Báo Thái Lan: Việt Nam là "điểm sáng kinh tế hiếm hoi" giữa những bất định trên toàn cầu

Hồng Anh |

Không chỉ Bangkok Post, mà mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã đưa ra dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam.

Báo Thái Lan: Việt Nam là "điểm sáng kinh tế hiếm hoi"

Với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định và hàng loạt cơ hội, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng kinh tế hiếm hoi giữa bối cảnh toàn cầu lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng - báo Bangkok Post (Thái Lan) nhận định.

Cụ thể, theo Bangkok Post, Việt Nam, một thị trường mới nổi nằm trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, đã thu hút được các khoản đầu tư đáng kể từ nước ngoài.

Bangkok Post cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam thường mang lại tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cao. Trong tháng 8, khi thị trường chứng khoán ở các quốc gia phát triển giảm điểm, thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trở lại - hơn 4% - nhờ dòng vốn tiếp tục chảy vào thị trường này và các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ.

Báo Thái Lan: Việt Nam là điểm sáng kinh tế hiếm hoi giữa những bất định trên toàn cầu - Ảnh 1.

Ảnh: Bangkok Post

Theo Bangkok Post, công ty đầu tư One Asset Management (ONEAM) đã chỉ ra 4 yếu tố chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia mang lại lợi nhuận cao.

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ bất chấp đại dịch COVID-19. GDP Quý II năm 2022 tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng trưởng 5% của Quý I.

Sự phục hồi trong các ngành tiêu dùng và dịch vụ sau khi Việt Nam tái mở cửa đã góp phần vào đà tăng trưởng đó. Các nhà phân tích của ONEAM tin rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 có thể tăng lên 6,1-6,5%.

Yếu tố thứ hai, đó là các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giúp Việt Nam tăng cường nguồn lực.

Thứ ba là các chính sách cải cách đất đai, chẳng hạn như thẩm định đất đai theo giá thị trường và giới hạn diện tích nông-công nghiệp không quá 20 ha cho mỗi nhà máy. Các chính sách này đã đảm bảo rằng đất đai mang lại lợi ích cho đại đa số dân cư.

Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác nhau để đảm bảo thu thuế đạt hiệu quả cao hơn.

Cuối cùng, sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam đã rút ngắn thời gian giao dịch chứng khoán xuống T+2/T+1,5, dự kiến sẽ tạo điều kiện cho việc tung ra các sản phẩm tinh vi hơn trong tương lai.

ONEAM tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội phát triển ngang tầm với các sàn chứng khoán châu Á khác trong tương lai.

Báo Thái Lan: Việt Nam là điểm sáng kinh tế hiếm hoi giữa những bất định trên toàn cầu - Ảnh 3.

Ảnh: AFP


"Quốc gia có tiềm năng tăng trưởng cao nhất châu Á"

Theo Bangkok Post, đầu tháng này, tập đoàn Lotte của Hàn Quốc đã công bố dự án xây dựng trung tâm mua sắm, văn phòng và các tiện ích khác cao 60 tầng trên khu đất rộng 50.000m2 tại TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, đánh dấu một khởi đầu mới ở nước ngoài của tập đoàn này.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án vào ngày 7/9, Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong-bin cho biết tập đoàn sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, một quốc gia có xu hướng dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 33.

Lotte coi Việt Nam là "quốc gia có tiềm năng tăng trưởng cao nhất châu Á", ông Shin Dong-bin nói. Sau Hàn Quốc và Nhật Bản, Việt Nam sẽ trở thành thị trường số 3 của Lotte, nơi các công ty của tập đoàn sẽ tập trung nguồn lực phát triển.

Dự báo lạc quan của IMF

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã đưa ra dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh các nền kinh tế khác ở châu Á có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Theo IMF, Việt Nam đang duy trì tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát nhờ việc giới hạn giá nhiên liệu và các dịch vụ liên quan trực tiếp như vận tải.

Giá tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm tại Việt Nam đã tăng, nhưng vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với ngưỡng 4% của Ngân hàng Trung ương đặt ra cho năm nay. Điều này một phần là nhờ vào sự phục hồi của Việt Nam vào cuối năm 2021 đã giữ cho lạm phát trong tầm kiểm soát, trong khi duy trì giá lương thực và chi phí năng lượng thấp hơn các nước trong khu vực.

IMF nhận định rằng những thành công của Việt Nam có thể là nhờ việc áp dụng linh hoạt chiến lược "sống chung với Covid" và chiến dịch tiêm phủ vaccine trên phạm vi toàn quốc.

Các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của chính phủ Việt Nam cũng đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất mạnh mẽ, cùng với đó là phục hồi các hoạt động bán lẻ và du lịch.

Tuy giá lương thực trên toàn cầu tăng, nhưng Việt Nam ít bị tác động do nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm ngoài, và giá gạo vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì. Hơn nữa, mức tăng giá đối với các dịch vụ, chẳng hạn như y tế và giáo dục, cũng không quá lớn.

Với triển vọng lạc quan như vậy, gần đây IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay thêm 1% so với mức được công bố từ 3 tháng trước đó, tức nâng lên 7%. Đáng chú ý, đây là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất của IMF trong số các nền kinh tế châu Á.

IMF dự báo Việt Nam có GDP theo sức mua tương đương (PPP) đạt khoảng 1.278 tỷ USD, xếp thứ 3/11 tại Đông Nam Á và xếp thứ 10/15 tại châu Á. Trung Quốc được dự báo là nền kinh tế có GDP (PPP) lớn nhất châu Á, theo sau là Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc./.

Theo Bangkok Post, Vietnam Briefing

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại