Anh phụ hồ lao vào biển lửa cứu mẹ, 30 tuổi sống trong cảnh đoạ đày: “Chưa bao giờ hối hận”

Hải My |

Tai nạn cách đây 8 năm đã lấy đi của Tuấn đôi chân, khiến anh phải chịu những cơn đau đớn hành hạ mỗi ngày. Tưởng chừng biến cố đã qua, nhưng Tuấn lại thêm một lần gục ngã khi nghe tin dữ về mẹ.

Anh phụ hồ lao vào biển lửa cứu mẹ

Đi sâu vào khu nghĩa địa ở Gia Lộc, Trảng Bàng, Tây Ninh là căn nhà của mẹ con anh Nguyễn Thanh Tuấn (30 tuổi). Ngôi nhà được xây tạm bợ, ở trong chỉ có độc chiếc giường, không có đồ đạc gì giá trị. Cũng chính tại ngôi nhà này, anh Tuấn gặp phải sự cố kinh hoàng khiến cuộc đời thay đổi vĩnh viễn.

Năm 2016, trong một lần loay hoay sửa xe ở nhà, chiếc xe của Tuấn bốc cháy. Anh lao ra kịp nhưng chợt nhớ mẹ vẫn còn đang nằm trên gác ngủ nên lại quay trở lại ẵm mẹ ra. Khi gần tới cửa, Tuấn bị va phải chiếc xe máy nên vấp té. Lúc đó anh chỉ kịp đẩy mẹ ra ngoài cửa, còn bản thân bị mắc kẹt lại ở trong.

Sau tai nạn, người mẹ chỉ bị xây xát nhẹ, còn anh Tuấn bị bỏng nặng, phải đi cấp cứu. Anh được chẩn đoán bị thương tật hơn 80%, toàn bộ vùng da trước ngực bị thương rất nặng, vùng vai và tay cháy xém.

Anh phụ hồ lao vào biển lửa cứu mẹ, 30 tuổi sống trong cảnh đoạ đày: “Chưa bao giờ hối hận”- Ảnh 1.

Người anh Tuấn chằng chịt vết thương sau sự cố (Ảnh: Nhân Chứng Channel)

Khoảng thời gian nằm điều trị tại viện cũng là những ngày tháng đau đớn nhất cuộc đời anh Tuấn.

“Họ không cho em tỉnh vì trong người còn nóng quá, phải tiêm thuốc an thần để ngủ. Đến khi cơ thể hạ nhiệt, mới có thể mở mắt nhận biết xung quanh. Em sốc lắm, nhưng cũng cố gắng giữ bình tĩnh để làm lại cuộc đời”, anh Tuấn nói.

Nỗi đau chưa vơi, chàng trai quê Tây Ninh lại rơi vào hố sâu khi bác sĩ nói hai chân anh Tuấn đã hoại tử, cần phải cắt bỏ. Trong cơn cùng cực, anh buộc phải đưa ra quyết định vì nếu không cắt chân, tỉ lệ sống còn rất thấp, chỉ 50/50.

Anh phụ hồ lao vào biển lửa cứu mẹ, 30 tuổi sống trong cảnh đoạ đày: “Chưa bao giờ hối hận”- Ảnh 2.

Anh Tuấn phải cắt cụt đôi chân để cứu lấy mạng sống (Ảnh: Nhân Chứng Channel)

Số tiền chữa trị lớn, anh Tuấn phải đi vay mượn nhưng tiêu mãi cũng cạn. Cho đến một ngày mẹ báo nhà đã hết sạch tiền, Tuấn xin bác sĩ ngừng điều trị để ra viện. Vị trưởng khoa tốt bụng và tử tế đã ôn tồn nói “để bác tính”, rồi sau đó ông tìm cách gửi hoàn cảnh Tuấn cho các mạnh thường quân. May mắn mỉm cười, một số nhà hảo tâm đã chi trả toàn bộ viện phí cho Tuấn, đồng thời hỗ trợ anh mua thêm chiếc chân giả để tập đi lại. Chàng trai trẻ xúc động trào nước mắt.

Anh tự nhủ với bản thân: “Thôi thì chết không chết được, phải cố ăn không đói. Bác sĩ nói phải ăn mới có máu, mới mọc da non, còn đắp vào vết thương. Vậy là mỗi ngày em cố ăn 3 4 hũ cháo”.

Anh phụ hồ lao vào biển lửa cứu mẹ, 30 tuổi sống trong cảnh đoạ đày: “Chưa bao giờ hối hận”- Ảnh 3.

Chàng trai trẻ được nhà hảo tâm lắp chân giả

Nhiều người hỏi Tuấn, nếu cho quay trở lại thời điểm gặp nạn thì có quyết định lao vào biển lửa lần nữa không? Anh Tuấn ngay lập tức gật đầu.

"Nghĩ lại giờ vẫn thấy sợ, vì rủi ro sự cố mà nay thành ra thế này. Nhưng em chưa bao giờ hối hận vì quyết định của mình. Trong đầu khi ấy chỉ nghĩ đến mẹ mà thôi", anh Tuấn bộc bạch.

Biến cố vừa qua, nỗi đau mới ập tới

Trước đây anh Tuấn làm công nhân và phụ hồ. Bà Thu - mẹ anh đã ly hôn. Bà chấp nhận ở vậy tần tảo nuôi hai đứa con trai. Trời ban cho sức khỏe, anh Tuấn rất chăm chỉ, làm ngày làm đêm ước mong sẽ cải thiện kinh tế, xây căn nhà khang trang cho mấy mẹ con đỡ vất vả. Nhưng không ngờ chỉ sau một đêm, giấc mơ về mái ấm đã tan thành mây khói.

Biến cố lại liên tiếp ập tới, anh trai của anh Tuấn đi cưa cây, bị cây đổ vào người rồi mất. Một năm trước, bà Thu phát hiện ung thư tử cung.

Mẹ đau ốm liên miên, anh Tuấn tự làm quen với nếp sinh hoạt mới. Ban đầu Tuấn được mẹ tắm giúp, sau thấy bà vất vả, Tuấn nói: “Thôi mẹ để con tự làm”. Từ đó Tuấn cố gắng tập tắm bằng vòi sen. Anh tập đi bằng cách lấy hai chiếc ghế con con để sát người, tập tễnh từng bước.

Anh phụ hồ lao vào biển lửa cứu mẹ, 30 tuổi sống trong cảnh đoạ đày: “Chưa bao giờ hối hận”- Ảnh 4.

Tuấn chăm sóc mẹ trên giường bệnh (Ảnh: Nhân Chứng Channel)

Trở thành chỗ dựa duy nhất của mẹ, Tuấn quyết định lê cơ thể nặng nề với đôi chân giả đi bán vé số.

“Trung bình một ngày em kiếm được khoảng 200 nghìn, một tháng khoảng 6 triệu, số tiền đó em đổ vào thuốc thang cho mẹ”, Tuấn vui mừng khoe. Hàng ngày anh lết người bằng đầu gối đi khắp nhà, tự nấu cơm, tắm rửa, giặt giũ. Chỉ khi nào đi bán vé số mới đeo chân giả.

Kể về nỗi đau của bản thân, Tuấn bình thản xem như mọi chuyện đã qua. Nhưng cứ khi nào hỏi về mẹ, anh lại rưng rưng nước mắt. Chàng trai 30 tuổi nói về ước mơ duy nhất ở thời điểm hiện tại: “Cơ thể em như vậy, giờ cũng không biết làm công việc gì. Chỉ mong bản thân có sức khỏe, có thể đi bán vé số lấy tiền chữa bệnh cho mẹ, khổ mấy em cũng chịu được”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại