Áo phủ quyết mở rộng Schengen là đòn giáng mạnh vào mục tiêu “nhất thể hóa” EU

Hải Đăng |

Cuối tuần qua, Áo đã phủ quyết phê chuẩn bác bỏ việc Romania và Bulgaria gia nhập khu vực miễn thị thực Schengen. Động thái này giáng đòn mạnh vào nỗ lực kéo dài cả thập kỷ qua của hai nước trên. Ngay sau động thái này, quan hệ giữa Áo, Romania và Bulgaria đã trở nên căng thẳng.

Ảnh minh họa: Irina Marica

Ảnh minh họa: Irina Marica

Quyết định bất ngờ của Áo

Khu vực Đông Âu đang nóng lên với việc Áo phê chuẩn chấp thuận để Croatia gia nhập khu vực Schengen nhưng lại phủ quyết không để Bulgaria và Romania gia nhập Schengen, khiến dư luận EU có những phản ứng khác nhau.

Cuối tuần qua, khu vực Đông Âu đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế khi chứng kiến sự kiện bỏ phiếu thông qua việc gia nhập Schengen cho 3 quốc gia EU là Croatia, Romania và Bulgaria. Tuy nhiên, niềm vui lại không trọn vẹn khi chỉ có duy nhất Croatia được chấp thuận gia nhập Schengen trong năm tới.

Áo được xác định là đại diện duy nhất phản đối Romania gia nhập Schengen vào thời điểm này. Quyết định phản đối của Áo không phải là bất ngờ, mà quan điểm này đã được Áo đưa ra trong nhiều tuần trước đó, thậm chí Thủ tướng Áo cũng lên tiếng khẳng định quan điểm này trước cuộc bỏ phiếu 2 ngày, đồng thời cho biết không ủng hộ việc gia nhập Schengen của Romania và Bulgaria không phải là vấn đề chính trị, mà là vấn đề an ninh và những người nhập cư.

Theo chính phủ Áo, nếu đồng ý để Romania gia nhập Schengen vào thời điểm này là chưa phù hợp vì còn nhiều vấn đề quốc gia này chưa đáp ứng được, đặc biệt trong vấn đề quản lý người di cư khi Romania vẫn chưa kiểm soát được dòng người tị nạn đổ vào Trung Âu qua Balkan.

Theo giải thích của Bộ Nội vụ Áo, gần 100.000 người di cư đã bị bắt ở Áo trong năm nay, 75.000 người trong số họ chưa đăng ký ở bất kỳ quốc gia EU nào khác. Bộ trưởng Nội vụ Áo cho rằng, nếu một hệ thống không hoạt động tốt thì nó không thể được mở rộng. Áo làm điều này vì an ninh của người dân trong nước cũng đang bị đe dọa.

Tuy nhiên, lý do này đã khiến nhiều quốc gia bao gồm các quốc gia có tiếng nói trong Liên minh châu Âu như Đức, Pháp không tán thành. Còn Romania cho rằng lý do này không thuyết phục vì thiếu sự công bằng khách quan. Theo dữ liệu chính thức của Frontex thì Romania không nằm trên tuyến đường chính mà người di cư chọn để vào khu vực châu Âu và Áo.

Thậm chí vào tháng 10/2022, các chuyên gia của 15 quốc gia thành viên EU cùng với ba cơ quan châu Âu và Ủy ban châu Âu đã đánh giá mức độ tuân thủ kỹ thuật của Romania về quản lý biên giới và hợp tác với cảnh sát, hoạt động của Hệ thống thông tin Schengen cũng như cách quốc gia này thực hiện chính sách dành cho người hồi hương. Kết luận đã khẳng định Romania đáp ứng tất cả các điều kiện gia nhập Schengen. Gần nhất, trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu này, Ủy ban châu Âu cũng đã ra phán quyết ủng hộ việc mở rộng khu vực Schengen cho cả 3 ứng viên này.

Đằng sau phản ứng của các bên

Áo đã dùng quyền phủ quyết đối với Bulgaria và Romania với lý do lo ngại làn sóng nhập cư. Tuy nhiên, Bulgaria và Romania đã hoàn tất quá trình đánh giá gia nhập Schengen vào năm 2011, nhưng sau 11 năm, Hội đồng châu Âu vẫn trì hoãn quyết định tiếp nhận 2 quốc gia này vì nhiều lý do. Đáng chú ý, Romania, Bulgaria cũng đã có phản ứng gay gắt trước việc Áo không ủng hộ họ vào Schengen.

Chính vì đã hoàn tất quá trình đánh giá gia nhập từ khá lâu nhưng vẫn bị trì hoãn nhiều lần nên việc Áo phủ quyết đề nghị gia nhập Schengen của Romania và Bulgaria một lần nữa làm bộc lộ rạn nứt giữa các thành viên EU. Quyết định của Áo đã ngay lập tức gây ra những phản ứng gay gắt từ Romania. Cụ thể là ngày 9/12, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Romania tại Cộng hòa Áo đã được triệu hồi về nước để tham vấn. Trước đó, tối 8/12, Bộ Ngoại giao Romania cũng đã triệu tập Đại sứ Áo tại Bucharest để chuyển lời phản đối của Romania về quyết định không thân thiện của Áo tại cuộc họp mở rộng Schengen vừa qua.

Trong ngoại giao, việc triệu hồi một Đại sứ để tham vấn trong trường hợp này được coi là một động thái thể hiện mức độ căng thẳng trong quan hệ hai nước. Thậm chí là trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Romania đề cập đến việc triệu hồi này đã nhấn mạnh, việc hạ thấp cấp độ quan hệ ngoại giao là một cử chỉ chính trị nhấn mạnh sự phản đối quyết liệt đối với các hành động của Áo.

Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới những bước đi cứng rắn hơn từ Romania trong mối quan hệ tương lai của hai bên. Ngoài ra, đã bắt đầu xuất hiện một làn sóng tẩy chay Áo ở Romania như việc Bộ trưởng Du lịch Romania đã khuyến khích người dân tẩy chay các khu trượt tuyết của Áo hay việc một câu lạc bộ bóng đá nước này cũng đã tuyên bố tẩy chay hoàn toàn các công ty đối tác đến từ Áo.

Bulgaria phản ứng có phần bớt căng thẳng hơn. Tại phiên điều trần trước Quốc hội về việc Bulgaria hoãn gia nhập khu vực Schengen, Thủ tướng nước này cho rằng lập trường tiêu cực của chính phủ Hà Lan và Áo đối với việc nước này gia nhập khu vực Schengen được quyết định bởi những cân nhắc chính trị trong nước hơn là những thiếu sót trong việc thực hiện các quy tắc Schengen của Bulgaria. Ông cho rằng những động thái như vậy gây chia rẽ trong Liên minh châu Âu và khiến sự liêm chính của việc này này bị hoài nghi thậm chí làm nảy sinh những nghi ngờ về tiêu chuẩn kép.

Những phản ứng gay gắt trong những ngày qua từ hai quốc gia này cho thấy này cho thấy sự mỏi mệt của các quốc gia sau hơn 1 thập kỷ nỗ lực vào Schengen, nó cũng khiến sự đoàn kết trong EU bị lung lay khi các bất đồng tiếp tục nảy sinh vào một thời điểm vô cùng khó khăn của khối. Có thể nói đây là thời điểm vàng để các quốc gia trong EU xích lại gần nhau hơn và việc gia nhập Schengen của hai quốc gia thành viên EU này sẽ là liều thuốc hữu hiệu trong bối cảnh châu Âu đang cần tăng cường đoàn kết nội bộ cũng như với các đối tác của mình để giải quyết các vấn đề chung của khối bao gồm cả vấn đề di cư. Việc này cũng rất phù hợp trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn biến căng thẳng và kéo theo những hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ khu vực.

Tác động đến mục tiêu nhất thể hóa EU

Việc Áo dùng quyền phủ quyết sẽ là rào cản không nhỏ đối với sự đoàn kết trong ngôi nhà chung của các thành viên EU và nó sẽ ảnh hưởng đến con đường nhất thể hóa và quyết tâm đối phó với các thách thức trong tương lai của khối. Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, Liên minh Châu Âu (EU) đạt được nhiều thành tựu, là hình mẫu liên kết khu vực vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Việc Anh rời khỏi EU cùng với hàng loạt các vấn đề khủng hoảng nhập cư, chủ nghĩa dân túy và những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay đang đặt ra cho EU những thách thức to lớn khó được giải quyết.

Quyết định của Áo cũng tạo ra những trở ngại cho việc đi tìm tiếng nói chung cho các vấn đề của khối cũng như mục tiêu tăng cường đoàn kết trong EU trong tương lai và trực tiếp tạo nên những rạn nứt trong nội bộ Liên minh. Việc ngăn chặn các đồng minh của mình vào Schengen của Áo không đem lại lợi ích tổng thể cho toàn khối mà chỉ càng đẩy các thành viên ra xa hơn.

Trên thực tế, Hiệp định Schengen là nhân tố quan trọng góp phần đưa EU trở thành khu vực kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa là việc mở rộng của nó có thể làm tăng thêm sự thịnh vượng và sức hấp dẫn của châu Âu bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và các mối quan hệ kinh doanh trong toàn bộ khu vực, việc nới lỏng các kiểm soát biên giới nội bộ cũng sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp không chỉ của Romania, Bulgaria mà cả doanh nghiệp châu Âu những lợi thế cạnh tranh khác để phục hồi kinh tế sau một giai đoạn lao đao vì đại dịch.

Bên cạnh đó, quá trình nhất thể hóa này tiếp tục đối mặt những thách thức khi chưa tìm được sự đồng thuận của các nước thành viên. Chúng ta cũng nhìn thấy sự chia rẽ sâu sắc trong cách tiếp cận của từng quốc gia trong tình hình mới, bao gồm cả các phản ứng với Moscow do những khác biệt từ lợi ích chiến lược mà nổi cộm trong thời gian qua là sự bất đồng giữa EU và Hungary trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga. Chính những khác biệt chưa thể dung hòa sẽ là hòn đá tảng ngăn cản những cải cách sâu rộng, thực chất của EU để khôi phục kinh tế của khối sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraine.

Ngoài ra, EU cũng phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách khác như khủng hoảng năng lượng, vấn đề nhập cư, lạm phát và kinh tế chung đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Nếu không có sự đồng lòng của tất cả các thành viên, không tạo dựng được niềm tin của các thành viên đối với Liên minh thì mục tiêu này của EU sẽ khó có thể thành công./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại