Bằng cách này, 1 tên lửa Tomahawk cũng có thể đưa Nga-Mỹ tới bờ vực Thế chiến III

QS |

Chuyên gia phân tích Harry J. Kazianis đặt ra tình huống giả định, trong đó Nga-Mỹ rơi vào căng thẳng cực độ trên cả 3 mặt trận tiềm năng - Baltic, Ukraine và Syria.

Việc khơi mào thế chiến III với Nga tại Syria sẽ dễ xảy ra tới mức nào? Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Harry J. Kazianis - Giám đốc các chương trình nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ) - đã phân tích vấn đề này.

Phân tích của ông Kazianis được đưa ra dựa trên những cuộc chiến tranh mà ông đã nghiên cứu trong nhiều năm, những cuộc phỏng vấn mà ông đã thực hiện với các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, cũng như một số yếu tố giả định do ông đặt ra.

Cụ thể như sau:

Giả sử tính từ thời điểm này, chỉ còn 2 tuần nữa Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến hành một vụ tấn công vũ khí hóa học khác. Lần này, có 400 người dân ở ngoại ô Damascus thiệt mạng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định trả đũa, phóng 150 tên lửa hành trình để tăng cường gây thiệt hại cho lực lượng không quân của ông Assad. Tuy nhiên lần này, chuyện ngoài ý muốn đã xảy ra.

Bằng cách này, 1 tên lửa Tomahawk cũng có thể đưa Nga-Mỹ tới bờ vực Thế chiến III - Ảnh 1.

Tên lửa Tomahawk phá hủy mục tiêu

Lực lượng Mỹ tìm cách thông báo cho chính phủ Nga về vụ tấn công sắp tới, nhưng họ gặp trở ngại bởi Moscow đã hủy bỏ thỏa thuận tránh xung đột trên không với Mỹ sau vụ tấn công hôm 6/4.

Mặc dù Mỹ đã thông báo với Đại sứ Nga tại Washington trước khi diễn ra vụ tấn công vài tiếng nhưng thông tin này không được chuyển đến bộ chỉ huy kịp thời và bi kịch đã xảy ra.

Một trong số các tên lửa Tomahawk đã đánh trúng một căn cứ không quân Syria, nhưng căn cứ này lại đang có đặc nhiệm Nga hoạt động và chính quyền Trump không hề biết điều đó.

Các hãng thông tấn như Sputnik, RT và nhiều tờ báo khác của Nga nhanh chóng đăng tải những hình ảnh khủng khiếp về các binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương nặng, họ nằm trong đống đổ nát và kêu gào trong đau đớn. Tổng cộng, vụ tấn công đã khiến 46 binh sĩ Nga thiệt mạng và 24 binh sĩ khác bị thương nặng.

Phản ứng của Nga:

Tổng thống Nga Putin lập tức ra lệnh tiến hành một cuộc tập trận đột xuất quy mô lớn, với sự tham gia của 200.000 binh sĩ trực thuộc lục quân, hải quân và lực lượng hạt nhân. Tất cả được đặt trong tình trạng báo động cao từ châu Âu cho tới Trung Á.

Cùng thời gian này, Nga bắt đầu tăng cường cung cấp vũ khí cho lực lượng ly khai ở Đông Ukraine. Trong vòng chưa đầy 1 tuần, lực lượng do Nga hậu thuẫn đã tràn sang Mariupol.

Bằng cách này, 1 tên lửa Tomahawk cũng có thể đưa Nga-Mỹ tới bờ vực Thế chiến III - Ảnh 2.

Binh lính Nga trong một cuộc tập trận.

Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley khẩn thiết đề nghị Liên Hiệp Quốc viện trợ vũ khí sát thương, và Tổng thống Trump thông qua thỏa thuận cung cấp vũ khí chống tăng tiên tiến cho Kiev.

Tuy nhiên. Nga không dừng lại tại đây. Moscow quyết định phải tạo ra rắc rối cho Washington ở châu Á bằng cách cung cấp thêm 4 tổ hợp phòng không S-400 cho Trung Quốc và đề nghị hợp tác phát triển một mẫu tiêm kích tàng hình F-35 mới. Tất nhiên, Bắc Kinh chấp nhận đề nghị này.

Nga cũng đồng thời hậu thuẫn cho Trung Quốc tại các vùng tranh chấp.

Và từ đây, tình hình trở nên xấu hơn:

Tổng thống Trump chỉ thị cho quân đội Mỹ cùng đồng minh thị uy sức mạnh và tinh thần đoàn kết bằng cách điều các tiêm kích tàng hình F-22 Raptor tới tuần tra các nước Baltic, trong bối cảnh Nga đã tăng gấp 3 lần số lượng các cuộc tuần tra trên không trong khu vực này, nhiều cuộc tuần tra trong số đó đã xâm phạm không phận các nước NATO.

Sang tuần tiếp theo, cả thế giới nín thở khi máy bay Nga và NATO chạm trán nhau trên bầu trời Baltic. Một máy bay Nga áp sát quá gần tiêm kích Mỹ và cánh của chúng va vào nhau, khiến cả 2 máy bay rơi xuống biên giới Nga-Lithuania. Phi công của cả 2 phía thiệt mạng.

Bằng cách này, 1 tên lửa Tomahawk cũng có thể đưa Nga-Mỹ tới bờ vực Thế chiến III - Ảnh 3.

Theo tình huống giả định, máy bay Nga-Mỹ sẽ xảy ra va chạm (Ảnh minh họa).

Giờ đây, trên 3 mặt trận tiềm năng - vùng Baltic, Ukraine và Syria - Nga và Mỹ đều đối đầu nhau, không bên nào chịu nhượng bộ.

Trump ra lệnh cho lực lượng hạt nhân chuyển sang trạng thái báo động 3 (ở trạng thái sẵn sàng hơn mức thông thường) và Putin cũng có động thái tương tự.

Rõ ràng, tất cả bom đạn trên thế giới sẽ không đưa Syria trở lại như xưa nhưng có thể gây ra một cuộc đụng độ lớn nhất chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Tất cả những lý do này khiến quan điểm ban đầu của Trump - tránh xa cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng và nơi trú ẩn của hàng triệu người - hóa ra lại đúng đắn.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Harry J. Kazianis.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại