Ấn Độ đòi Nga chuyển giao công nghệ PAK FA: Chiêu trò mặc cả?

QS |

Nguồn tin từ Bộ QP Ấn Độ cho biết, New Delhi chỉ hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ 5 dựa trên mẫu PAK FA với Nga nếu Moscow chuyển giao toàn bộ công nghệ máy bay này cho họ.

Các chuyên gia Nga hiện đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau về hàm ý của bức "tối hậu thư" này.

"Tối hậu thư" của Ấn Độ

Chỉ mới tháng trước, khi trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Vladimir Drozhzhov - phó giám đốc cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự thông báo rằng, Nga và Ấn Độ đã thông qua bản dự thảo hợp đồng về việc hợp tác phát triển một mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5 mới, gọi tắt là FGFA, dựa trên mẫu tiêm kích tàng hình đa nhiệm Sukhoi T-50 (hay PAK-FA) của Nga.

Tuy nhiên, hôm thứ Năm vừa qua, tờ Times of India dẫn một số nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, New Delhi đang ra điều kiện ký kết thỏa thuận là Nga phải chuyển giao công nghệ toàn diện, bao gồm cả mã nguồn của các hệ thống trên máy bay cho họ.

Ngoài ra, phía Ấn Độ còn yêu cầu dự án FGFA phải hỗ trợ trực tiếp một chương trình khác của nước này là dự án máy bay chiến đấu hạng nhẹ tiên tiến (AMCA).

Ấn Độ đòi Nga chuyển giao công nghệ PAK FA: Chiêu trò mặc cả? - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình PAK FA

"Đây là điều khoản bắt buộc. Một ủy ban cấp cao do một trung tướng không quân Ấn Độ đứng đầu đang xem xét tất cả các khía cạnh này" - nguồn tin nói - "chính phủ (Ấn Độ) sẽ đưa ra quyết định sau khi bản báo cáo được trình lên trong tháng Tư".

Nguồn tin này phàn nàn rằng, hợp đồng trước đó của hãng Sukhoi với công ty HAL (Ấn Độ) về việc cung cấp 272 máy bay chiến đấu đa nhiệm, chiếm ưu thế trên không Su-30MKI đã không bao gồm điều khoản chuyển giao công nghệ. New Delhi xem đó là một tính toán sai lầm.

Dự án FGFA là một phần trong sáng kiến "Make in India" do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng trong năm 2014. Theo thỏa thuận, công ty Sukhoi và HAL sẽ phát triển một biến thể tiên tiến của mẫu tiêm kích thế hệ năm T-50 (PAK FA).

Dự án hàng tỷ đô này dự kiến sẽ thực hiện tới 43 cải tiến trên mẫu T-50, trong đó có lực đẩy động cơ, khả năng tàng hình, cảm biến, hệ thống điện tử hàng không trên khoang, cũng như khả năng bay siêu âm.

Năm ngoái, hai quốc gia đã nhất trí cam kết dành 4 tỷ USD mỗi bên cho công tác nghiên cứu - phát triển (R&D), chế tạo nguyên mẫu, thử nghiệm và xây dựng cơ sở hạ tầng cho 127 chiếc máy bay mà Ấn Độ dự kiến tổng chi phí lên tới 25 tỷ USD.

Chiêu trò mặc cả?

Nhận định về điều kiện do phía Ấn Độ đưa ra, Đại tá về hưu Andrei Golovatyuk - chuyên gia quân sự, đồng thời là thành viên cấp cao của Hội liên hiệp các sĩ quan Nga cho rằng "chuyển giao công nghệ" nhìn chung là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm.

"Chuyển giao công nghệ đồng nghĩa với việc chúng ta tạo điều kiện cho quốc gia khách hàng ngừng mua sắm thiết bị quân sự của chúng ta trong vòng 10-15 năm tiếp theo, và để họ dùng công nghệ của chúng ta đi phát triển công nghệ của chính họ" - ông Golovatyuk nói.

"Điều này giống như những gì đã xảy ra với giữa Nga với Trung Quốc trước đây. Trong những năm 1950 và 1960, chúng ta đã chuyển giao cho họ một số công nghệ để rồi sau đó, Bắc Kinh đã có bước tiến vô cùng lớn trong lĩnh vực phát triển vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Giờ đây, điều tương tự có thể xảy ra với Ấn Độ. Đây là vấn đề hết sức tế nhị - cả về mặt ngoại giao lẫn kỹ thuật-quân sự.

Nếu đó là những công nghệ đã có hiện nay và chúng ta đang nắm trong tay những công nghệ thế hệ mới thì có lẽ nên cân nhắc khả năng chuyển giao. Nếu không thì về mặt logic, Moscow tốt nhất không nên tiến hành việc này" - ông Golovatyuk bày tỏ mối lo ngại.

Màn trình diễn ấn tượng của T-50 (PAK FA) tại triển lãm hàng không MAKS 2015

Theo vị chuyên gia, vấn đề càng trở nên phức tạp hơn bởi đối với Nga, mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự với Ấn Độ rất quan trọng. Nếu "rời bỏ" Ấn Độ, Nga sẽ ngay lập tức để mất chỗ đứng vào tay Mỹ, Đức, Anh hoặc Trung Quốc - quốc gia đang nhanh chóng tự phát triển thiết bị quân sự.

"Ấn Độ", ông Golovatyuk nhấn mạnh, "đang đứng trong top đầu các quốc gia nhập khẩu thiết bị quân sự và vũ khí Nga, chúng ta không thể để mất thị trường này. Vì thế, chúng ta nên cân nhắc mọi thứ một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định".

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cho rằng "tối hậu thư" của New Delhi chỉ là một chiêu trò để mặc cả mà thôi.

"Đơn giản là Ấn Độ không muốn chi tiền cho máy bay chiến đấu thế hệ năm và họ đang kiếm mọi cớ có thể" - ông Litovkin nói.

Ông Litovkin nhấn mạnh rằng Sukhoi không cần bận tâm quá nhiều tới yêu cầu của Ấn Độ, bởi đối tác này luôn dùng chiêu trò mặc cả để có được mức giá thấp nhất có thể.

"Trước đây, họ từng mua tàu sân bay của chúng ta (chiếc Baku, giờ đây được biết đến với tên gọi INS Vikramaditya) với mức giá mua phế liệu", ông Litovkin nói, "họ muốn chúng ta biến nó trở thành siêu hạm sẵn sàng chiến đấu.

Chúng ta đã giải thích với họ rằng tàu sân bay là hệ thống chiến đấu đắt đỏ và không thể mua nó với giá rẻ mạt. Họ đã nhặng xị lên vì chuyện này, nhưng cuối cùng cũng phải chi tiền".

Song, ông Litovkin cũng thừa nhận rằng, dù rắc rối hay không thì việc hợp tác với Ấn Độ cũng giúp các nhà thiết kế Nga phát huy khả năng tốt nhất.

"Nhìn chung, chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng, lắng nghe họ phàn nàn nhưng hãy bình tĩnh mà tiến hành công việc của chúng ta", ông Litovkin nêu quan điểm, "Họ có thể trở nên cáu kỉnh nhưng điều đó cũng tốt cho chúng ta: Họ buộc chúng ta phải khẩn trương, phải nghĩ xem làm cách nào đáp ứng được yêu cầu mà họ đặt ra cho chúng ta".

"Mọi thứ rồi sẽ ổn thỏa", vị chuyên gia nhấn mạnh, "chúng ta sẽ chế tạo cho họ một mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5. Họ chỉ cần trả tiền mà thôi".

Ấn Độ đòi Nga chuyển giao công nghệ PAK FA: Chiêu trò mặc cả? - Ảnh 3.

Tàu sân bay INS Vikramaditya

Cuối cùng, ông Mikhail Alexandrov - chuyên gia cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Chính trị - Quân sự thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Moscow cho rằng việc chuyển giao toàn bộ công nghệ là điều nằm ngoài thông lệ của bất cứ quốc gia nào tham gia chế tạo vũ khí hiện đại.

"Không có quốc gia nào xuất khẩu các hệ thống vũ khí tiên tiến, nhất là những hệ thống đang trong quá trình phát triển. Cũng không ai từng bán công nghệ của những hệ thống này - chỉ đơn giản là người ta không làm như vậy" - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Alexandrov cho rằng Moscow cần bình tĩnh và giải thích một cách rõ ràng với đối tác Ấn Độ rằng "không có quốc gia nào khác, kể cả Pháp hay Mỹ, sẵn sàng chia sẻ công nghệ và những hệ thống tinh vi trên máy bay của họ (cho Ấn Độ)".

Trong khi đó, theo vị chuyên gia, Nga mang lại cho New Delhi nhiều lợi ích hơn các quốc gia khác, trong đó bao gồm cả việc tham gia dự án chung, bởi điều đó sẽ mang lại cho Ấn Độ cơ hội học hỏi và tự lắp ráp máy bay ngay tại các nhà máy trong nước. Đây là điều mà New Delhi thực sự nên cân nhắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại