Báo cáo của LHQ: Triều Tiên "tuồn" hàng triệu tấn hàng sang Trung Quốc để né cấm vận

Uyên Uyên |

Reuters dẫn báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 10/2, nói rằng CHDCND Triều Tiên đã tiếp tục triển khai chương trình hạt nhân và tên lửa của họ trong năm 2019.

Các chuyên viên giám sát lệnh trừng phạt của LHQ viết trong báo cáo tổng kết về việc Triều Tiên xuất khẩu hàng triệu tấn hàng hoá thông qua xà lan của Trung Quốc nhằm trốn tránh lệnh trừng phạt áp đặt từ năm 2017.

"Theo một quốc gia thành viên giấu tên, CHDCND Triều Tiên xuất khẩu trái phép 3.7 triệu tấn than từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2019 bằng cách sử dụng tàu treo cờ Triều Tiên vận chuyển tới xà lan của Trung Quốc."

Báo cáo nêu, lượng than này sau đó được đưa tới ba cảng tại Vịnh Hàng Châu và các cơ sở khác dọc theo sông Dương Tử ở Trung Quốc.

Giám sát viên LHQ cũng dẫn lời một quốc gia thành viên cho biết Triều Tiên còn xuất khẩu tới Trung Quốc ít nhất một triệu tấn cát từ nạo vét sông, có giá trị hơn 22 triệu USD.

Báo cáo cho biết thêm, "Trong năm 2019, CHDCND Triều Tiên vi phạm các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an khi không dừng mà tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân."

Bình Nhưỡng bị cáo buộc đã tiến hành 13 vụ thử tên lửa và phóng ít nhất 25 tên lửa trong năm ngoái, bao gồm tên lửa hành trình tầm ngắn và tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm. Các cuộc tấn công này được cho là gây tổn thất kinh tế và mang lại nguồn thu bất hợp pháp cho Triều Tiên, cũng như vi phạm các cấm vận về tài chính.

"Những cuộc tấn công này có rủi ro thấp, khó phát hiện và ngày càng tinh vi," báo cáo có đoạn.

Cũng theo báo cáo, Triều Tiên còn mua bán "chui" một số công nghệ hay nguyên liệu sản xuất. Các giám sát viên nêu ra việc Bình Nhưỡng tiếp tục nhập khẩu trái phép dầu mỏ tinh chế thông qua đường biển.

Bản báo cáo tổng kết dài 67 trang được phổ biến tại Uỷ ban giám sát trừng phạt CHDCND Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 10/2. Báo cáo dự kiến công bố vào tháng tới, cùng thời điểm Mỹ cố gắng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hoá đang bị đình trệ với Triều Tiên.

Triều Tiên phải chịu các lệnh trừng phạt khác nhau của LHQ từ năm 2006. Các cấm vận này được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế nguồn tiền rót vào các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Mặc dù cấm vận không nhắm vào người dân Triều Tiên, báo cáo cũng đánh giá khách quan "các tác động không mong muốn" liên quan đến tình hình nhân đạo và các hoạt động viện trợ khi áp dụng trừng phạt.

Trước đó, Nga và Trung Quốc từng bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt lên đời sống người dân Triều Tiên và đề xuất nới lỏng các biện pháp nói trên nhằm vượt qua bế tắc trong tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ý kiến này không vượt qua được sự phản đối từ các nước phương Tây trong Hội đồng Bảo an khi Mỹ, Pháp và Anh cho rằng lúc này chưa phải là thời điểm cân nhắc dỡ bỏ cấm vận.

Bình Nhưỡng nói rằng họ không còn chịu ràng buộc với cam kết ngừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã không thể hiện được thêm sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân cùng các cấm vận "hà khắc và phi nhân đạo" trước hạn chót mà Bình Nhưỡng đưa ra là cuối năm 2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại