Ái Như: "Không làm sân khấu, tôi đã sắm được vài cái nhà, vài cái xe hơi"

Hương |

Nghệ sĩ Ái Như đã phải nói rằng: "12 năm nay, nếu tôi và anh Thành Hội không làm sân khấu thì có lẽ đã sắm được vài cái nhà, vài cái xe hơi rồi".

Tối ngày 21/4, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã tổ chức buổi họp báo mang tên "Bay trên cánh mỏng". Tại buổi họp báo này, nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội đã thừa nhận, sân khấu đang lâm nguy và bắt buộc phải thay đổi để tìm cơ hội… sống sót.

Sân khấu kịch đang lâm nguy

Tại buổi họp báo, nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như cho biết, sắp tới sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ không còn diễn định kỳ hàng tuần, mà chỉ biểu diễn hai mùa trong năm. Các vở diễn trước đây của sân khấu sẽ tạm khép lại.

"Chúng tôi sẽ dựng từ 1 đến 2 vở mới và diễn trong một khoảng thời gian nhất định. Hết khoảng thời gian đó, chúng tôi sẽ khép lại, không diễn vở đó nữa. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, Hoàng Thái Thanh sẽ ngưng toàn bộ các vở diễn trước đó", NSƯT Thành Hội nói.

Ái Như: Không làm sân khấu, tôi đã sắm được vài cái nhà, vài cái xe hơi - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Ái Như cho biết, Hoàng Thái Thanh sẽ chỉ diễn mùa Tết, kéo dài từ 3 đến 5 tháng, và mùa giữa năm, từ 2 đến 3 tháng.

Chia sẻ thêm về quyết định này, NSƯT Thành Hội bày tỏ: "Thói quen là điều đáng sợ của loài người. Thay đổi khó lắm. Hồi xưa, khi bắt đầu có nồi cơm điện, nhiều ông chồng nói với vợ: bà mà đem cái nồi cơm điện về là tôi đập bỏ, nghe lời người ta sắm tầm bậy tầm bạ. Nghĩa là gì, để thay đổi khó lắm. Thay đổi trong nghệ thuật càng khó hơn.

Nếu năm 1960, tôi nói với bà nội tôi, đừng coi hát bội nữa, hát bội sắp dẹp rồi thì chắc bà nội lấy cơi trầu đập đầu tôi nhưng thưa, hát bội giờ đang ở đâu?

Trước giải phóng, có thực trạng giới nghiêm lúc 11 giờ khuya nên các đoàn cải lương không hoạt động được. Sau giải phóng nhiều năm, các đoàn cải lương phát triển rầm rộ, quá trời đoàn cải lương: Sài Gòn1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Hương Mùa thu… mỗi tỉnh một đoàn cải lương, rồi mỗi quận 1 đoàn cải lương. Xin hỏi, các đoàn cải lương hiện nay ở đâu?

Vậy thì có khi nào, sau này cháu nội tôi hỏi: kịch là cái gì vậy ông nội? Và tôi chợt nghĩ, có khi nào vì hát bội, cải lương không thay đổi, không chuyển mình nên "biến mất" chăng. Cho nên chúng tôi tìm cách thay đổi, dù chúng tôi rất sợ.

Thật sự là sân khấu kịch đang lâm nguy. Tôi phải dùng từ "lâm nguy". Sân khấu đình đám nhất là IDECAF, giám đốc Huỳnh Anh Tuấn đã nói công khai với mọi người, tôi có 22 căn nhà, tôi đã dùng tiền của 22 căn nhà đó để bù lỗ cho IDECAF. Nếu không có là đã dẹp rồi.

Cho nên chúng tôi buộc phải thay đổi để tồn tại. Có thể kế hoạch này thành công hoặc thất bại nhưng chúng tôi đã làm hết sức mình, làm bằng cả trái tim mình và bất chấp hậu quả".

Ái Như: Không làm sân khấu, tôi đã sắm được vài cái nhà, vài cái xe hơi - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Thành Hội

Nếu không làm sân khấu thì đã sắm được vài cái nhà

Cũng tại buổi họp báo, nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội đã có những giây phút trải lòng về nỗi trăn trở và thẳng thắn nhìn vào các vấn đề "cốt tử" của sân khấu nhiều năm qua.

12 năm hoạt động với 53 vở diễn là một gia tài lớn về sự sáng tạo, cũng như lao động nghệ thuật của sân khấu Hoàng Thái Thanh nhưng bên cạnh đó, quá nhiều cảnh trí, đạo cụ, phục trang cũng là "nỗi khổ ghê gớm" về kho bãi.

Không chỉ khổ về kho bãi, nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như còn khổ về việc tìm kiếm kịch bản và cả câu chuyện bù lỗ liên tục và con số cứ ngày một nhiều hơn. Thậm chí, nhiều vở mới ra mắt, mới chỉ diễn được vài ba suất mà khán phòng đã thưa vắng đi rất nhiều.

Tới nỗi, nghệ sĩ Ái Như đã phải nói rằng: "12 năm nay, nếu tôi và anh Thành Hội không làm sân khấu thì có lẽ đã sắm được vài cái nhà, vài cái xe hơi rồi".

Không chỉ đau đầu về kịch bản, bù lỗ, kho bãi, nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội còn mệt mỏi về chuyện sắp lịch vở diễn.

NSƯT Thành Hội bộc bạch: "Nghệ sĩ Ngọc Giàu năm 16 tuổi đã ký công tra (hợp đồng - PV) với đoàn cải lương. Sau khi ký xong thì cô Ngọc Giàu đã mua được 1 cái nhà lầu và một chiếc xe hơi. Sau đó, mỗi đêm diễn, cô đều có tiền lương.

Tất cả các nghệ sĩ cải lương đều ký hợp đồng độc quyền. Nghĩa là, bầu show muốn hát tuồng gì thì nghệ sĩ hát tuồng đó, không thể thay đổi vì đã ký độc quyền rồi. Nghệ sĩ cứ việc đi diễn mà không sợ đói gì hết.

Tại sao bầu show ngày xưa dám làm như vậy? Là vì lúc bấy giờ, chỉ có cải lương thôi, khán giả không coi cải lương thì không còn gì khác nên bầu show mới dám làm vậy.

Ngày hôm nay, chúng ta có rất nhiều cái để coi. Bản thân tôi đây, có thể ngồi nhà coi Youtube từ sáng tới 2, 3 giờ khuya, không rời khỏi ghế. Chúng ta có nhiều lựa chọn và không tốn tiền thì bầu show làm sao có đủ tiền để ký hợp đồng độc quyền với nghệ sĩ. Đó là điều không thể. Và điều đó dẫn tới hệ lụy.

Ái Như: Không làm sân khấu, tôi đã sắm được vài cái nhà, vài cái xe hơi - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Thành Hội chia sẻ tại buổi họp báo. (Ảnh: Phụ nữ)

Những người nghệ sĩ ngày hôm nay, họ không có lỗi gì hết. Họ có cha mẹ, có chồng con, anh em với rất nhiều nỗi lo toan của cuộc đời. Họ phải kiếm sống bằng quay phim, bằng nhiều cách khác để trang trải cuộc sống gia đình của họ nhưng khổ nỗi, điều đó lại gây khổ cho chúng tôi.

Ví dụ 1 tháng, chúng tôi sắp xếp từ 10 đến 12 suất diễn thì người chỉ huy đêm diễn phải gọi điện cho diễn viên của từng tuồng để sắp lịch. 9 người đồng ý mà 1 người kẹt lịch thì phải hủy để sắp xếp vở khác.

Và cứ như thế, người chỉ huy đêm diễn lại phải lặp lại công việc đó với cả chục diễn viên của tuồng khác. Và hậu quả là, toàn bộ quá trình đó không theo sắp xếp của chúng tôi mà theo sự rảnh rỗi hay bận bịu của diễn viên. Chỉ vì lịch diễn thôi mà người sắp lịch diễn của chúng tôi trầm cảm nặng. Kinh khủng lắm. Đổi một vở không dễ dàng đâu.

Ở đây chúng tôi không trách diễn viên mà cuộc đời đưa đẩy như vậy. Đó là khó khăn rất lớn. Có những vở chúng tôi mới ra mắt, diễn được vài suất đã kẹt diễn viên tới 1 năm sau mới diễn lại được. Tới khi diễn lại thì khán giả bảo, tuồng này năm ngoái có rồi, tuồng cũ. Đợi tuồng mới rồi coi. Và vở đó chết rất oan uổng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại