Ai đang nguy cơ sa lầy tại Syria: Pháp thay chân Mỹ và trả món nợ lịch sử?

Lê Ngọc Thống |

Tại Việt Nam, Mỹ vội vàng nhảy vào thay chân Pháp nên đã sa lầy, nay tại Syria, Pháp có thật là muốn nhảy vào thay chân Mỹ? Nếu vậy, Mỹ nên trả món nợ lịch sử cho Pháp.

Quả thật trước đây, khi cả hai, Nga và Mỹ cùng tham gia, can thiệp vào chiến trường Syria thì câu hỏi liệu Nga và Mỹ ai là kẻ sẽ sa lầy ở Syria luôn được đặt ra và các nhà phân tích chính trị, quân sự đều dành nguy cơ này cho Nga là rất lớn, còn Mỹ thì không.

Tổng thống Mỹ Obama thời đó còn mạnh dạn tuyên bố "sớm hay muộn rồi Nga sẽ sa lầy ở Syria". Còn nước Mỹ thì làm gì có chuyện sa lầy ở Syria vì Mỹ chỉ huy điều khiển các lực lượng mà sẽ khiến cho Nga sa lầy, tức là Mỹ điều khiển, di chuyển, đặt các vũng lầy vào bước chân Nga…

Nếu như "vũng lầy" là cái bẫy thì chính Mỹ là người sử dụng bẫy, cài bẫy với người Nga khi Nga dám đụng chạm lợi ích Mỹ tại Syria và Trung Đông. Điều này cũng giống như Mỹ đã làm với Liên Xô tại Afghanistan

Vậy mà, hiện tại, có thể nói Nga đã chiến thắng tại Syria và Trung Đông bằng cách đánh tan tất cả những "vũng lầy" để vượt qua. Đây là điều không chỉ thế giới mà chính Mỹ cũng phải công nhận thắng lợi của Nga tại Syria.

Thế nhưng, thật trớ trêu cho thời thế là chính Mỹ là người sáng tạo ra bẫy, người cài bẫy lại mắc bẫy của chính mình. Nghĩa là tại Syria mà cụ thể là tại phần phía Đông Bắc sông Euphrates, Mỹ có nguy cơ bị sa lầy… mới đau.

Ai đang nguy cơ sa lầy tại Syria: Pháp thay chân Mỹ và trả món nợ lịch sử? - Ảnh 1.

Các tay súng người Kurd ở thành phố Manbij, Syria.

Pháp đang muốn gì tại Syria?

Pháp ủng hộ Mỹ đang điều động quân đội sang Syria (Manbij) để ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và dưới áp lực của Mỹ, Iraq cũng điều động lực lượng của mình để ngăn hướng tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ từ Iraq.

Có thể nói khu vực Đông Bắc Syria đang như một chảo lửa, phức tạp thế nhưng tại sao Pháp lại quyết đoán đưa lực lượng mặt đất của mình vào đó?

Đây là những lý do chính:

1. Ở Pháp có một cộng đồng người Kurd nổi bật về mặt chính trị. Đảng Liên minh Dân chủ của người Kurd (PYD) đã gặp gỡ với cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande vào năm 2015, bất chấp phản ứng của Ankara.

Các nhóm người Kurd tại Pháp có khả năng huy động các nhóm chính trị ở Pháp, và họ đã chứng minh được điều đó một lần nữa... khi giới lãnh đạo Pháp bị các đối thủ chính trị, giới trí thức chỉ trích nặng nề về hành động thiếu quyết đoán khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd Syria.

Họ cho rằng, Chính phủ Pháp mới công khai gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là một cuộc xâm lăng là chưa đủ.

2. Châu Phi là thuộc địa cũ của Pháp và cho đến nay hầu như các nước châu Phi được Pháp "trao trả độc lập" vẫn phụ thuộc nặng về vào Pháp.

Chính vì vậy, hành động xuất binh của Pháp là một đòn răn đe mạnh cho bất cứ quốc gia nào có ý đồ thoát khỏi "Hiệp ước Colonial" trong thời Nga – Putin, đồng thời, chứng tỏ sự trung thành, bảo vệ bạn bè (người Kurd) của người Pháp.

Ai đang nguy cơ sa lầy tại Syria: Pháp thay chân Mỹ và trả món nợ lịch sử? - Ảnh 2.

Việc triển khai binh sĩ Pháp ở Manbij, Syria đang được phối hợp với Mỹ.

3. Qua hành động này, Pháp muốn chứng tỏ tham vọng muốn khôi phục lại vai trò của Pháp trong các sự kiện toàn cầu, đặc biệt là sau thời kỳ chính sách ngoại giao thất bại dưới sự lãnh đạo của ông Hollande.

Số lượng quân Pháp và Mỹ có mặt tại Manbij chỉ là biểu tượng, bởi Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn tiêu diệt những thành phần này thì chẳng có gì khó khăn, nhưng hệ lụy điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiến tranh với Mỹ-Pháp.

Do vậy, Thổ Nhĩ Kỳ phải suy nghĩ 2 lần và chắc là không dám…

Chiến dịch "The Wrath of Euphrates" (Cơn thịnh nộ của Euphrates ) bắt đầu

Có thể nói nguy cơ sa lầy của Mỹ-Pháp, hay nói cách khác nguy cơ Mỹ-Pháp mắc bẫy sa lầy do chính Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cài đặt là rất lớn…

Thứ nhất, Mỹ-Pháp phải đối phó với một cuộc chiến tranh du kích tại Đông Euphrates là không tránh khỏi.

Lực lượng người Kurd Syria mà được Mỹ-Pháp "bảo vệ" đã nhờ liên minh với Mỹ nên đã chiếm được nhiều lãnh thổ ngoài khu vực sinh tồn vốn có nhưng đã vội thể hiện "bản chất của kẻ xâm lược" bằng những chính sách, hành vi, khiến cho "dân vùng giải phóng" căm thù, ghê sợ.

Đây là nguyên nhân chính, trực tiếp khơi mào cho một sự chống đối của dân địa phương được người Kurd giải phóng và hình thành bước đi đầu tiên của một cuộc chiến tranh du kích chống Mỹ-Pháp-YPG "xâm lược".

Có nhiều nhóm hoạt động du kích tấn công vào lực lượng Mỹ đã ra đời, đặc biệt nhóm "Kháng chiến của người Raqqa" đã hiện 2 cuộc tấn công vào quân Mỹ trong cuối tháng 3 làm tăng quân số chết của người Mỹ trên Syria trong tháng 3/2018 là 18 người.

Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và có thể cả Nga không đụng trực tiếp vào lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ-Pháp, điều đó không có nghĩa là họ ngồi im, khoanh tay...

Có một thực tế không công khai, nhưng Mỹ-Pháp tin rằng, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran-Syria sẽ hỗ trợ cho lực lượng các bộ lạc Ả rập địa phương, những người căm ghét và không chấp nhận sự cai trị của Mỹ, Kurd Syria nổi dậy.

Thậm chí Ankara, Damascus sử dụng ngay lực lượng của mình khoác áo du kích vùng Đông sông Euphrates để hoạt động tấn công quân đội Mỹ-Pháp tại những nơi họ muốn mà tránh được sự tuyên chiến công khai với Mỹ-Pháp.

Quả thật là tình hình Syria hiện nay đã xuất hiện tình thế giống như Việt Nam mà các nhà quân sự chính trị nước ngoài cảnh báo là không sai. Đó là du kích được hỗ trợ của Damascus, của Ankara, của Teheran vượt sông Euphraets hoạt động…

Thứ hai, Mỹ-Pháp là 2 quốc gia duy nhất có lực lượng mặt đất tại Syria, nhưng khả năng được bảo vệ là rất mong manh...

Nga cũng có lực lượng mặt đất và căn cứ tại Syria nhưng vị thế, tình huống và nguy cơ của Nga hoàn toàn khác cơ bản với của Mỹ-Pháp. Lực lượng Mỹ-Pháp lấy YPG làm lá chắn che chở, nhưng đó là lá chắn "mỏng và rách" không có chiều sâu, nhưng Nga thì ngược lại…

Ai đang nguy cơ sa lầy tại Syria: Pháp thay chân Mỹ và trả món nợ lịch sử? - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị "bàn giao" Syria cho Pháp và Saudi Arabia?

Khi bị tấn công và thực tế đã bị tấn công thì do độ tin cậy của YPG là thấp nên buộc Mỹ-Pháp phải tăng quân để bảo vệ bản thân và căn cứ. Khi tấn công của quân du kích càng mạnh thì quân số phải tăng để ngoài bảo vệ họ phải thực hiện các chiến dịch "bình định", "tìm diệt"….

Và, tất yếu, sẽ càng ngày càng có những "thùng kẽm phủ quốc kỳ" Mỹ, Pháp trở về từ Syria.

Các "tổ chức kháng chiến" Đông Euphrates đã tuyên bố thực hiện chiến dịch "The Wrath of Euphrates" (Cơn thịnh nộ của Euphrates ) bắt đầu. Điều này có nghĩa là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đã xuất hiện và trớ trêu thay liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran là người chơi nhưng Pháp-Mỹ là bị chơi.

Vậy nguy cơ ai bị sa lầy? Người Mỹ có vẻ như đã nắm được tình hình, nên Tổng thống Mỹ Trump đã chuẩn bị "dư luận" trước, ông tuyên bố: "Mỹ sẽ rút quân sớm…".

Tại Việt Nam, Mỹ vội vàng nhảy vào thay chân Pháp đã sa lầy, nay tại Syria, Pháp có thật là muốn nhảy vào thay chân Mỹ? Nếu vậy, Mỹ nên trả món nợ lịch sử cho Pháp.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Quân đội Mỹ tăng cường thêm binh lực đến khu vực Manbij - video lực lượng đối lập Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại