Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra và 3 lãnh đạo CSB bị đề nghị mức chung thân

Trang Anh |

Theo Viện Kiểm sát, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo Nhàn là tinh vi và đề nghị tòa tuyên mức chung thân.

Sáng ngày 19/3, TAND TP HCM tiếp tục ngày thứ 10 phiên xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) với phần luận tội các bị cáo.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong đó, tội Tham ô tài sản có khung hình phạt từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình.

Theo viện kiểm sát, ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố.  Thông tin trên Thanh Niên online dẫn lời VKS cho hay, bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Từ đó, chiều cùng ngày đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan mức án tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19-20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tổng hợp mức án bị đề nghị là tử hình.

Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra và 3 lãnh đạo CSB bị đề nghị mức chung thân- Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa sáng 19/3 - Ảnh: Người lao động

Trước đó, trong phần luận tội sáng ngày 19/3, báo Người lao động dẫn lời viện kiểm sát nêu quan điểm bị cáo Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch, đóng góp cho cộng đồng.

Tuy nhiên, bị cáo Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ngoan cố, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải.

Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn. Từ đó đại diện viện kiểm sát cho rằng cần loại trừ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.

Theo Viện Kiểm sát, trong hơn 10 năm, bà Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã 'rút ruột' hơn 1,06 triệu tỷ đồng, dư nợ còn lại không thể thu hồi tại SCB là 677.000 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi tài sản đảm bảo, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng. Để che đậy tình trạng tài chính của SCB, bà Lan đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước) 5,2 triệu USD.

Tại phiên xử trước, bà Trương Mỹ Lan và gia đình xin tạo điều kiện bán nhiều tài sản bất động sản của mình để khắc phục hậu quả. Các tài sản mà bị cáo đề nghị bán để thu hồi tài sản khắc phục hậu quả gồm: khách sạn Daewoo Hà Nội, dự án Capital Place Liễu Giai (Hà Nội), nhà máy sản xuất vắc-xin thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cổ phần trị giá khoảng 920 tỉ đồng tại một công ty bảo hiểm nước ngoài hiện giá thị trường số cổ phần này lên tới 5.000 tỉ đồng...

Trưởng đoàn thanh tra và 3 cựu cán bộ SCB bị đề nghị chung thân

Đối với nhóm cựu cán bộ chủ chốt tại SCB, cơ quan công tố cho rằng, các bị cáo đều là người có trình độ, nhận thức, đầy đủ năng lực, có khả năng nhận thức được hành vi nào được phép và hành vi nào là trái pháp luật. Hành vi các bị cáo gây thất thoát đặc biệt lớn về kinh tế, tạo dư luận xấu trong xã hội, dư luận xấu với quốc tế nên phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe.

Viện kiểm sát đánh giá quá trình điều tra và tại tòa, các bị cáo này thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra giải quyết vụ án, có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng, khắc phục một phần hậu quả...

Tuy nhiên, hành vi phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... nên phải cần có mức án tương xứng.

Với 5 bị cáo bỏ trốn, cơ quan chức năng đã kêu gọi đầu thú nhưng các bị cáo từ bỏ quyền bảo vệ quyền lợi cho mình.

Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra và 3 lãnh đạo CSB bị đề nghị mức chung thân- Ảnh 2.

Bị cáo Bùi Anh Dũng - Ảnh: Pháp luật VN

Từ đó, VKS đề nghị mức án chung thân đối với bị cáo Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT SCB (đang bị truy nã, xét xử vắng mặt); Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB.

Đại diện VKS cũng đề nghị mức án đối với các bị cáo đang bị truy nã và được xét xử vắng mặt. Cụ thể, bị cáo Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) bị đề nghị 15-16 năm tù. Nguyễn Thị Thu Sương (cựu chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) bị đề nghị 16-17 năm. Nguyễn Lâm Anh Vũ (phó Giám đốc ngân hàng SCB, chi nhánh Bến Thành) bị đề nghị từ 12-13 năm. Chiêm Minh Dũng (phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB) bị đề nghị 16-17 năm tù.

Ngoài ra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN) bị xét xử về tội "Nhận hối lộ" cũng có khung phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, báo Tiền Phong dẫn thông tin Viện Kiểm sát đánh giá, bị cáo Nhàn trực tiếp làm trưởng đoàn thanh tra nhưng đã nhận tiền từ bà Trương Mỹ Lan thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) để bao che, bưng bít sai phạm của SCB.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới chỉnh sửa kết luận thanh tra, dẫn tới việc không ngăn chặn kịp thời sai phạm của SCB.

Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra và 3 lãnh đạo CSB bị đề nghị mức chung thân- Ảnh 3.

Bà Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa - Ảnh: Tiền Phong

Viện Kiểm sát cũng cho rằng, bị cáo Nhàn đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, quá trình công tác chưa có sai phạm, đây là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo Nhàn là tinh vi và đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo đó, chiều ngày 19/3, HĐXX đã đề nghị mức án chung thân với bà Đỗ Thị Nhàn về tội nhận hối lộ.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại