trên Quảng trường Đỏ mất khoảng 3 giây. Xuất hiện lâu nhất trên bầu trời Moscow là các dòng máy bay trực thăng do chúng di chuyển chậm.


An-124 bay qua Quảng trường Đỏ cùng với các máy bay tiêm kích.

An-124 bay qua Quảng trường Đỏ cùng với các máy bay tiêm kích.

Dubrovin lập luận: Ngay cả khi tính toán dự kiến “cẩn trọng nhất” vẫn có thể có sai lệch. Ví dụ, có thể hướng gió đột ngột thay đổi, đó là do ý trời. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các kỹ năng chỉ huy và hoa tiêu tàu bay được chúng tôi vận dụng nhanh nhạy, chính xác.

Chúng tôi thường có mẹo nhỏ, chỉnh hướng máy bay ở khúc ngoặt tiếp theo “triệt - hoặc tăng” góc dạt, bù gió nhiều hơn một chút về bên phải, hoặc bên trái nhưng tốc độ bay cùng vẫn không thay đổi.

Ngày 9/5 tới đây, ước tính vào thời khắc “hợp đoàn”, trên không vực Trung tâm Moscow, chỉ trong 20 giây sẽ có 15 nhóm máy bay cánh bằng và trực thăng xuất hiện cùng lúc.

Đại tá Nikolai Erko, một trong những cựu sĩ quan được tôn trọng nhất của Trung đoàn 566. Tình yêu đến mê say với "Ruslan" của ông thật khó tả. Ông sẵn sàng nói về An-124 trong nhiều giờ với niềm phấn khích về loại máy bay từng thiết lập 7 kỷ lục thế giới.

Đã có 13 danh hiệu Anh hùng Liên Xô được phong cho các cá nhân của Trung đoàn 566 - Seschinskoy.

Theo Nikolai Erko, đặc điểm nổi trội "Ruslan" của chúng tôi là tải trọng tối đa tới 178 tấn, từng là loại máy bay vận tải quân sự lớn nhất Thế giới. Sau năm 1988, nó bị AN-225 Mriya soán ngôi khi có tải trọng vượt trội - 250 tấn.

Tập đoàn Lockheed Martin đã ký hợp đồng với Nga, dùng An-124 để vận chuyển phương tiện phóng tên lửa Atlas V từ Denver đến Mũi đất Canaveral. 2 chuyến bay được yêu cầu để chuyển mỗi phương tiện phóng.

Năm 1990, các phi công An-124 bay chuyến vòng quanh Úc - Nam Cực - Bắc Cực và trở lại Úc, chỉ dừng chân tại Rio de Janeiro, Casablanca và Vozdvizhenka. Chuyến bay kéo dài 72 giờ 16 phút, vượt hơn 50.000 km.

Do khả năng độc đáo, "Ruslan" không bao giờ nhàn rỗi, khi thì chuyển bệnh viện di động tới Guinea để ngăn dịch Ebola, lúc lại hỗ trợ người dân ở vùng Camchatka trong lũ lụt, khi thì chở tên lửa phòng không S-400 tới Viễn Đông hay viện trợ nhân đạo cho nhân dân Syria mới đây.

An-124 từng chở máy bay Su-27, Su-30 từ Nga sang bán cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong 71 máy bay diễu binh trên Hồng trường, các tài liệu khác nhau cho biết, còn có nhiều máy bay phản lực thế hệ mới của Nga, có tốc độ cao cùng tham gia. Trong đó có đội bay “Tráng sĩ Nga” nổi tiếng.


Tổ bay An-124 vinh dự được duyệt binh trong ngày lễ Chiến thắng 9-5 ở Nga.

Tổ bay An-124 vinh dự được duyệt binh trong ngày lễ Chiến thắng 9-5 ở Nga.

Để có vài giây xuất hiện trên Quảng trường, các phi công - hoa tiêu đã kỳ công luyện tập, có những lúc phải toát mồ hôi hột để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì ngày lễ trọng của đất nước Nga và nhiều quốc gia thoát ách phát-xít.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại