Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Ô nhiễm xuất hiện ở tất cả các khâu”

Nguyễn Cường |

Ngày 11/6 HĐND TP.HCM đã họp phiên bất thường về chuyên đề: Bảo vệ môi trường đô thị khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP. Trong nửa buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi tập trung vào xử lý rác thải.

Phân cấp mạnh cho quận huyện

Sau khi nghe các ý kiến chất vấn, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa “đăng đàn” trả lời. Mở đầu phần phúc đáp, ông Khoa cho biết mình: “Cảm nhận được sự đồng cảm, chia sẻ về trách nhiệm đối với môi trường TP”.

Để khắc phục những bất cập hiện nay, ông Phó chủ tịch cam kết rằng TP sẽ “phân cấp cho sở ngành, quận huyện”.

Theo ông, qua quản lý và kiểm tra thực tế ông nhận thấy rằng nhiều vấn đề đang bị chồng lấn, buông lỏng, nhất là giữa các sở ngành với quận huyện.

Chính vì vậy từ ngày 1/5 vừa qua TP đã quyết định chuyển hoàn toàn hoạt động thu gom, vận chuyển rác về cho 24 quận huyện quản lý.

Ngoài ra TP cũng bắt đầu thí điểm tại quận 1, 3, 5 việc chuyển trách nhiệm dọn rác trên những cây cầu từ các Khu quản lý giao thông sang cho quận huyện.

Theo ông Khoa, do cầu có những đặc điểm kỹ thuật riêng nên TP “thận trọng thí điểm” trong 1 năm, sau thời gian này sẽ có đánh giá nhằm triển khai ở tất cả các quận huyện.

Khi nghe ông Khoa trình bày đến đây, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm đã “xin phép ngắt lời” để nêu một ý kiến nhỏ.

Theo bà thì việc này khá đơn giản nên có thể triển khai ngay mà không cần phải chờ phân cấp, thực tế vừa qua huyện Củ Chi đã tự nguyện đề nghị được làm việc này.

Trả lời thắc mắc này, ông Khoa cho rằng khi phân cấp phải xét đến các điều kiện, năng lực… nên TP mới quyết định thực hiện thí điểm. “Chị yên tâm là TP không cố trì hoãn việc này” – ông Khoa cho hay.

Đề cập đến việc thu gom rác tại các mô hình dân lập, ông Khoa nhận định rằng các phương tiện đều rất thô sơ do vậy rác thường rớt xuống đường. Trong khi đó người lao động cũng thiếu các phương tiện bảo hộ và những chính sách đi kèm.

Để khắc phục những hạn chế trên TP đã chỉ đạo Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) nghiên cứu chế tạo ra những phương tiện phù hợp để dần chuyển đổi.

Các công ty xử lý rác cam kết thay đổi công nghệ

Về ý kiến đề nghị nâng tỉ lệ phân loại rác tại nguồn, ông Lê Văn Khoa đánh giá rằng dù đây là ý kiến tốt, nhưng trên thực tế TP đã thí điểm tại 6 quận huyện từ 2008 đến 2015 nhưng “chưa thành công”.

Dẫn ra số liệu cho thấy nơi cao nhất chỉ được 70%, nơi thấp nhất chỉ được chừng 20%, ông Khoa nhận định mức 50% vào năm 2020 là phù hợp, vì đây “là vấn đề phải có lộ trình”.

Tuy vậy, với xử lý rác ông Khoa đồng tình rằng có thể làm tốt hơn.

“Hiện tỉ lệ chôn lấp là 76%, 24% còn lại là xử lý bằng đốt và chế ra phân bón.

Trước đây chúng ta phấn đấu đến 2020 còn lại 60% chôn lấp, nhưng cách đây 3 ngày cúng tôi làm việc với 4 công ty lớn về xử lý rác thì họ cam kết sẽ chuyển đổi công nghệ, do đó TP đặt ra mục tiêu sẽ giảm tỉ lệ chôn lấp xuống còn 50%” – ông Khoa cho hay.

Cũng trong cuộc họp này, ông Khoa cho biết tới đây TP sẽ yêu cầu 4 bãi xử lý rác gồm: Đa Phước, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Phước Hiệp phải mở cửa để người dân vào tham quan định kỳ.

Ông cho rằng việc này sẽ tác động đến nhận thức của người dân, đồng thời cũng là cách khiến các công ty xử lý phải hoạt động nghiêm chỉnh vì biết rằng người dân đang giám sát.

Trong phát biểu ngay sau đó, đánh giá về tình hình rác thải, bà Quyết Tâm bay tỏ lo ngại khi ô nhiễm xuất hiện ở tất cả các khâu.

“Người dân xả rác gây ô nhiễm, vận chuyển rơi vãi gây ô nhiễm, và nơi xử lý cũng gây ô nhiễm” – bà Tâm nói, trong bối cảnh công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) vừa bị phạt 1,6 tỷ đồng vì 5 sai phạm.

Về hướng xử lý, chủ tịch HĐND TP đồng ý rằng phải phân loại rác tại nguồn, và nhấn mạnh rằng các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện… phải là những nơi thực hiện đầu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại