7 ngân hàng "sập bẫy" hàng nghìn tấn cà phê rác của nam giám đốc ở Sài Gòn

Bảo Minh |

Nam giám đốc sử dụng hàng nghìn tấn cà phê phế phẩm nhiều lần đi cầm cố cho 7 ngân hàng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Ngày 10/10, TAND TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Nguyễn Xuân Bình (58 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Trường Ngân) và bị cáo Nguyễn Đăng Sơn (36 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Trường Ngân) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Liên quan tới vụ án, tòa xét xử 3 bị cáo nguyên cán bộ ngân hàng Công Thương chi nhánh Nam Sài Gòn gồm: Phan Công Hiếu (nguyên Phó giám đốc), Phan Viết Kỳ (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp) và Trần Thanh Hải (nguyên cán bộ tín dụng) về tội "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng".

Sau phần thủ tục, HĐXX nhận định, cơ quan cảnh sát điều tra đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà không thể khắc phục được tại tòa. Hành vi phạm tội của các bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng Công Thương chi nhánh Nam Sài Gòn chưa được làm rõ. Từ đó, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra bổ sung.

7 ngân hàng sập bẫy hàng nghìn tấn cà phê rác của nam giám đốc ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Các bị cáo có mặt tại phiên xử.

Theo cáo trạng, Công ty TNHH Trường Ngân được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh năm 2005, kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có mua bán lương thực, thực phẩm, chế biến nông sản...

Từ khi thành lập đến tháng 1/2012, công ty thay đổi đăng ký kinh doanh đến 6 lần. Đến lần thứ sáu thì Nguyễn Xuân Bình đứng tên là Chủ tịch HĐTV và Nguyễn Đăng Sơn là giám đốc và là người đại diện theo pháp luật.

Trong quá trình hoạt động, liên tiếp trong hai năm 2011, 2012, Công ty Trường Ngân có quan hệ tín dụng với 7 ngân hàng để vay vốn kinh doanh hàng hoá cà phê xuất khẩu.

Đến đầu năm 2012, công ty không còn đủ hàng hoá thế chấp đảm bảo dư nợ với 7 ngân hàng. Do làm ăn thua lỗ, cần tiền để trả nợ và tiêu xài cá nhân, Bình đã trực tiếp và chỉ đạo Sơn tiến hành ký kết các hợp đồng và phụ lục hợp đồng để cầm cố, thế chấp hàng hoá là cà phê. 

Cả hai sử dụng hàng hoá đã cầm cố, thế chấp ở ngân hàng này tiếp tục thế chấp ở ngân hàng khác, chỉnh sửa các hợp đồng xuất khẩu cà phê nhằm vay được tiền với cam kết sau khi xuất khẩu hàng sẽ lấy tiền trả nợ.

Cụ thể, hợp đồng thế chấp tại 7 ngân hàng ghi tổng số lượng hàng hóa là gần 21.000 tấn cà phê nhưng trong kho của công ty Trường Ngân chỉ khoảng 8.600 tấn cà phê. Quá trình điều tra, đến tháng 3/2017, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định trong kho của công ty Trường Ngân có gần 1.300 tấn cà phê, 820 tấn tạp chất và gần 5.300 tấn cà phê phế phẩm.

Như vậy, với số lượng hàng hóa không có thật, dùng để đảm bảo, thế chấp chồng chéo giữa các ngân hàng dẫn đến không có khả năng trả nợ. Bằng hành vi gian dối bị cáo Bình và Sơn đã chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng.

Trong đó, Ngân hàng Công Thương bị lừa đảo 5,2 triệu USD (109,4 tỷ đồng), Ngân hàng Kỹ Thương bị chiếm đoạt 8,7 triệu USD (181,5 tỷ đồng).

7 ngân hàng sập bẫy hàng nghìn tấn cà phê rác của nam giám đốc ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Hai bị cáo Nguyễn Xuân Bình và Nguyễn Đăng Sơn tại phiên xử hồi tháng 8.

Đối với các cán bộ ngân hàng Công Thương chi nhánh Nam Sài Gòn đã thực hiện giao nhận số lượng hàng hoá hơn 10.509 tấn cà phê, định giá khi cho vay là gần 398 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, các cán bộ này đã không thực hiện đúng quy định về thẩm định, quản lý tài sản cầm cố khiến ngân hàng không còn khả năng thu hồi số tiền hơn 5,2 triệu USD (109,4 tỷ đồng).

Liên quan tới vụ án, đối với số tiền 71,2 tỷ đồng chiếm đoạt của Ngân hàng Quân Đội, hồi tháng 8/2018 vừa qua, Tòa quân sự Cấp cao tại Tòa án quân sự Quân khu 7 (TP HCM) đã tuyên y án 18 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Xuân Bình, 6 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đăng Sơn.

Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận vào năm 2013, khi cùng lúc có 6 ngân hàng đến kho hàng Công ty Trường Ngân ở phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (Bình Dương) phản ứng việc Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An cưỡng chế, kê biên 3.360 tấn cà phê lưu giữ tại kho của công ty để trả nợ cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh quận 4, TP Hồ Chí Minh theo quyết định của TAND quận 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại