Báo chí khoe 40 nước ủng hộ TQ, chuyên gia nói "đừng vội mừng"

Hải Võ |

Càng sát thời điểm Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague đưa ra phán quyết vụ kiện biển Đông, Trung Quốc càng nhận thức rõ cần phải lôi kéo sự ủng hộ từ xã hội quốc tế.

Giáo sư Đại học nhân dân Trung Quốc Thời Ân Hoằng trả lời trên kênh Phượng Hoàng (Trung Quốc) hôm 13/5 bình luận, đây là lần đầu tiên Trung Quốc phải công khai thỉnh cầu/yêu cầu sự ủng hộ của các bên đối với lập trường của nước này.

Theo ông Thời, động thái của Bắc Kinh trong việc đối phó vụ kiện biển Đông trở nên mạnh mẽ hơn kể từ khi Philippines đưa ra yêu cầu Mỹ cùng các đồng minh phương Tây tỏ thái độ ủng hộ một cách thực chất đối với Manila.

Tờ Financial Times (Anh) ngày 13/5 đưa tin, Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt phán quyết sắp được công bố của PCA về vụ Philippines kiện "đường chín đoạn".

Vụ trưởng Vụ Điều ước và Pháp luật Bộ Ngoại giao Trung Quốc Từ Hoành trắng trợn phủ nhận quyền hạn của tòa PCA đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông và ngang ngược gọi đây là "điển hình của sự lạm dụng Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)".

Báo chí Trung Quốc "tung hô", chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ ngoại giao nước này đã thu được nhiều kết quả khả quan, cụ thể là sự ủng hộ của "nhiều quốc gia" đối với Bắc Kinh trong vụ kiện mà Philippines là nguyên đơn.

Trong một báo cáo sáng nay, 14/5, Thời báo Hoàn Cầu - tờ báo thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo - tuyên bố "đã có hơn 40 quốc gia tỏ thái độ ủng hộ lập trường của Bắc Kinh".

Báo chí khoe 40 nước ủng hộ TQ, chuyên gia nói đừng vội mừng - Ảnh 2.

 (Ảnh minh họa)

Nhiều tờ báo lớn khác của Trung Quốc cũng "điểm danh" một loạt cái tên các nước mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã công du thời gian qua để vận động hành lang.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 13/5 "hào hứng" tuyên bố: "Công bằng ở trong lòng người", khi thông báo có thêm 2 quốc gia "ủng hộ Trung Quốc" trong vấn đề biển Đông.

Tuy nhiên, ông Thời Ân Hoằng chỉ ra sự nhầm lẫn tai hại của truyền thông Trung Quốc, khi hễ nước nào tỏ thái độ "thông cảm với Trung Quốc" như Nga, Belarus, Sudan, Brunei hay Campuchia... thì lập tức được rêu rao là "ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề biển Đông".

Ông này khẳng định, các quốc gia mà Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ cho đến nay đều "không liên quan trực tiếp tới tranh chấp biển Đông", "không thừa nhận 'đường chín đoạn'" và "không thừa nhận các tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh áp đặt ở biển Đông".

Các quốc gia trên cũng không hề thừa nhận và ủng hộ hành động bành trướng, bồi lấp, cải tạo đảo nhân tạo (trái phép) ở biển Đông, cũng như bố trí vũ khí quân sự (phi pháp) mà Trung Quốc tiến hành trên các đảo này - ông Thời cho biết.

"Vì vậy, Trung Quốc cần phải xác định nỗ lực vận động sự ủng hộ của một số ít quốc gia là cần thiết, nhưng trong vấn đề biển Đông Bắc Kinh vẫn chỉ có thể dựa vào chính mình.

Sự 'thông cảm' của các nước khác dù quan trọng nhưng có nhiều hạn chế. Không thể kỳ vọng quá cao vào đó," Thời Ân Hoằng nói trên kênh Phượng Hoàng.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các "đồng minh ủng hộ Trung Quốc" gồm một số nước châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Úc.

Trong khi đó, hãng Reuters (Anh) bình luận rằng những nước mà Bắc Kinh vận động hành lang thời gian qua, trừ Nga, "đều là các nước nhỏ".

Đáp lại, ông Từ Hoành "cãi cố" rằng "nhìn nhận một vấn đề không nằm ở chỗ tiếng nói của ai lớn hơn, bởi đây không phải là một cuộc 'đánh hội đồng'", đồng thời lớn tiếng chỉ trích "các nước lớn phương Tây không đại diện cho cả xã hội quốc tế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại