Ba vụ "thất lạc" hồ sơ cán bộ, bản đồ quy hoạch gây xôn xao dư luận

T.Nguyên |

Câu chuyện bản đồ quy hoạch 1/5.000 KĐT Thủ Thiêm thất lạc làm nhiều người nhớ tới 2 vụ "thất lạc hồ sơ" khác được đặc biệt quan tâm năm 2017.

"Thất lạc" bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm

Hôm nay (9/5), nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh cho biết, Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Thanh Liêm cùng một số người đến nhà riêng của ông mượn 13 tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và được ông đồng ý.

13 bản đồ này ông Thanh nói đã trực tiếp trình Thủ tướng và Bộ Chính trị duyệt từ năm 1996 khi đương chức.

"Đích thân tôi phải sắp xếp nửa ngày để bố trí phòng họp sử dụng được cho 13 tấm bản đồ trong tập hồ sơ "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm " trình Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước xem.

Cùng với bản đồ này là việc thuyết minh tỷ lệ quỹ đất sử dụng cho từng nội dung cụ thể, trong đó đặc biệt ưu tiên quy hoạch 160 ha tái định cư cho những người sống lâu và có nguồn gốc đất rõ ràng", ông Thanh trước đó nói trên TTXVN.

Bản đồ gốc quy hoạch 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm là vấn đề nóng suốt nhiều ngày qua, kể từ khi ông Nguyễn Thanh Nhã (Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) thông báo về việc chưa tìm ra tài liệu này tại buổi họp báo hôm 2/5.

Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan khi đó quả quyết: "Chúng ta không nói là không có, mà là tìm chưa ra, cơ quan chức năng vẫn đang tìm".

Phản bác lại điều này, ông Nguyễn Hồng Điệp (Vụ trưởng, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ) khẳng định trên báo Dân trí, không có chuyện bản đồ thất lạc. Theo ông Điệp, TP.HCM nên trả lời thẳng thắn người dân là không có bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Còn trên báo Trí Thức trẻ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thông tin, khu đô thị Thủ Thiêm từng 2 lần được phê duyệt quy hoạch và có nhiều bản đồ. Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung năm 1996, tuy nhiên về pháp lý đã được thay thế bằng quy hoạch năm 2005.

Ba vụ thất lạc hồ sơ cán bộ, bản đồ quy hoạch gây xôn xao dư luận - Ảnh 1.

Người dân khóc khi nói về chuyện đền bù ở Thủ Thiêm.

Hồ sơ "hotgirl" Trần Vũ Quỳnh Anh không còn

Tháng 9/2016, tin đồn bà Trần Vũ Quỳnh Anh (SN 1986, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa) là "bồ" của một đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa rầm rộ trên mạng xã hội.

"Hotgirl Thanh Hóa" Trần Vũ Quỳnh Anh có đường quan lộ thần tốc, thời gian bà này từ phó phòng lên trưởng phòng chỉ trong vòng 7 tháng (18/4/2014 - 7/11/2014). Việc nghỉ việc của bà Quỳnh Anh cũng diễn ra chóng vánh. Đơn xin nghỉ việc gửi ngày 20/9/2016 thì ngày 23/9/2016 có 2 hội nghị liên tiếp của nhà chức trách diễn ra, đồng ý cho bà nghỉ việc.

Tháng 3/2017, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa phát đi thông báo cho hay, hồ sơ gốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh không còn lưu giữ tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, do là trước đó, ngày 23/9/2016, Chánh văn phòng Sở Xây dựng đã bàn giao lại cho bà Quỳnh Anh khi bà nhận quyết định thôi việc.

"Giám đốc Sở Xây dựng quản lý không chặt chẽ, để Chánh văn phòng giao hồ sơ cho bà Quỳnh Anh là không đúng quy định Thông tư 11/2012 của Bộ Nội vụ về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.

Trách nhiệm này thuộc Giám đốc, Chánh văn phòng Sở Xây dựng hiện tại. Tỉnh Thanh Hóa sẽ xử lý nghiêm việc này", Chánh Văn phòng UBND Thanh Hóa Ngô Hoàng Kỳ nói trên Zing.vn ở thời điểm xảy ra sự việc.

Tháng 4/2017, báo Tiền phong viện dẫn Hướng dẫn số 15 ngày 5/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương cho biết, trường hợp bổ sung bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào chức danh Phó Giám đốc Sở thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Hồ sơ của bà Quỳnh Anh có thể sẽ còn lưu tại Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá.

Hồ sơ Trịnh Xuân Thanh "biến mất"

Thông tin thất lạc bộ hồ sơ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)) được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nói tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối 3/8/2017.

Thứ trưởng Thừa cho biết, Bộ nhận được hai bộ hồ sơ có dấu đỏ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, Bộ chỉ còn giữ một bản gốc, còn bản đóng dấu công văn đến lưu văn thư thì đã thất lạc.

Ngay trước đó, vào ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã "ra đầu thú" tại Cơ quan An ninh điều tra.

Sự biến mất khó hiểu của bộ hồ sơ ông Thanh ở thời điểm "nước sôi lửa bỏng" càng khiến dư luận hoài nghi.

Tới tháng 12/2017, ông Nguyễn Duy Thăng (Thứ trưởng Bộ Nội vụ) cho biết, Bộ Công an đang điều tra vụ mất hồ sơ này.

"Trường hợp thấy có vấn đề cần phải truy tố vì cái này liên quan đến nhiều người, trong đó có cả cá nhân tôi. Khi nào Bộ Công an có kết luận sự việc, Bộ Nội vụ sẽ thông báo cụ thể", Thứ trưởng Thăng nói với báo Tuổi trẻ như vậy.

Cho tới hiện tại, kết quả điều tra xử lý việc thất lạc hồ sơ này chưa được thông tin.

Ông Trịnh Xuân Thanh là bị cáo trong 2 vụ án: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVC; Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Ở cả 2 vụ án, ông Thanh bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân. 

Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) hôm 7/5/2018, chủ tọa thông tin, hôm 2/5 Trịnh Xuân Thanh đã có đơn xin rút toàn bộ kháng cáo liên quan đến 2 vụ án. Ông Thanh nói vì lý do sức khỏe nên xin vắng mặt ở cả 2 phiên tòa phúc thẩm.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại